Khai mạc Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng 11/10, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 4.
Cùng tham dự có: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến…
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thường kỳ lần thứ 4 cho ý kiến về những nội dung còn lại trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2; xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng khác.
Hình ảnh tại phiên khai mạc. Ảnh: TTXVN
Về công tác lập pháp tại kỳ họp thứ 2, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 dự án luật, cho ý kiến về 5 dự án luật.Tại các phiên họp thường kỳ lần thứ 2 và thứ 3, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến đối với tất cả các dự án luật, dự kiến trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Riêng dự án Luật Thống kê, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia.Tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã hoàn thiện hồ sơ theo hướng chuyển thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, bao gồm sửa đổi một số điều và cả sửa đổi phụ lục danh mục các chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là việc làm rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu điều hành kinh tế ở phương diện vĩ mô và phục vụ cho công tác quản lý, điều hành kinh tế tại các địa phương, nhất là các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương trong cả nước. Chính phủ đã tiếp thu ý kiến này và đã có hồ sơ trình lại. Do đó, trong phiên họp lần thứ 4 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần thứ hai đối với dự án luật này.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày các báo cáo (tóm tắt). Ảnh: TXVN
Về cơ chế, chính sách đặc thù của một số địa phương, ngoài cơ chế chính sách đặc thù cho tỉnh Thanh Hóa đã được xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Nghệ An, Thừa Thiên Huế để cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị và Trung ương trong các nghị quyết, kết luận để phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương này.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo (tóm tắt). Ảnh: TTXVN
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022, Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19, về việc lùi thời điểm thực hiện chính sách cải cách chính sách tiền lương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích, đánh giá, nêu bật những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, yếu kém. Theo Chủ tịch Quốc hội, quan trọng là chỉ rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhất là các nguyên nhân chủ quan và các bài học kinh nghiệm nào cần phải rút ra và cho ý kiến về mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng và giải pháp chủ yếu cho năm 2022 có tính khả thi cao và để có mục tiêu rất rõ ràng phấn đấu thực hiện trong năm 2022.
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: TTXVN
Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ Nghị quyết Quốc hội về các khung kế hoạch 5 năm đã ban hành và cập nhật tình hình, bối cảnh hiện nay để thảo luận, cho ý kiến về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và quy hoạch đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025.
Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày các báo cáo (tóm tắt). Ảnh: TTXVN
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về vấn đề xét xử trực tuyến theo đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao, việc xử lý tài chính cho Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn theo các cam kết, mục tiêu của Chính phủ; thảo luận, cho ý kiến về hai Báo cáo của Chính phủ. Thứ nhất là việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và hai năm 2019-2020; thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13 về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ ra được những bất cập của chính sách pháp luật và khâu tổ chức thực thi, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế và việc làm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cũng như các nhiệm vụ, giải pháp để làm tốt hơn nữa khâu tổ chức thực hiện.
Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân và cử tri, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần thẳng thắn, khách quan cho ý kiến vào các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp lần thứ nhất thứ 11, Quốc hội khóa XIV; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội trong năm 2021.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến cuối cùng về chương trình kỳ họp, thời gian và phương thức họp phù hợp với tinh thần những nội dung gì thực sự cần thiết và cấp bách đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, có chất lượng và đảm bảo sự đồng thuận cao thì đưa vào chương trình để đảm bảo cho kỳ họp thành công tốt đẹp nhất.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh chỉ còn 9 ngày nữa sẽ khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cuối cùng về vấn đề này. Trường hợp có nội dung cấp bách, cần thiết nhưng chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, có thể báo cáo Quốc hội xin phép cho thêm một kỳ họp chuyên đề ngắn theo hình thức trực tuyến vào cuối năm nay.
Quốc hội đang khẩn trương xây dựng đề án đổi mới và hoàn thiện, bổ sung các quy định về nội quy của kỳ họp, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 3. Tuy nhiên, do có họp trực tuyến nên có một số nội dung cần phải áp dụng ngay. Do đó, theo Chủ tịch Quốc hội, một số vấn đề cần phải được báo cáo với Quốc hội xem xét, quyết định, cho áp dụng ngay tại kỳ họp lần thứ 2 này…
Quang cảnh phiên khai mạc. Ảnh: TTXVN
Với tinh thần đổi mới, trách nhiệm, kỹ lưỡng, vào cuộc từ sớm, từ xa, đảm bảo cho chất lượng cao nhất của kỳ họp thứ 2, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và từng đại biểu với trách nhiệm của mình theo lĩnh vực được phân công phụ trách phân tích sâu về lĩnh vực của mình, nhưng đồng thời có ý kiến về những lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Ủy ban thường vụ Quốc hội làm cho phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội có chất lượng cao nhất. "Đây là một trong những điều kiện cần thiết, tiền đề để tạo điều kiện tổ chức thành công, rút ngắn được thời gian, đáp ứng được yêu cầu cấp bách hiện nay và tình hình khó khăn của đất nước do tác động nặng nề của đại dịch COVID-19", Chủ tịch Quốc hội nói.
Tiếp theo, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021.
Nguồn: VTV
Không có nhận xét nào