Bài 1: Chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng con người
Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ, là cuộc đấu tranh quyết liệt, để từ đó ngăn chặn cái xấu, lan tỏa cái tốt trong hành trình xây dựng con người mới, xã hội mới - xã hội chủ nghĩa.
Đất nước ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong nền kinh tế thị trường, “xã hội thị trường” sẽ hình thành một cách tự nhiên. Đó chính là mặt trái của kinh tế thị trường mà bất cứ quốc gia nào cũng phải đối mặt.
Sự lên ngôi của đồng tiền kích thích lòng tham, cái ác, cái xấu trong mỗi con người. Do đó, phòng, chống tham nhũng xã hội chủ nghĩa, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là việc không dễ dàng.
Nhưng đây là nhiệm vụ, là cuộc đấu tranh quyết liệt, để từ đó ngăn chặn cái xấu, lan tỏa cái tốt trong hành trình xây dựng con người mới, xã hội mới - xã hội chủ nghĩa.
Bài 1: Tiêu cực - cái gốc của tham nhũng
Với những kết quả đạt được trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ sự nghiêm khắc, quyết liệt của Đảng, Nhà nước. Thế nhưng, tham nhũng, tiêu cực còn hết sức phức tạp, đòi hỏi phải có những giải pháp phòng, chống căn cơ, quyết liệt hơn.
Những nỗ lực trong cuộc chiến chống tham nhũng
Kết quả nổi bật của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua cho thấy mấy điều: Thứ nhất, đấu tranh phòng, chống tham nhũng “không có vùng cấm” hoàn toàn là sự thật. Thứ hai, tài sản bị tham nhũng được thu hồi rất tích cực. Thứ ba, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước ngày càng được thắt chặt để ngăn chặn hành vi tham nhũng. Thứ tư, nhân dân ta và dư luận quốc tế ngày càng tin tưởng vào hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam.
Từ đó khẳng định: Đảng hoàn toàn có thể lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả, tạo đồng thuận xã hội, chứ không phải bất khả thi như một vài luồng ý kiến từng lo ngại.
Ngày 16-9-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 32-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (sau đây gọi tắt là Ban chỉ đạo) thay thế Quy định số 211-QĐ/TW ngày 25-12-2019 của Bộ Chính trị khóa XII về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Đây là một bước chuyển lớn trong hoạt động của Ban chỉ đạo khi mở rộng phạm vi chỉ đạo, không chỉ tập trung vào nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, mà còn là cả phòng, chống tiêu cực, coi đây là hai loại án. Trong đó nội hàm của phòng, chống tiêu cực được xác định cụ thể vào việc phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Để cụ thể hóa hơn nữa làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 về những điều đảng viên không được làm. Quy định này thay thế Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Trong 19 điều đảng viên không được làm theo Quy định số 37 điều chỉnh gần như đầy đủ những thói hư, tật xấu mà không ít cán bộ, đảng viên mắc phải trong suốt thời gian qua.
Sự mở rộng phạm vi là cơ sở để Ban chỉ đạo chỉ đạo xử lý các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, bảo đảm sự trong sạch, tăng cường sức chiến đấu cho Đảng.
Những năm gần đây, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) ghi nhận Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam có xu hướng cải thiện tích cực. Theo công bố đầu năm 2021, xếp hạng CPI của Việt Nam năm 2020 đứng thứ 104/180 nước. Điều này phản ánh kết quả các nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là việc truy tố, xét xử hàng loạt vụ án tham nhũng lớn.
Theo nghiên cứu mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định "chi trả hoa hồng là cần thiết để có cơ hội thắng thầu" chỉ còn 41,2%, tiếp tục giảm so với con số 48,4% của năm 2018 và mức 54,9% của năm 2017.
Năm 2019 có 54,1% doanh nghiệp phản ánh về việc tồn tại hiện tượng nhũng nhiễu khi cán bộ nhà nước, địa phương giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, giảm so với con số 58,2% của năm 2018. Nếu so với con số 70% doanh nghiệp phản ánh phải trả chi phí không chính thức vào năm 2006, thì con số 53,6% của năm 2019 cho thấy đã có bước tiến lớn trong nỗ lực của chính quyền các địa phương.
Dù vậy, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn triệt để. Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội, vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì bên cạnh những giá trị tốt đẹp của con người truyền thống, con người xã hội chủ nghĩa phải hình thành các phẩm chất như: Tư tưởng xã hội chủ nghĩa, đạo đức xã hội chủ nghĩa, tác phong xã hội chủ nghĩa... Ảnh minh họa: nhandan.com.vn |
Điều đáng lưu ý là có rất nhiều cán bộ cấp cao, cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị kỷ luật Đảng, bị pháp luật xử lý. Trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao còn thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng.
Giai đoạn vừa qua, việc không ít cán bộ, đảng viên nhúng chàm bị xử lý vì tham nhũng là cần thiết, là đích đáng, thế nhưng cũng rất chua xót. Qua các vụ án tham nhũng, mất mát tiền bạc, vật chất đã đau xót, nhưng mất mát con người, mất mát niềm tin còn đau xót hơn nhiều.
Những cán bộ, đảng viên có hành vi xấu xa kia có thể không phải là con người tồi tệ, xấu xa ngay từ khi bước vào đội ngũ. Họ có thể cũng đã có những nỗ lực phấn đấu, những đóng góp tích cực được ghi nhận, như vậy mới được quy hoạch, bổ nhiệm lên các chức vụ cao hơn.
Nhưng chính vì không giữ được sự rèn luyện, tu dưỡng, và cũng bởi luật pháp và những quy định ràng buộc cán bộ, đảng viên còn sơ hở nên họ đã gục ngã bởi những “viên đạn bọc đường”.
Cũng có thể, có những người ngay từ khi bước vào đội ngũ cán bộ, công chức thì phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống đã có vấn đề, nhưng vì không kịp thời được phát hiện, chấn chỉnh, ngăn chặn, lại được nâng đỡ “không trong sáng”, nhờ chạy chức, chạy quyền, chạy thành tích mà có được cơ hội thăng tiến, để rồi khi đã ngồi vào vị trí có “quyền sinh, quyền sát” thì bắt đầu tác oai tác quái, tham nhũng, thao túng, lạm quyền làm rối loạn, suy yếu cơ quan, đơn vị, gây mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, để lại hậu quả kéo dài.
Phải chặt đứt cái gốc của tham nhũng
Việc Ban chỉ đạo mở rộng phạm vi sang cả phòng, chống tiêu cực đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo, luận giải rõ: “Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Hai cái này nó có liên quan đến nhau. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng. Đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Lợi ích kinh tế thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống...”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn đội ngũ cán bộ, đảng viên rằng: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì bên cạnh những giá trị tốt đẹp của con người truyền thống, con người xã hội chủ nghĩa phải hình thành các phẩm chất như: Tư tưởng xã hội chủ nghĩa, đạo đức xã hội chủ nghĩa, tác phong xã hội chủ nghĩa...
Như thế, có thể thấy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh rất nhiều phẩm chất thì con người xã hội chủ nghĩa dứt khoát phải có hai phẩm chất là phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức, lối sống. Hai phẩm chất này cần được thể hiện trước hết ở đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo ngày 18-11-2021 đã phân tích rằng: “Nếu bản lĩnh chính trị anh tốt, không bị lôi kéo thì làm gì mà tham nhũng. Nếu đạo đức trong sáng, giữ gìn liêm sỉ thì làm gì mà tham nhũng. Cái đó là cái gốc”.
Người chức vụ càng cao, địa vị càng cao mà dính vào tham nhũng, có những biểu hiện tiêu cực trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì rõ ràng “người ta trông vào” sẽ cảm thấy bị sứt mẻ niềm tin. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và “...
Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.
Quay trở lại vấn đề về mối quan hệ giữa tham nhũng và tiêu cực, ta thấy rằng, chứng cứ của việc tham nhũng thì không dễ phát hiện, nhưng những biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì dễ nhìn thấy hơn.
Người ta có thể che giấu chứng cứ tham nhũng, nhưng những biểu hiện tiêu xài lãng phí, xa hoa, sa đọa, hủ hóa, những biểu hiện nhũng nhiễu, lạm quyền, dọa nạt, vòi vĩnh để hòng trục lợi thì không khó để nhìn ra, để nhận biết.
Vừa qua có một số hành động của cán bộ không phải hành vi tham nhũng nhưng trở thành “cái gai” trong mắt nhân dân, rất tai hại cho hình ảnh cán bộ, đảng viên.
Ấy là chuyện ông Lê Hùng Sơn, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Cô Tô (Quảng Ninh) bị tố cáo hiếp dâm sau một cuộc rượu, bị tạm đình chỉ công tác. Ấy là chuyện trong khi cả nước đang chống dịch, phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội thì ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội đi đánh golf...
Rồi những cán bộ có quốc tịch, tài sản ở nước ngoài, biệt phủ, siêu xe, những biểu hiện ma chay, hiếu hỉ, tiệc tùng tốn kém, phô trương... Những biểu hiện ấy, dù không thể định lượng bằng số tiền mà Nhà nước, nhân dân bị thiệt hại, tuy nhiên, nó làm cho hình ảnh cán bộ, đảng viên, thậm chí tính chính danh của Đảng sẽ bị ảnh hưởng.
Nhân dân ta một lòng theo Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân đồng lòng xây dựng đất nước, chiến sĩ ta chiến đấu, hy sinh để giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân. Đó là vì “Đảng là đạo đức, là văn minh”.
Do đó, giữ đạo đức, giữ văn minh chính là giữ tính chính danh, giữ vị thế lãnh đạo của Đảng. Đấy là cuộc đấu tranh không khoan nhượng!
(còn nữa)
Nguồn: QĐND
Không có nhận xét nào