Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ
Trong những năm qua, tai nạn giao thông đường bộ ở nước ta diễn ra rất nghiêm trọng, trở thành một vấn đề xã hội rất lớn. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng nhằm làm giảm tai nạn giao thông. Bài viết dựa trên thực tế tỉnh Thái Bình, chủ thể tuyên truyền phổ biến pháp luật là Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thái Bình.
Chuyển biến tích cực
Thái Bình là tỉnh ven biển, thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng có diện tích tự nhiên là 1.546,54 km², phía Bắc giáp với tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng; phía Tây và Tây Nam giáp với tỉnh Nam Định và Hà Nam; phía Đông giáp với vịnh Bắc Bộ. Tỉnh Thái Bình nằm trong vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, do vậy hoạt động giao thông vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh cũng được quy hoạch và phát triển theo xu hướng kết nối đồng bộ với các địa phương trên.
Trong những năm vừa qua, hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh Thái Bình luôn được đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây mới không chỉ tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải, trong khi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng gia tăng khiến nhiều tuyến đường xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất TTATGT đường bộ.
Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thái Bình từ năm 2016 - 2021, trên địa bàn tỉnh Thái Bình xảy ra 1.102 vụ, làm chết 995 người và bị thương 351 người; lực lượng CSGT Công an tỉnh Thái Bình đã xử lý 187.664 trường hợp vi phạm pháp luật giao thông đường bộ; phạt tiền 171.110.040.000 tỷ đồng; tạm giữ 21.952 phương tiện; tước giấy phép lái xe của 24.981 trường hợp. Trong đó, theo thống kê về các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ trên địa bàn tỉnh Thái Bình cho thấy có đến 85,6% số vụ TNGT là do ý thức tham gia giao thông của người dân còn kém.
Để khắc phục tình trạng trên trong thời gian qua lực lượng CSGT Công an tỉnh Thái Bình đã sử dụng tổng thể các biện pháp nhằm làm hạn chế thấp nhất TNGT, phòng ngừa ùn tắc giao thông và vi phạm pháp luật giao thông, đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ. Cụ thể, trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2021 lực lượng CSGT Công an tỉnh Thái Bình đã tổ chức ký cam kết chấp hành Luật giao thông đường bộ cho 58.370 lượt người; tổ chức 130 buổi tuyên truyền cho 484.410 lượt người là học sinh, giáo viên, công nhân, thành viên mặt trận Tổ quốc, hội viên phụ nữ, hội nông dân và những người điều khiển tham gia giao thông; phối hợp xây dựng 1.885 tin, bài, phóng sự phản ánh về pháp luật giao thông đường bộ; phát 40.022 tờ rơi, áp phích; phát 1.640 đĩa CD; treo 3.912 băng rôn, khẩu hiệu, thông điệp; tổ chức 357 điểm triển lãm ảnh với 304.000 nghìn người xem; xây dựng 1.436 đội tự quản an toàn giao thông trên hàng trăm đoạn đường, tuyến phố; gửi thông báo vi phạm cho 40.022 trường hợp... Những hoạt động này đã góp phần tích cực trong việc nâng cao ý thức pháp luật giao thông đường bộ cho người dân, làm giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật và tình trạng TNGT đường bộ trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, lực lượng CSGT Công an tỉnh Thái Bình còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật GTĐB trên địa bàn tỉnh Thái Bình còn mang tính hình thức; chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, thiếu sự phối hợp với các lực lượng khác; chưa chú trọng vào việc tuyên truyền thông qua các mặt công tác khác, chưa tạo được chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh...
Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do: Các quy định của pháp luật về công tác này còn hạn chế, chưa được điều chỉnh và bổ sung kịp thời; lực lượng CSGT Công an tỉnh Thái Bình thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật GTĐB còn thiếu cả về số lượng và chất lượng, trong khi trang thiết bị, phương tiện, kinh phí phục vụ tuyên truyền còn hạn chế; các nội dung, hình thức và biện pháp tuyên truyền chưa thực sự phong phú, chưa phù hợp và tạo sự quan tâm, chú ý của đối tượng tuyên truyền; việc sơ kết, tổng kết đánh giá hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ chưa được chú trọng thực hiện...
Giải pháp trọng tâm
Để khắc phục những nguyên nhân dẫn tới những hạn chế, thiếu sót kể trên nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ của lực lượng CSGT Công an tỉnh Thái Bình trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp trọng tâm sau:
- Thứ nhất, lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Thái Bình chủ động tham mưu và đề xuất các cấp lãnh đạo tỉnh đề ra các chủ trương, biện pháp chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật giao thông đường bộ.
Lực lượng CSGT Công an tỉnh Thái Bình chủ động tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả của nhà nước đối với lĩnh vực TTATGT trong đó có việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ.
Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo TTATGT đường bộ ở từng địa phương, tuyến giao thông cụ thể, lực lượng CSGT Công an tỉnh làm tốt công tác tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đề ra chủ trương, kế hoạch, nội dung và biện pháp, lộ trình thực hiện công tác tuyên truyền phù hợp với điều kiện đặc thù ở từng địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Chủ động tham mưu về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm TTATGT đường bộ theo quy định phù hợp với thực tiễn công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường quan hệ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành liên quan trong quá trình tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ.
Lực lượng CSGT tỉnh, huyện, xã tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình xây dựng và ký kết các quy chế phối hợp với các ban ngành, lực lượng có liên quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ.
Xây dựng quan hệ phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ tới các thành viên trong cơ quan, đơn vị, trường học, tổ chức xã hội chấp hành luật giao thông.
Tăng cường phối hợp trong việc tuyển chọn, bồi dưỡng cán bộ và xây dựng các tổ chức quần chúng nòng cốt trực tiếp thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động và tổ chức hướng dẫn nhân dân tham gia quản lý TTATGT nói chung và TTATGT đường bộ nói riêng ở địa bàn cơ sở.
Phối hợp việc triển khai thực hiện các biện pháp tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ cụ thể như sau: sử dụng hệ thống thông tin đại chúng để tuyên truyền các nội dung yêu cầu về đảm bảo TTATGT nói chung và TTATGT đường bộ nói riêng, tổ chức lực lượng quần chúng cổ động, kẻ vẽ pano, áp phích, kịch nói, vẽ tranh cổ động, triển lãm về ATGT... Trong quan hệ phối hợp này, lực lượng CSGT Công an tỉnh Thái Bình phải chủ động về mặt nội dung, chịu trách nhiệm về kiến thức Luật giao thông đường bộ và chuẩn bị tài liệu, phương tiện, nội dung để tuyên truyền.... Các cơ quan, xí nghiệp, trường học, tổ chức xã hội có trách nhiệm bố trí địa điểm, điều kiện phục vụ, huy động đối tượng tham gia.
Tăng cường phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội ở trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp tuyên truyền pháp luật giao thông đường bộ ở địa phương. Chú trọng việc phối hợp với các đơn vị thông tin, truyền thông, sân khấu, nghệ thuật tổ chức sáng tác, dàn dựng, biểu diễn, sân khấu hóa nhiều tác phẩm về đề tài bảo đảm TTATGT đường bộ và truyền tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông của tỉnh và của địa phương.
- Đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ phù hợp với từng nhóm đối tượng được tuyên truyền.
Trong giải pháp này, lực lượng CSGT Công an tỉnh Thái Bình đẩy mạnh thực hiện các hoạt động tuyên truyền theo các nội dung, hình thức như sau:
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ theo từng điểm: được áp dụng với khu vực đông dân cư trên các trục đường quốc lộ, đường đô thị có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao. Các tụ điểm phức tạp về TTATGT, các tuyến đường thường xuyên xảy ra TNGT; các khu công nghiệp, trường học, nơi công cộng nhà ga, bến xe,... Các cơ quan truyền thông (Báo, Đài phát thanh, Đài truyền hình) khai thác và tuyên truyền các nội dung được cung cấp cho bạn đọc, xã hội.
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ theo đối tượng: tùy từng đối tượng cần có nội dung và biện pháp tuyên truyền phù hợp.
Đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ của lực lượng CSGT Công an tỉnh Thái Bình:
Tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng: lực lượng CSGT chủ động cung cấp thông tin và công khai các chủ trương, chính sách, văn bản quản lý pháp luật về giao thông đường bộ cho các cơ quan truyền thông đại chúng đưa tin bài, phóng sự phản ánh tình trạng vi phạm TTATGT đường bộ, đưa hình ảnh TNGT và hình ảnh chấp hành tốt Luật giao thông đường bộ. Đưa những hình thức và biện pháp xử lý mạnh đối với những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ đặc biệt là các hành vi như: chạy quá tốc độ, tránh vượt sai quy định, lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép, chở quá số người quy định...
Tuyên truyền trực quan: sử dụng bằng pa nô, áp phích treo băng rôn trên các trục đường chính. Chúng ta không sính băng rôn, khẩu hiệu, nhưng trong khi ý thức, thói quen chấp hành pháp luật và văn hóa giao thông chưa được thực hành đầy đủ, thì các phương tiện đó lại rất cần thiết và tác dụng.
Tuyên truyền bằng tờ rơi: in nội dung quy định tốc độ xe cơ giới tham gia giao thông, nội dung là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT và kèm theo hình ảnh...
Tổ chức các buổi tọa đàm nói chuyên về ATGT: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ thông qua việc mở các diễn đàn, tạo dư luận xã hội lên án các hành vi vi phạm, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân với các giải pháp của các cấp ủy.
Tổ chức các cuộc thi về ATGT: tăng cường phối hợp với các cấp ủy, các tổ chức đoàn thể (Công đoàn, Đoàn thanh niên,...) tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về ATGT dần dần hình thành văn hóa giao thông trong mọi đối tượng từ học sinh, sinh viên đến cán bộ công nhân viên chức và người lao động.
- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về pháp luật giao thông đường bộ cho lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thái Bình.
Tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh tăng cường mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ cho lực lượng CSGT Công an tỉnh Thái Bình, đặc biệt là những cán bộ, chiến sĩ được phân công chuyên trách thực hiện công tác này. Bên cạnh các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, các cấp lãnh đạo cũng cần chú trọng tăng cường các buổi nghe báo cáo chuyên đề pháp luật để cập nhật những kiến thức mới, những nội dung trong những văn bản quy phạm pháp luật về giao thông đường bộ mới được ban hành cho lực lượng CSGT. Qua đó, góp phần bổ sung nội dung phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng CSGT. Ngoài việc tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và pháp luật, cần phải tăng cường đào tạo thêm các kỹ năng thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho lực lượng CSGT như: Kỹ năng tuyên truyền miệng, kỹ năng xây dựng kế hoạch tuyên truyền, kỹ năng biên soạn đề cương tuyên truyền; kỹ năng thực hiện tuyên truyền thông qua các hội thi, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật...
Ngoài ra, để công tác tuyên truyền đạt được hiệu quả cao cần tăng cường công tác rèn luyện phẩm chất đạo đức, chính trị, tác phong, nề nếp và lề lối làm việc theo điều lệnh Công an nhân dân. Kiên quyết đấu tranh với những vấn đề tiêu cực, tham nhũng trong công tác của lực lượng CSGT. Qua đó góp phần nâng cao hình ảnh, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với lực lượng CSGT, để quần chúng tin tưởng và tham gia hỗ trợ lực lượng CSGT trong quá trình tổ chức thực hiện công tác bảo đảm TTAGT đường bộ trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
- Bảo đảm kinh phí, tăng cường đầu tư trang thiết bị, phương tiện, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thái Bình.
Triển khai sớm Thông tư liên tịch 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở. Bên cạnh đó, cần đầu tư kinh phí nhằm đào tạo và bổi dưỡng đội ngũ CSGT Công an tỉnh Thái Bình; đảm bảo kinh phí để in ấn các tài liệu cần thiết, các văn bản pháp luật mới về ATGT nói chung và ATGT đường bộ nói riêng, làm phong phú hơn tủ sách pháp luật về ATGT nói chung và ATGT đường bộ nói riêng cho địa bàn tỉnh.
Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an Thái Bình cần dành một khoản kinh phí cần thiết, từng bước trang bị các phương tiện cho hệ thống cơ sở kỹ thuật về ATGT bao gồm: hệ thống tín hiệu giao thông, hệ thống các biển báo giao thông ở các huyện, xã, đặc biệt ở các tuyến đường quốc lộ, các tuyến đường hay xảy ra TNGT. Bên cạnh vấn đề kinh phí, lực lượng CSGT Công an tỉnh Thái Bình cần thường xuyên đề xuất các cấp lãnh đạo quan tâm cho phép đầu tư mua sắm các trang thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về GTĐB như: Máy vi tính, máy làm phim tuyên truyền; máy chiếu di động; máy photocopy; hệ thống âm thanh; phương tiện tuyên truyền lưu động...
Đồng thời, các cấp lãnh đạo lực lượng CSGT cần đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông vào phục vụ hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ. Trong đó, có thể xây dựng các trang thông tin điện tử trực tuyến để thường xuyên cung cấp các thông tin, giải đáp thắc mắc của người tham gia giao thông đường bộ về những vấn đề có liên quan của pháp luật giao thông đường bộ; thành lập các trang mạng điện tử chuyên đăng và chia sẻ những vấn đề có liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT đường bộ tại từng khu vực, địa bàn cụ thể để quần chúng nhân dân kịp thời theo dõi và nắm bắt được các thông tin mà lực lượng CSGT muốn cung cấp...
- Tăng cường tổ chức thực hiện các hoạt động sơ kết, tổng kết đánh giá hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Chủ động tham mưu cho các cấp lãnh đạo phê duyệt các kế hoạch sơ kết, tổng kết và định kỳ tổ chức các hoạt động sơ kết, tổng kết đánh giá các giai đoạn tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ cho quần chúng nhân dân. Chủ động tham mưu xây dựng các nội dung, phương án, quy mô, hình thức tổ chức thực hiện các buổi sơ kết, tổng kết. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng báo cáo đánh giá toàn diện quá trình thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ theo từng mục tiêu, yêu cầu đặt ra; kết quả đạt được, tác động tới sự chuyển biến trong ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ của người tham gia giao thông trong từng giai đoạn tổ chức các hoạt động tuyên truyền đang diễn ra như thế nào; những việc làm tốt, những việc còn chưa tốt và nguyên nhân, giải pháp để thực hiện tốt hơn các hoạt động tuyên truyền đó. Từ đó, đúc rút ra những kinh nghiệm quý báu, cách làm hay, hiệu quả để nhân rộng thực hiện trong thời gian tiếp theo.
Phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức sơ kết, tổng kết phải có sự tham gia của đông đảo các ban ngành chức năng có liên quan tới công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trên địa bàn tỉnh. Đánh giá khách quan, toàn diện sự liên quan, phối hợp của các ban ngành chức năng trong quá trình tổ chức bảo đảm TTATGT đường bộ nói chung và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ nói riêng. Đưa ra các giải pháp, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các lực lượng có liên quan trong quá trình thực hiện công tác này.
Thông qua hoạt động sơ kết, tổng kết để kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân, tổ chức đã có những thành tích nổi bật góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ. Qua đó tạo động lực, quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng CSGT và các lực lượng có liên quan khác đẩy mạnh thực hiện các hoạt động tuyên truyền.
- Tăng cường phát huy hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ thông qua các mặt công tác nghiệp vụ khác của lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thái Bình.
Chú trọng nâng cao chất lượng công tác điều tra cơ bản nắm tình hình TTATGT đường bộ phục vụ các mặt công tác bảo đảm TTATGT đường bộ nói chung và công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ nói riêng.
Tăng cường chỉ đạo lực lượng CSGT thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ trong quá trình tổ chức thực hiện các mặt công tác nghiệp vụ chuyên môn để bảo đảm TTATGT đường bộ như: Tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ; đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; điều tra, giải quyết TNGT đường bộ...
Tăng cường khai thác kết quả của các mặt công tác bảo đảm TTATGT đường bộ của lực lượng CSGT kể trên để xác định các nhóm đối tượng cần tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ, đặc biệt là các đối tượng thường tham gia giao thông đường bộ, những đối tượng thường xuyên vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ... để lên kế hoạch tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ của những nhóm đối tượng này.
Trong quá trình xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ cho những nhóm đối tượng kể trên cần chú trọng điều tra cơ bản, nắm tình hình đặc điểm của các nhóm đối tượng này có liên quan tới tình hình TTATGT đường bộ tại địa phương, từ đó xác định được các nội dung, lựa chọn được các hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể.
Lãnh đạo, chỉ huy lực lượng CSGT chủ động nghiên cứu giao trực tiếp các chỉ tiêu, nhiệm vụ và các yêu cầu cần đạt được của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ cho cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ TTKS, xử lý vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ, chỉ huy điều khiển giao thông đường bộ... tổ chức lồng ghép các nội dung cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ vào các hoạt động công tác khác của lực lượng CSGT.
Nguồn: tạp chí tòa án nhân dân
Không có nhận xét nào