MKRdezign

TIN MỚI

Từ sự cần thiết khách quan, thổi lửa thành “chạy đua vũ trang”

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, vừa qua, Bộ Công an đã thành lập Trung đoàn Không quân CAND. Đồng thời, Quốc hội cũng thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ). Với mưu đồ chống phá, nhiều cá nhân, tổ chức xấu đã xuyên tạc, hướng lái sai lệch các vấn đề nêu trên.

Một trong những nhiệm vụ lớn được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu ra là: Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng QĐND, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.

Để hoàn thành nhiệm vụ trên, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt đối với lực lượng CAND. Về công tác xây dựng lực lượng, song song với việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức và triển khai đề án Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã, lực lượng CAND cũng đã nghiên cứu, thành lập đơn vị mới là Trung đoàn Không quân CAND trực thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ, góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Cùng với đó, việc hoàn thiện hành lang pháp lý đối với lực lượng CSCĐ cũng được triển khai, dự thảo Luật CSCĐ được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.

Việc góp ý, nêu quan điểm khác nhau về một vấn đề mới là bình thường. Tuy nhiên, lợi dụng việc “đóng góp ý kiến”, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị trong và ngoài nước đã nhanh chóng “bắt sóng”, tiến hành công kích, xuyên tạc, bóp méo sự thật, đưa ra nhiều thông tin, luận điệu sai trái, hướng lái tiêu cực. Đối với việc thành lập Trung đoàn Không quân CAND, các đối tượng xấu rêu rao đây là việc làm phục vụ “lợi ích nhóm”, việc thành lập là vô bổ, lãng phí về nhân lực, vật lực, là “biểu hiện của lạm quyền, tham nhũng”… Trong khi đó, đối với dự thảo Luật CSCĐ, những luận điệu sai lệch cũng đã được tung ra. Các đối tượng vẽ ra “thuyết âm mưu” cho rằng, theo các công ước quốc tế, các quốc gia không bao giờ được sử dụng lực lượng vũ trang để thực hiện hành vi trấn áp khi có xung đột dân sự nên Đảng, Nhà nước Việt Nam đang xây dựng quy định để biến CSCĐ thành một biến thể của Quân đội, phục vụ việc đàn áp người dân.

Ở một góc độ khác, một số luận điệu lại xuyên tạc, bịa đặt việc xây dựng dự luật là một cuộc “tranh giành quyền lực” giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng; cho rằng lực lượng Công an đang “lấn sân” thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Quân đội. Đồng thời, liên quan đến nội dung dự thảo quy định về việc trang bị một số phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại như máy bay, tàu thủy, trang thiết bị đặc chủng chuyên dụng hiện đại…, các đối tượng bóp méo bản chất sự việc, cho rằng việc trang bị các phương tiện hiện đại là tốn kém, không cần thiết, mang tính chất “chạy đua vũ trang” phục vụ việc “đối phó với người dân trong nước”. Ngoài ra, với mưu đồ tiến hành “phi chính trị hoá” lực lượng vũ trang, các đối tượng đòi xoá bỏ nguyên tắc “đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý Nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an” trong hoạt động của lực lượng CSCĐ; tiếp tục rêu rao rằng lực lượng CSCĐ nói riêng và lực lượng vũ trang nói chung phải trung lập, phải “nằm ngoài chính trị”.

Suy cho cùng, mục đích của những kẻ này là làm nhiễu loạn thông tin, gieo rắc sự hoài nghi của quần chúng nhân dân đối với lực lượng CAND, khích bác, chia rẽ mối quan hệ gắn bó giữa lực lượng CAND và QĐND, cổ suý tư tưởng đòi “phi chính trị hoá” lực lượng vũ trang.

Cần phải khẳng định, việc thành lập Trung đoàn Không quân CAND và việc xây dựng Dự thảo Luật CSCĐ là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật, dựa trên những đòi hỏi của thực tiễn công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, có sự cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng.

Thứ nhất, việc thành lập Trung đoàn Không quân CAND xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện và đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai và thực hiện các nhiệm vụ khác của lực lượng CAND.

Tiến hành đánh giá, tổng kết về hoạt động của lực lượng CSCĐ nói riêng và lực lượng CAND nói chung cho thấy, công tác bảo vệ an ninh, trật tự đã phát sinh nhiều trường hợp mà các phương tiện cơ động chiến đấu đường bộ, đường sắt và đường thủy chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là ở những khu vực, địa bàn có địa hình phức tạp, hiểm trở, chia cắt. Do đó, cần có lực lượng không quân để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Việc thành lập Trung đoàn Không quân CAND góp phần xây dựng lực lượng CAND ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước tiến lên hiện đại theo lộ trình được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung đoàn Không quân CAND được quy định một cách rõ ràng, không có sự chồng chéo về nhiệm vụ với lực lượng Quân đội như một số quan điểm.

Xung quanh hoạt động của lực lượng Không quân CAND, một số ý kiến cho rằng Bộ Quốc phòng đã có lực lượng Không quân, vì vậy việc thành lập Trung đoàn Không quân CAND là không cần thiết, lãng phí nhân lực và vật lực. Tuy nhiên, cần phải thấy rõ, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng là hai lực lượng có chức năng, nhiệm vụ khác nhau; bên cạnh sự phối hợp tác chiến thì trong nhiều tình huống khẩn cấp, cần sự cơ động nhanh, bảo đảm yêu cầu nghiệp vụ, cần phải có các lực lượng độc lập để nâng cao tính chủ động. Do đó, việc thành lập lực lượng Không quân CAND là hoàn toàn phù hợp, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Thứ hai, việc nghiên cứu, ban hành Luật CSCĐ mới thay cho Pháp lệnh CSCĐ là cần thiết, khách quan. Sau hơn 7 năm thực hiện, Pháp lệnh CSCĐ (2013) đã bộc lộ một số điểm bất cập, thiếu đồng bộ so với những quy định khác có liên quan. Cùng với đó, những thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình trong nước, khu vực, thế giới cũng đặt ra nhiều thách thức cho việc bảo đảm an ninh, trật tự. Vì vậy, để kịp thời thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng; hoàn thiện hành lang pháp lý về tổ chức và hoạt động của lực lượng CSCĐ, làm rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ giữa lực lượng CSCĐ với các lực lượng khác, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, việc xây dựng Luật CSCĐ là hoàn toàn phù hợp.

Theo dự thảo, Luật CSCĐ có 5 chương, 30 điều. So với Pháp lệnh cũ, dự thảo Luật CSCĐ đưa ra một số nội dung mới như: Quy định thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ để bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quy định cụ thể về các biện pháp công tác và việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của CSCĐ; quy định về việc phối hợp của CSCĐ với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan và chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ…

Để được thông qua, dự luật còn phải trải qua nhiều bước, với sự cân nhắc đánh giá kỹ lưỡng. Tuy nhiên, mục đích cao nhất khi xây dựng luật là tạo cơ sở pháp lý vững chắc phục vụ nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, nhất là trong bối cảnh các thế lực phản động trong và ngoài nước tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá nước ta, đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kích động, lôi kéo các lực lượng tham gia biểu tình, bạo loạn.

Nguồn: CAND

Không có nhận xét nào