MẮT TRỪNG GỬI MỘNG QUA BIÊN GIỚI!
Tại sao có nghĩa trang của những liệt sĩ đã ngã xuống trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ mà không có nghĩa trang của những liệt sĩ trong chiến tranh biên giới với Trung Quốc?
Các bức ảnh theo thứ tự từ trái sang phải: Bên trên: Bia tưởng niệm các liệt sĩ tại Vạn Hòa, Lào Cai và Nghĩa trang liệt sĩ người Trung Quốc tại Yên Bái. Bên dưới: Bia mộ tưởng niệm liệt sĩ Phạm Hồng Thái tại Quảng Châu và Bia trấn ải được dựng tháng 5.2013 ở cổng Đồn biên phòng Pha Long (Mường Khương, Lào Cai
Luận điểm này từng có một thời điểm rầm rộ trên các báo lề trái, nhằm vu cáo rằng Việt Nam “sợ làm mích lòng” Trung Quốc nên không dám làm các nghĩa trang cho liệt sĩ chống Trung Quốc. Thực tế, chắc là người đặt ra mệnh đề này chưa từng đến những khu vực tại biên giới phía Bắc Tổ Quốc, nơi mà đã diễn ra những trận đánh vô cùng ác liệt với quân đội Trung Quốc, hoặc họ không quan tâm, hoặc cố tình đưa thông tin sai sự thực nhằm dắt mũi những con người chống đối.
Tại Vị Xuyên - từng là chiến trường ác liệt nhất trong Chiến tranh 1979, hiện nay đang có một nghĩa trang liệt sĩ lớn với trên 1700 phần mộ. Phần lớn các phần mộ này là của chiến sĩ từ Bình - Trị - Thiên trở ra Bắc. Tại Lào Cai, thế hệ sau có thể ghé qua thắp hương cho các chiến sĩ tại nghĩa trang Duyên Hải, Bát Xát, Mường Khương. Tại Cao Bằng, đó là các nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh (huyện Trùng Khánh), nghĩa trang liệt sĩ các huyện Quảng Hòa, Hòa An, Hà Quảng; các địa điểm nơi liệt sĩ Sư đoàn từng chiến đấu, hy sinh gồm: hang Keng Riềng (thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa) và hang Bản Giới (thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng)....
Tại Quảng Ninh, chúng ta có một địa điểm anh hùng là Đồn biên phòng 209 (nay là Đồn biên phòng Pò Hèn). Nơi đó đã từng là một chiến trường ác liệt mà các chiến sĩ thuộc Lâm trường Hải Sơn đã “quyết tử vì biên giới Tổ Quốc” và hiện nay đã trở thành một nghĩa trang luôn nghi ngút hương khói.
Luôn luôn có một điểm nghiêm trọng trong cánh lề trái rằng Việt Nam “sợ” Trung Quốc nên không dám ghi “liệt sĩ” hay chiến tranh biên giới. Nhưng tại những nấm mộ ấy, luôn luôn ghi dòng chữ “liệt sĩ” và trên những tấm bia tồn tại cùng năm tháng luôn khắc ghi “chiến tranh biên giới”.
Tại sao lại có nghĩa trang liệt sĩ người Trung Quốc tại Việt Nam? Tại sao Việt Nam lại thờ phụng những người lính Trung Quốc?
Quả thực là tại một số tỉnh miền Bắc Việt Nam có những nghĩa trang của những người Trung Quốc. Đó là những người chiến sĩ Trung Quốc đã hy sinh trong công cuộc bảo vệ, xây dựng kinh tế, phát triển cơ sở vật chất… tại miền Bắc Việt Nam. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cụ thể là trước năm 1972, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc rất tốt đẹp và nồng ấm. Những người lính Trung Quốc này sang Việt Nam đúng nghĩa với hai từ “đồng chí”. Ngoài những người lính Trung Quốc, còn có những người lính Triều Tiên, Liên Xô giúp đỡ và hy sinh vì Việt Nam.
Tại sao người Trung Quốc không đưa hài cốt của lính Trung Quốc về? Nguồn gốc của việc này xuất phát từ câu nói: “Người cộng sản chết ở đâu thì mai táng ở đấy... Con của tôi - Mao Ngạn Anh chết ở Triều Tiên thì chôn cất ở Triều Tiên” của lãnh đạo Mao Trạch Đông. Tinh thần ấy được duy trì trong tâm trí những chiến sĩ tình nguyện Trung Quốc tại Việt Nam.
Và ngược lại, phía bên Trung Quốc cũng có những tấm bia mộ tri ân, tưởng niệm chiến công của những người lính Việt Nam tham gia chiến dịch “Thập Vạn Đại Sơn”. Hoặc một sự kiện khác, vào 06/1924, liệt sĩ Phạm Hồng Thái đã hy sinh bằng cách quyên sinh tại dòng sâu Châu Giang, Quảng Châu sau nhiệm vụ tấn công Toàn quyền Merlin tại Quảng Châu. Tấm gương của liệt sĩ Phạm Hồng Thái được người dân Quảng Châu coi trọng và lưu giữ, bia mộ của anh được đặt ở vị trí trang nghiêm trong nghĩa trang lớn bậc nhất Quảng Châu là Hoàng Hoa Cương. Tấm bia mộ của liệt sĩ Phạm Hồng Thái được đặt quay theo hướng Tây Nam - tức là hướng về Việt Nam.
Tại Long Châu, Quảng Tây. Trung Quốc, cũng có bảo tàng mang tên Hồ Chí Minh nhằm tôn vinh những nhà cách mạng Việt Nam chiến đấu vì sự độc lập, tự do cho Việt Nam và Trung Quốc. Một số cá nhân tiêu biểu nhất là Đại tướng Chu Huy Mân và Đại tá Hoàng Long Xuyên. Cách Bằng Tường, Trung Quốc khoảng 15 cây số, có mộ phần chiến sĩ Ngọc Trình và một chiến sĩ khác thuộc Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã chiến đấu tại nước bạn. Hàng năm, vào ngày Thanh Minh, người dân địa phương vẫn tiến hành thắp hương, lau dọn và ghi nhớ.
Một số người lan truyền một số nhận định là: “Xác lính Trung Quốc ở đâu thì lãnh thổ Trung Quốc ở đó”. Thực tế, nhiều người trong chúng ta không ưa Trung Quốc vì những gì mà Trung Quốc đã gây ra, nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận những gì mà người Trung Quốc đã giúp đỡ. Nếu chúng tôi đối xử tệ bạc với những người chiến sĩ Trung Quốc chiến đấu hỗ trợ Việt Nam? Vậy chúng ta có nghĩ đến những chiến sĩ Việt Nam đã nằm lại, ở bên nước bạn không?
Trong chiến tranh biên giới 1979, đã có không ít nhân dân Trung Quốc không đồng tình với lãnh đạo Trung Quốc khi tham chiến với Việt Nam, họ từ chối tham gia quân đội hoặc đảo ngũ. Vì thực tế, những người dân này đã nếm trải và ghi nhớ những gì mà những người lính Việt Nam đã làm gì cho họ. Và thực tế vấn đề hậu cần của quân đội Trung Quốc trong những năm đầu của chiến tranh biên giới cũng gặp nhiều khó khăn và không hề như dự tính, cũng một phần vì những người dân như vậy.
Đấu tranh cho chủ quyền biển đảo, không phải bằng cách lãng quên. Ngược lại, đấu tranh cho chủ quyền biển đảo trong tương lai cũng phải bằng một nền tảng từ quá khứ. Gợi nhớ lại quá khứ, tôn trọng quá khứ, sẽ cho thấy tính chính nghĩa và tâm thế của chúng ta, và sẽ có những người Trung Quốc biết về một thời điểm hai quốc gia từng đoàn kết như thế nào. Đấu tranh cho chủ quyền biển đảo, là nhìn thẳng vào lịch sử, trân trọng lịch sử và giữ gìn lịch sử!
“Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”
Theo: Tifosi
Không có nhận xét nào