Thanh Hóa triển khai các biện pháp "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19"
Chiều 18-10, dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch (BCĐPCD) COVID-19 tỉnh đã thảo luận, cho ý kiến vào Dự thảo Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Dự hội nghị có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng ban BCĐPCD COVID-19 tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐPCD COVID-19 tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban BCĐPCD COVID-19 tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành viên BCĐPCD COVID-19 tỉnh.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban BCĐPCD COVID-19 tỉnh Lại Thế Nguyên phát biểu tại hội nghị.Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải bám sát Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế, nhằm thống nhất quan điểm trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân. Mục tiêu là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế thấp nhất các ca mắc, ca chuyển nặng, tử vong do COVID-19, thực hiện “mục tiêu kép”, giữ vững thế chủ động phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới trên địa bàn toàn tỉnh.
Dự thảo quy định phân loại cấp độ dịch thành 4 cấp độ: Cấp 1 là nguy cơ thấp, tương ứng với mầu xanh; cấp 2 là nguy cơ trung bình, tương ứng với mầu vàng; cấp 3 là nguy cơ cao, tương ứng với mầu cam và cấp 4 là nguy cơ rất cao, tương ứng với mầu đỏ. Phạm vi đánh giá cấp độ dịch là từ quy mô cấp xã, đồng thời khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô dưới cấp xã nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả.
Có 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, gồm tiêu chí về tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian, độ bao phủ vắc xin và khả năng thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19.
Theo đó, việc xác định cấp độ dịch được thực hiện theo công thức: Nếu tỷ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phòng COVID-19 đạt 70% trở lên, tỷ lệ ca mắc trong cộng đồng/100 nghìn dân/1 tuần dưới 50 ca là cấp 1; từ 50 đến dưới 150 ca là cấp 2; từ 150 ca trở lên là cấp 3. Tỷ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phòng COVID-19 đạt dưới 70%, tỷ lệ ca mắc trong cộng đồng/100 nghìn dân/1 tuần dưới 20 ca là cấp 1, từ 20 đến dưới 50 ca là cấp 2, từ 50 đến dưới 150 ca là cấp 3, từ 150 ca trở lên là cấp 4.
Quy định cũng nêu rõ dựa trên các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, UBND cấp nào thực hiện đánh giá, xác định cấp độ dịch ở quy mô cấp đó, từ xã đến tỉnh. Đồng thời, căn cứ vào diễn biến tình hình thực tế, các địa phương thường xuyên đánh giá, điều chỉnh cấp độ dịch trên địa bàn phụ trách để quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Quy định cũng nêu rõ các biện pháp áp dụng theo cấp độ dịch đối với các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân. Trong đó, đáng chú ý là quy định áp dụng các biện pháp đối với các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời; vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy; lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội địa hoặc liên tỉnh; hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch; quy định về việc đi lại của người dân… Theo đó, tùy vào cấp độ dịch, sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế, bổ sung điều kiện hoạt động hoặc quyết định ngừng hoạt động đối với từng trường hợp cụ thể.
Quy định cũng nêu rõ các biện pháp chuyên môn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, đơn vị, các cấp chính quyền trong công tác chuẩn bị ứng phó với dịch COVID-19; công tác xét nghiệm; các biện pháp cách ly và giám sát, quản lý các đối tượng nguy cơ; về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, điều trị F0, hướng dẫn, quản lý, hỗ trợ người về từ vùng dịch; về các chi phí trong cách ly, điều trị và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19.
Kết luận hội nghị, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐPCD COVID-19 tỉnh khẳng định thời gian qua Thanh Hóa đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch rất quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, đạt được những kết quả quan trọng.
Đến nay, Thanh Hóa đã và đang thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng COVID-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo dự báo, từ nay đến cuối năm 2021 và trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và nước ta vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Xuất phát từ tình hình thực tiễn cũng như theo chỉ đạo của Trung ương, Thanh Hóa cần phải có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để chuyển sang trạng thái bình thường mới, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, vừa khôi phục và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, gắm với bảo đảm an ninh - trật tự, an toàn xã hội; phấn đấu trong thời gian sớm phải bao phủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, đồng thời triển khai tiêm phòng cho trẻ em dưới 18 tuổi theo quy định.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh 3 quan điểm chủ đạo trong phòng, chống dịch COVID-19 thời gian tới trước hết phải phát huy vai trò của người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; thứ hai là phải thống nhất trong toàn tỉnh để thực hiện việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, với lộ trình phù hợp, khả thi; thứ ba, phòng chống dịch COVID-19 là chiến lược thường xuyên, lâu dài; trong đó tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly, điều trị là điều kiện tiên quyết, đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K và áp dụng công nghệ trong phòng, chống dịch.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh 6 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đó là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, công tác quản lý, điều hành của chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân trong phòng, chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống dịch; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát và phát huy tính tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của từng cơ quan, địa phương, đơn vị. Triển khai hiệu quả kế hoạch tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh, trên cơ sở đảm bảo yêu cầu về an toàn dịch bệnh. Tập trung đầu tư từng bước để nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở; chủ động tìm kiếm nguồn vắc xin, chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Khuyến khích huy động nguồn lực của địa phương và nguồn lực xã hội để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Nghiên cứu xây dựng chính sách đãi ngộ đặc thù đối với lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống dịch.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác an sinh xã hội, quan tâm đến các đối tượng yếu thế trong xã hội như người già, trẻ em mồ côi, những người nghèo bị mất việc làm, mất thu nhập do COVID-19. Nghiên cứu để khắc phục những bất cập trong việc dạy và học trực tuyến, giữ vững an ninh - trật tự, an toàn xã hội, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong phòng, chống dịch.
Phải tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Các sở, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong công tác tham mưu và áp dụng các biện pháp quản lý, kiểm soát dịch bệnh, để không xảy ra ách tắc cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và dân sinh. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19; bảo đảm kết nối liên thông, thuận lợi và an ninh, an toàn thông tin. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội đối với công tác phòng, chống dịch, nâng cao nhận thức, tinh thần tự giác, chủ động, tích cực của các cơ quan, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Đối với dự thảo Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế tiếp tục nghiên cứu kỹ Nghị quyết 128 của Chính phủ, Quyết định 4800 của Bộ Y tế và các quy định trước đây của tỉnh Thanh Hóa mà vẫn còn giá trị, hoàn chỉnh, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy để sớm ban hành.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cơ bản thống nhất với các mục tiêu của Quy định, bổ sung một số nội dung về quan điểm, đồng thời kết luận một số vấn đề cụ thể về tiêu chí, phương pháp phân loại cấp độ dịch, các biện pháp áp dụng theo cấp độ dịch và biện pháp chuyên môn.
Đối với những vấn đề cấp bách trong công tác phòng, chống dịch, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngay trong chiều tối nay (18-10), UBND tỉnh cần có quyết định, khẳng định một số vấn đề quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, đồng thời cũng là những vấn đề mà đông đảo người dân và truyền thông đang quan tâm. Đó là Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh thống nhất Thanh Hóa hiện đang ở cấp độ 2 (tức là vùng vàng) vì tỷ lệ bao phủ vắc xin của tỉnh hiện đạt thấp.
Ban Chỉ đạo thống nhất không thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại các chốt kiểm soát trên địa bàn toàn tỉnh và không kiểm tra giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm đối với người đi qua các chốt, mà chỉ xét nghiệm cho những người có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 và những người có yêu cầu.
Tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát người trở về từ vùng dịch trên Quốc lộ 1A thuộc địa bàn thị xã Nghi Sơn và thị xã Bỉm Sơn; trên đường Hồ Chí Minh thuộc địa bàn huyện Như Xuân và huyện Thạch Thành; tại cảng hàng không Thọ Xuân và Ga Thanh Hóa. Nhiệm vụ của các chốt là hướng dẫn, phân luồng người từ vùng dịch vào địa bàn tỉnh, thông tin cho các địa phương để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch theo quy định…
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cũng thống nhất với 3 phương án là: Nếu người dân có phương tiện thì chủ động về thẳng trạm y tế xã nơi cư trú để khai báo y tế; nếu có người nhà đi đón thì cả người đi đón cũng phải áp dụng biện pháp phòng, chống dịch như người được đón; nếu không có phương tiện thì sử dụng phương tiện dịch vụ do Sở Giao thông - Vận tải tổ chức và trả phí theo giá niêm yết.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe Sở Giao thông - Vận tải báo cáo tình hình đưa, đón, vận chuyển công dân từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về bằng đường bộ qua Khe nước lạnh, thị xã Nghi Sơn; đường hàng không qua Cảng hàng không Thọ Xuân; đường sắt qua Ga Thanh Hóa, cũng như những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị.
Nguồn: baothanhhoa
Không có nhận xét nào