Từ tin giả đến trào lưu clip lăng mạ, dung tục: Cần chung tay quét rác mạng
Đủ thứ rác bị ném lên không gian mạng. Đó là những thông tin sai trái, nội dung tục tĩu đội lốt sản phẩm văn hóa nghệ thuật, trào lưu chửi tục, lăng mạ…
Virus tin giả thời COVID-19 tràn lan và 5K dành
cho cộng đồng mạng
Không thể phủ nhận, mạng xã hội kể từ khi ra
đời, đã mang lại cho con người những kênh kết nối mạnh mẽ, đưa chúng ta xích
lại gần nhau, bất chấp khoảng cách không gian, địa lý. Thế nhưng, không phải
tất cả những người truy cập internet, tham gia mạng xã hội đều có nhận thức
đúng đắn, hành vi chuẩn mực.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, sự vô tình
hay thậm chí là cố ý của một thiểu số người dùng mạng xã hội khi lan truyền
thông tin sai trái, phát tán hình ảnh phản văn hóa, hay những nội dung tục tĩu đội lốt
sản phẩm văn hóa nghệ thuật, đang làm lây lan virus độc hại trên không gian
mạng. Muôn hình vạn trạng, nhưng có thể đặt một cái tên chung: RÁC MẠNG.
Trong những loại rác mạng, xếp ở hàng đầu, đó
chắc chắn là những sản phẩm tin tức được tung ra bởi các thế lực thù địch, cơ
hội chính trị. Lợi dụng những thời điểm đất nước gặp khó khăn như trong tình
hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, các đối tượng này, dùng nhiều thủ đoạn như
tung tin giả, tin cắt ghép, livestream, liên tục chia sẻ lên các mạng xã hội
với các mục đích không mới mà chúng tôi đã nhiều lần phân tích, đó là xuyên tạc
chính sách chống dịch của Đảng, Nhà nước, bôi nhọ lãnh đạo, miệt thị nhân dân,
chia rẽ giữa người dân với người dân, người dân với chính quyền.
Cái đích cuối cùng mà chúng hướng đến, đó là
phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kích động, nhằm tiến tới bạo
loạn lật đổ chế độ Xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng.
Không
chỉ những đối tượng phản động, thù địch, cơ hội chính trị không ngừng chống phá
phát tán virus độc hại. Trong thế giới phẳng, ai cũng có thể xả rác lên mạng,
dù vô tình hay cố ý. Phổ biến nhất là tin giả (fake news).
Bộ
Thông tin và Truyền thông đã phải xây dựng một trung tâm xử lý tin giả trên
internet để xử lý những thông tin giả mạo. Về thủ đoạn, tin giả ngày một tinh
vi hơn. Người ta còn xây dựng các fanpage giả mạo tổ chức, cơ quan nhà nước như
fanpage Ban Tuyên giáo Trung ương, hay Bộ Công an; giả mạo các phát ngôn của
các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ ngành nọ địa phương kia.
Đặc
biệt trong thời điểm dịch COVID-19 phức tạp như hiện nay, tin giả lại mọc lên
như nấm sau mưa. Kẻ tung tin giả lợi dụng tâm lý hiếu kỳ, chú ý tới những tin
tức tiêu cực, giật gân hơn là tích cực của đám đông; đánh vào sự lo lắng bất
an, cả lòng trắc ẩn của cộng đồng trong dịch bệnh. Giả mạo văn bản chỉ đạo
phòng chống dịch của Thành phố Hải Phòng, hay tung tin Đà Nẵng có 300 ca F0 tại
khu công nghiệp đến từ admin một nhóm ăn vặt tại Đà Nẵng trên facebook.
Nhiều
người, trong đó có cả những người nổi tiếng, bỗng trở thành chuyên gia điều trị
COVID-19 với những bài thuốc có thành phần với cái tên mỹ miều là địa long, hay
dân gian gọi là giun đất. Hay như câu chuyện lấy nước mắt về một bác sĩ được
tạo ra từ trí tưởng tượng, rút ống thở cha mẹ để nhường cho sản phụ.
Nhiều
đối tượng đã bị xử lý hình sự, nhẹ hơn là phạt hành chính, theo như cách nói
vui của một số người trên mạng, là được mời đóng góp vào Quỹ phòng chống
COVID-19. Dù đã bị xử lý, những hành vi tung tin giả, vì nhiều mục đích khác
nhau: câu lượt xem, lượt thích, thu hút sự chú ý để bán hàng trực tuyến, vẫn để
lại những hậu quả rất nghiêm trọng, đó là sự hoang mang trong nhân dân, ảnh
hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch bệnh, gây bất ổn trong xã hội.
Với virus tin giả, người dùng
mạng cũng cần 5K để bảo vệ mình và cộng đồng:
Tin
giả giống như là rác vậy. Rác cứ quét lại có rác mới. Những thông tin chính
thống phải có nguồn rõ ràng. Những thông tin trôi nổi không nên chia sẻ, tránh
gây hoang mang cho cộng đồng.
Ông
Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ
Thông tin và Truyền thông
Rác văn hóa mạng: Sốc, sến, hở,
độc, dị
Đủ
thứ rác bị ném lên không gian mạng, đời sống thứ hai của chúng ta. Gần đây xuất
hiện ngày một nhiều dưới vỏ bọc văn hóa. Những đối tượng giang hồ, cộm cán, ở
trại giam nhiều hơn ở nhà, đột nhiên lột xác thành những ngôi sao qua những
phim ngắn, video ca nhạc cổ súy thói ăn chơi sa đọa, đánh đấm, chém giết, suy
tôn lối sống giang hồ vô pháp luật.
Người
ta còn lên mạng dạy trẻ em đủ trò quái đản, thử thách nguy hiểm đến tính mạng
với vô số clip sốc, sến, hở, độc, dị.
Có
lẽ chưa bao giờ, trào lưu chửi tục, lăng mạ nhau trên mạng xã hội lại rầm rộ
đến thế. Vòng xoáy này còn cuối theo cả những người được cho là nghệ sỹ hoặc có
chút nổi tiếng. Từ hot girl, cho đến người mẫu, diễn viên, ca sĩ, có ảnh hưởng
trong xã hội, xuất hiện cùng những dòng trạng thái tục tĩu, những buổi
livestream cởi đồ khoe thân, rồi lấy lý do vạch trần bộ mặt thật….để chửi bới,
lăng mạ, công kích cá nhân.
Thậm
chí, âm nhạc, vốn đẹp đẽ cũng bị biến thành thứ xấu xa, bẩn thỉu. Nhạc sĩ
Nguyễn Văn Chung đã phải ngán ngẩm thốt lên "Đừng biến nó thành "vũ
khí" để thóa mạ lăng nhục nhau rồi đội lốt "sản phẩm âm nhạc",
bởi âm nhạc là phải đẹp!
Những clip âm nhạc phản cảm nhưng hàng triệu view trên mạng xã
hội. Cuộc chiến giữa 2 rapper đình đám Torai9 và Rhymastic từng gây xôn xao dư
luận, biến âm nhạc thành công cụ đấu đá, ảnh hưởng xấu đến môi trường âm nhạc.
Trào lưu chửi bới, công kích nhau, thậm chi bới móc đời tư trên mạng với nhiều
gương mặt nghệ sỹ, người nổi tiếng. Hệ lụy là tạo ra những cộng đồng văng tục,
chửi bậy trên mạng.
Lên mạng chửi
bậy không khác gì chửi bậy giữa phố. Họ tưởng làm thế sẽ nổi tiếng, Những hành
động vô văn hóa ấy lại bị chính dân mạng lên án. Họ tưởng có quyền làm thế. Đây
là tình trạng nghiêm trọng cần chỉnh sửa, ngăn lại.
TSKH Đoàn Hương
Trong cuộc sống hàng ngày, xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi
trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Còn rác mạng tác động xấu đến sức
khỏe tinh thần của con người, bởi hàng ngày hàng giờ nó len lỏi vào suy nghĩ,
tâm lý, tinh thần, và có thể làm méo mó hành vi, ứng xử, lối sống của không ít
người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ.
Chỉ vì không thích một ai đó, có người sẵn sàng bịa đặt thông
tin, cắt ghép hình ảnh, phát ngôn, lợi dụng tâm lý đám đông, tạo nên những làn
sóng công kích cá nhân, bắt nạt hội đồng bất chấp đúng sai trên mạng xã hội.
Mạng ảo, nhưng hệ lụy là thật với nhiều cái kết đắng. Nạn nhân có thể là bất kỳ ai đó trong số chúng ta. Đau lòng hơn, khi nạn nhân là các em nhỏ, tâm hồn nhận thức còn non nớt. Đã có những cái chết đau đớn, có những vết thương lòng có thể ảnh hưởng đến cả tương lai của các em.
"Phong sát" và những biện pháp xử lý rác mạng trên thế
giới
Môi trường xanh, trái đất xanh cần sự chung tay của cả nhân
loại. Môi trường mạng cũng vậy, bởi đó là thế giới mở, nơi chúng ta dễ dàng thu
thập và chia sẻ thông tin
Một tin giả hay một video clip phát tán từ một quốc gia này, có
thể ảnh hưởng đến quốc gia khác. Nhìn sang các nước, chúng ta thấy, họ cũng
đang phải đối mặt và quyết liệt tìm giải pháp để xử lý rác trên mạng.
Từ châu Âu sang châu Á, các quốc gia đang đẩy mạnh việc áp dụng
các biện pháp như công nghệ để lọc rác mạng, bóp băng thông internet, tăng nặng
khung hình phạt, đưa ra bộ quy tắc để hạn chế những vi phạm trên không gian
mạng.
Gân đây nhất, điển hình là Trung Quốc rất quyết liệt, mạnh tay trong việc xử lý thông tin xấu độc, ảnh hưởng tiêu cực trên không gian mạng. Cụm từ "phong sát" được ví như bàn tay sắt, trừng phạt trên mọi phương diện với những đối tượng, trong đó có nghệ sỹ vi phạm pháp luật, có hành vi lệch chuẩn về đạo đức, phát tán thông tin, hình ảnh nhạy cảm, dung tục. Các quốc gia trên thế giới đang áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp: pháp luật-công nghệ-giáo dục-truyền thông và cả sự lên an của cộng đồng với những hành vi sai lệch.
Trung Quốc được xem là quốc gia mạnh tay nhất trong xử lý các nghệ sỹ vi phạm luật pháp, đạo đức, văn hóa ứng xử trên không gian mạng. Cơn địa chấn "phong sát" khiến một loạt cái tên đình đám như Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm, Triệu Vy… đứng bên bờ vực mất sự nghiệp vĩnh viễn. Theo quy định, những người không tuân thủ pháp luật, vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội không được xuất hiện trước công chúng dưới bất kỳ hình thức nào (Báo chí, truyền hình, sự kiện hay mạng xã hội; người nổi tiếng muốn livestream phải đăng ký với cơ quan chức năng.
Tại Hàn Quốc, một số
nghệ sỹ nổi tiếng như Seungri của nhóm Bigbang buộc phải giải nghệ bởi chia sẻ
hình ảnh nhạy cảm trên mạng. Đài Truyền hình quốc gia KBS đã cấm vĩnh viễn loạt
nghệ sỹ với hành vi sử dụng ma túy, tấn công tình dục, bạo hành, tấn công cảnh
sát, lái xe khi say…
Australia đã yêu cầu cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm đối với
những bình luận của bên thứ 3 trên trang mạng xã hội của mình. Trước đó, năm
2019, nước này thông qua Dự luật "Chia sẻ tài liệu bạo lực ghê tởm",
ngăn chặn việc lan truyền hình ảnh, thông tin kích động bạo lực, khủng bố.
Nhều nước châu Âu cũng siết chặt kiểm soát mạng xã hội. Năm
2018, Đức ban hành "Luật cải tiến chấp pháp tại các
mạng xã hội" nhằm ngăn chặn tin giả, phát ngôn gây thù hận.
Pháp thông qua "Luật về siết chặt kiểm soát thông tin trên
mạng xã hội", hình sự hóa tội danh tung tin thất thiệt, hình phạt lên đến
75.000 Euro hoặc bị phạt tù đến 1 năm.
Tháng 3/2019, Nga ban hành
"Luật về tin giả và thông tin xúc phạm chính quyền trên Internets"
nhằm điều chỉnh hành vi trên không gian mạng. Nga đã phạt tiền Google, bóp băng
thông Twitter vì không dỡ bỏ các nội dung cấm. Liên minh châu Âu đã ban hành Bộ
Quy tắc về xử lý, gỡ bỏ nội dung cấm, phạt nặng hành vi truyền bá nội dung gây
thù hận, phân biệt chủng tộc, kích động khủng bố.
Năm 2020, Mỹ ban hành sắc
lệnh cho phép cơ quan quản lý của chính phủ Mỹ đánh giá xem liệu các nền tảng
mạng xã hội có đủ điều kiện để được miễn trừ pháp lý đối với nội dung do người
dùng đăng tải hay không. Nếu không đủ điều kiện, các mạng xã hội, được xem như
các nhà xuất bản, sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với các nội dung người
dùng đăng tải và sẽ bị xử lý theo quy định của bộ luật hiện hành.
Cần chung tay loại bỏ rác và ươm mầm xanh trên Internet
Theo thống kê, năm 2020, 64% dân số nước ta sử dụng điện thoại
thông minh được kết nối internet. Trung bình, người dùng dành 25% thời gian sử
dụng smartphone để lướt Facebook và 12% thời gian để xem YouTube.
Trong quá trình ấy, việc tiếp xúc với những chuyện thị phi câu
lượt xem, lượt thích, clip độc hại, phản cảm, tin giả, thậm chí thông tin sai
lệch, kích động là không ít. Thế nên, nhà có rác, việc quét rác là bình thường.
Thực tế là thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, tăng cường phối hợp để quản lý không gian mạng bằng nhiều giải pháp. Luật, các nghị định liên tục được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh so với thực tế. Các biện pháp công nghệ cũng có, giáo dục cũng nhiều, nhưng xem ra chưa bắt kịp được tốc độ lây lan của virus xấu độc.
Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp chặt chẽ với các
bộ ngành, địa phương để mạnh tay xử lý rác mạng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch cũng đang vào cuộc chấn chỉnh hành vi lệch chuẩn trong giới nghệ sỹ, những
người có ảnh hưởng xã hội. Cần nhiều giải pháp đồng bộ, và sự chung tay của
chính người dùng mạng.
100% tài khoản giả mạo, thông tin xuyên tạc
được Facebook và Google gỡ bị khi Bộ TT&TT yêu cầu, 1800 đối tượng bị triệu
tập, khởi tố hình sự 21 người, xử phạt vi phạm hành chính 466 người với số tiền
phạt hơn 5 tỷ đồng.
Làm thế nào để đấu tranh với cái xấu, nhân lên những điều tốt đẹp
trong xã hội?
Có lẽ, trong thời đại số, khi người dùng mạng bị bủa vây bởi quá
nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, sai lệch, xấu độc. Khi ấy càng cần sự vào
cuộc của báo chí.
Bởi trong ma trận thông tin trên mạng, thật giả lẫn lộn, tốt xấu
đan xen thì nhu cầu tìm kiếm thông tin chính xác, chân thực lại ngày một cao
hơn.
Chính vì thế, đây là lúc báo chí chính thống cần phát huy vai
trò dẫn dắt của mình bằng nguồn thông tin chính xác, tinh thần lấy cái đẹp, dẹp
cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực, từ đó dần hạn chế những ảnh hưởng
xấu đến từ rác mạng. Sự xả thân của các nhà báo để có được những tác phẩm nhân
văn, chắc chắn sẽ lấy lại được vị trí vốn có của báo chí, ngay trong kỷ nguyên
của Internet.
Rất cần họ chủ động phát hiện nấm độc, chúng tay loại bỏ và ươm
mầm xanh để chúng ta được hít thở bầu không khí trong lành, tươi mát mỗi khi
chạm tay vào màn hình điện thoại hay máy tính.
Tuy nhiên, vẫn còn vô vàn điều tốt đẹp, đang được chia sẻ, lan tỏa, truyền cảm hứng, năng lượng tích cực trên mạng xã hội mỗi ngày. Bình an, niềm vui, hạnh phúc được nhân lên với những thông điệp sống đẹp, nỗi đau sẽ phần nào vơi đi khi được chia sẻ, và yêu thương lan tỏa yêu thương.
Càng nhiều người chia sẻ những hạt giống thiện lành, mạng xã hội sẽ trở thành một nơi để giao lưu, thư giãn, nghỉ ngơi, để chia sẻ yêu thương thay vì trở thành một đấu trường để tâm trí phải vật lộn trong nghi ngờ, giả dối, thậm chí triệt hạ lẫn nhau.
Rác không thể biến mất ngày một ngày hai, nhưng chắc chắn, nó sẽ giảm đáng kể nếu chúng ta chung dọn dẹp, và vun xới cho những điều tốt đẹp mỗi ngày.
Khi mạng xã hội tràn ngập những điều tử tế, sự chú ý của cộng đồng hướng về sự vị tha, tinh thần cống hiến, lòng tốt thì những điều xấu, hành động tiêu cực sẽ trở nên lạc lõng và bị triệt tiêu.
Nguồn: VTV
Không có nhận xét nào