Cho ý kiến vào dự thảo Đề án “Xây dựng và phát triển TP Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
Chiều 6-10, Ban Chỉ đạo Đề án xây dựng và phát triển TP Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi là Ban Chỉ đạo 362 tỉnh) đã tổ chức hội nghị thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Đề án “Xây dựng và phát triển TP Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 362 tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo 362 tỉnh, thành viên Tổ biên tập Đề án.
Dự thảo Đề án xây dựng và phát triển TP Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu chung là xây dựng và phát triển Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia; trọng tâm là hệ thống du lịch cao cấp phát triển đa dạng, hài hòa; nền nông nghiệp sạch, khai thác hải sản xa bờ, chế biến và hậu cần nghề cá ứng dụng công nghệ cao phục vụ du lịch; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối với các trung tâm kinh tế trọng điểm của tỉnh và khu vực; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ở tốp đầu của tỉnh; quốc phòng - an ninh được củng cố, trở thành khu vực phòng thủ vững chắc của khu vực ven biển và của tỉnh; đến năm 2030 trở thành thành phố du lịch biển thông minh, hiện đại, hấp dẫn, thân thiện. Đến năm 2045 trở thành đô thị loại I, là đô thị chuyên ngành về du lịch, vui chơi giải trí thuộc tốp đầu cả nước dựa trên nền tảng hệ thống dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí chất lượng cao mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế; có hệ thống hạ tầng thông minh, hiện đại thích ứng tốt với biến đổi khí hậu; là đơn vị phát triển toàn diện của cả tỉnh.
Đề án cũng đưa ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, trong đó giai đoạn 2021-2025 tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 18% trở lên; thu nhập bình quân đầu người/năm đến năm 2025 đạt trên 100 triệu đồng; thu ngân sách Nhà nước so với chỉ tiêu HĐND tỉnh giao tăng bình quân hằng năm trên 15%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm tử 1% trở lên… Giai đoạn 2026-2030 tốc độ tăng giá trị sản xuất hằng năm đạt 20% trở lên. Cơ cấu các ngành kinh tế trong giá trị sản xuất đến năm 2030 dịch vụ chiếm 75%; công nghiệp, xây dựng 23%; nông, lâm, thủy sản chiếm 2%...
Để đạt được các mục tiêu trên Đề án đưa ra 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch, phát triển đô thị; phát huy tiềm năng, lợi thế của thành phố để nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của kinh tế thành phố. Tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh của thành phố. Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội gắn với phát triển thành phố thông minh…
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng Đề án cần đánh giá lại những thành tựu đạt được trong gian đoạn 2011 - 2020; đồng thời đề xuất đơn vị chủ trì soạn thảo dự án bổ sung, làm rõ một số chỉ tiêu đặt ra trong dự thảo Đề án, đặc biệt là những chỉ tiêu thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ, thu ngân sách Nhà nước; công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; vấn đề cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xem xét lại một số đề xuất, kiến nghị khi triển khai thực hiện đề án…
Các đại biểu cũng cho rằng Đề án cần điều chỉnh, bổ sung thêm một số nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển kinh tế mũi nhọn dịch vụ theo hướng đa dạng, bền vững; việc hoàn thiện, đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng đô thị du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan đô thị; việc tăng cường liên kết với các huyện, thị, thành trong, ngoài tỉnh; khắc phục tình trạng điều chỉnh quy hoạch…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 362 tỉnh đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Ban Thường vụ Thành ủy TP Sầm Sơn trong việc chuẩn bị Đề án.
Đề án đã thể hiện sự gắn kết, tâm huyết, sự phát triển của Sầm Sơn trong thời gian tới; đáp ứng được yêu cầu về bố cục, nội dung, đặc biệt đã nêu lên được thực trạng phát triển của TP Sầm Sơn trong 10 năm qua cũng như chỉ ra được những tồn tại, yếu kém cần phải khắc phục; và nêu lên được mục tiêu và những giải pháp để phát triển Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã cho ý kiến cụ thể vào từng phần mục của dự thảo của Đề án. Trong đó, phần thực trạng 10 năm xây dựng và phát triển TP Sầm Sơn cần phải được viết một cách cô đọng, sắc nét hơn. Phần đánh giá về thực trạng phát triển du lịch cần phải đánh giá được tốc độ phát triển của ngành du lịch, hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực du lịch; việc tuyên truyền, quảng bá du lịch. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm phần đánh giá về công tác phát triển xây dựng hình ảnh con người Sầm Sơn.
Đồng chí thống nhất với những tồn tại, hạn chế, yếu kém được đưa ra trong dự thảo Đề án, đồng thời phân tích làm rõ một số tồn tại, hạn chế cần phải được đưa vào Đề án để có giải pháp khắc phục như chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực phát triển du lịch; dịch vụ vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm chưa có; việc kết nối du lịch Sầm Sơn đến các huyện, các tỉnh chưa tốt; chưa xây dựng được các gian hàng bán sản phẩm mang thương hiệu, sản phẩm OCOP; vấn đề phát triển công nghiệp, chế biến hải sản còn hạn chế...
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh, quan điểm phát triển Sầm Sơn là phải khai thác tốt nhất những gì mà thiên nhiên ban tặng để xây dựng phát triển TP Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch thông minh, hiện đại trên cơ sở khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược và liên kết với các khu du lịch, với các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa trong tỉnh và trong nước. Bên cạnh đó, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đa dạng hóa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy lưu ý mục tiêu của Đề án cần phải thể hiện một cách toàn diện nhằm xây dựng và phát triển Sầm Sơn trở thành đô thị trọng điểm quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế.
Về phần nhiệm vụ, giải pháp, yêu cầu cần phải bổ sung thêm giải pháp về nội dung xây dựng hình ảnh, con người Sầm Sơn; việc tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; giải pháp về công tác giải phóng mặt bằng; giải pháp về giáo dục chính trị tư tưởng để làm sao thay đổi nếp nghỉ, cách làm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Sầm Sơn trong phát triển du lịch; quan tâm đến nguồn nhân lực.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị cơ quan thường trực soạn thảo Đề án tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các đại biểu tại hội nghị, sớm hoàn thiện Đề án, tờ trình và các văn bản liên quan trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét, cho ý kiến.
Nguồn: baothanhhoa
Không có nhận xét nào