Dựng chuyện “tê liệt”, “thiết quân luật”, gieo rắc tâm lý bất an
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, lực lượng Công an, Quân đội đã khẩn trương triển khai tăng cường cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch với quyết tâm, trách nhiệm cao nhất. Lợi dụng tình hình này, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị gia tăng chống phá với nhiều luận điệu sai trái để xuyên tạc mục đích, ý nghĩa hoạt động trên.
Những luận điệu xảo trá
Trên các trang mạng xã hội của Việt Tân, Hội Anh em dân chủ, Nhật ký yêu nước, Chân trời mới Media, Đài Tự do Á Châu… đã phát tán nhiều bài viết, hình ảnh, video phản ánh sai sự thật, đánh tráo bản chất sự việc. Điển hình, trên facebook V.T xuyên tạc “Nhà nước CSVN dùng bạo lực răn đe dân chống dịch”; “dùng Quân đội, Công an chống dịch, nhà cầm quyền CSVN đang mưu tính gì”; bịa đặt, vu khống việc lực lượng Công an, Quân đội được điều động chống dịch để giúp dân là “dẹp loạn, dẹp dân” hay với luận điệu xảo trá như “Quân đội hỗ trợ Công an trấn áp, xử lý dân”; đánh đồng việc tăng cường lực lượng vũ trang cho TP Hồ Chí Minh là “thiết quân luật”.
Mục đích của các đối tượng là nhằm đánh lạc hướng dư luận hiểu sai mục đích, ý nghĩa của việc tăng cường lực lượng chống dịch cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, làm giảm sút lòng tin của người dân vào lực lượng vũ trang nhân dân đang giúp dân chống dịch. Sâu xa hơn là phá hoại đoàn kết nội bộ trong lực lượng vũ trang nhân dân; cổ súy, kích động người dân không thực hiện các quy định, biện pháp chống dịch do chính quyền đề ra; tạo ngòi nổ gây bất ổn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Rõ ràng, thủ đoạn mà số đối tượng phản động đang thực hiện là thâm độc, nguy hiểm.
Thực tế, lực lượng vũ trang nhân dân tăng cường cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch không chỉ là nhiệm vụ mà còn là lương tâm và trách nhiệm.
Trước hết, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam mang trong mình tính nhân dân sâu sắc, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ. Do đó, khi “giặc” COVID -19 hoành hành trong nước nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng thì hơn lúc nào hết, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang không quản ngại gian truân, sẵn sàng xung kích, sát cánh cùng nhân dân đẩy lùi dịch bệnh, ổn định cuộc sống.
Thứ hai, về mặt chủ trương, tăng cường lực lượng Công an, Quân đội cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh dịch đang lây lan nhanh như Bình Dương, Đồng Nai… là việc làm cấp thiết. Sau thời gian áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương này tình hình dịch vẫn diễn biến rất phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng cao, số ca tử vong gia tăng, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là bộ phận người dân yêu thế, người lao động nghèo dễ bị tổn thương. Để kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, nhu yếu phẩm thiết yếu kịp thời đến tay người dân, thực hiện tốt các quy định chống dịch và đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nhất thiết yêu cầu đặt ra phải có lực lượng Công an, Quân đội bổ sung, tăng cường.
Thứ ba, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 86 của Chính phủ, Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch 2715 của UBND TP Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp với phương châm mỗi tổ dân phố, khu phố, phường, xã, thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch với 5 giải pháp. Do số ca nhiễm tăng cao, các lực lượng chống dịch ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương phải chịu cường độ làm việc rất lớn, hệ thống y tế nhiều nơi quá tải, nhiều y, bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ tham gia làm nhiệm vụ bị lây nhiễm và đã có những mất mát, hy sinh. Do vậy, để đảm bảo đủ sức mạnh chiến đấu với dịch bệnh, cần phải huy động, bổ sung sức người, sức của chi viện, trong đó Công an, Quân đội là những lực lượng đi đầu.
Thứ tư, cụm từ “thiết quân luật” không hề có trong chủ trương, biện pháp cũng như thực tiễn chống dịch COVID -19 ở TP Hồ Chí Minh. Căn cứ quy định tại Luật Quốc phòng năm 2018, khái niệm “thiết quân luật” được hiểu như sau: “Thiết quân luật là biện pháp quản lý nhà nước đặc biệt có thời hạn do Quân đội thực hiện. Khi an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở một hoặc một số địa phương bị xâm phạm nghiêm trọng tới mức chính quyền ở đó không còn kiểm soát được tình hình thì Chủ tịch nước ra lệnh thiết quân luật theo đề nghị của Chính phủ”. Lợi dụng việc lực lượng vũ trang tăng cường chi viện cho TP Hồ Chí Minh và việc ngày 20/8/2021, Bộ Chính trị có quyết định về việc điều động, phân công ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, các thế lực xấu đã tung tin “Sài Gòn có biến”, xuyên tạc chính quyền ở đây “tê liệt”, “vỡ trận”, phải thay người và áp dụng “thiết quân luật”.
Trên thực tế, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở TP Hồ Chí Minh vẫn luôn được giữ vững và lực lượng Công an, Quân đội được tăng cường chống dịch COVID -19 chỉ với tính chất tham gia, phối hợp theo sự điều hành của chính quyền chứ không phải là lực lượng thay mặt chính quyền điều hành mọi hoạt động. Do đó, việc tăng cường Công an, Quân đội cho thành phố chống dịch không thể đánh đồng với việc thiết lập trạng thái “thiết quân luật” rồi gieo rắc sự hoang mang, lo lắng trong dân chúng như luận điệu các đối tượng phản động, cơ hội chính trị rêu rao. Còn việc điều động, luân chuyển nhân sự theo chức năng, nhiệm vụ là công việc bình thường của các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Thứ năm, lực lượng Công an, Quân đội được tăng cường phối hợp với lực lượng tại chỗ nhằm thực hiện tốt việc chốt chặn, tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh, trật tự, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật. Đã có nhiều hình ảnh cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang vận chuyển túi an sinh xã hội, cung cấp lương thực, thực phẩm đến từng nhà, đi chợ thay người dân với mục tiêu tuyệt đối không bỏ sót một ai thiếu ăn, thiếu mặc; lực lượng y tế của Công an, Quân đội với tổ lưu động, tiến hành thăm khám, tư vấn, chăm sóc, điều trị cho các ca bệnh F0 đã được người dân chia sẻ trên mạng xã hội. Điều đó không chỉ thể hiện sự đoàn kết, nhất trí đồng lòng giữa cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang với cấp ủy, chính quyền, người dân địa phương mà đó chính là lương tâm, trách nhiệm của lực lượng vũ trang vì nhân dân phục vụ.
Mưu đồ chia rẽ, phá hoại đoàn kết dân tộc
Cùng việc xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh lực lượng vũ trang, các đối tượng còn đăng tải, phát tán nhiều bài viết, hình ảnh, video sai sự thật, cố tình đưa ra sự so sánh nhằm gây chia rẽ vùng miền; cố tình tách biệt, tạo ra hàng rào ngăn cách giữa hệ thống chính trị với nhân dân, làm suy giảm sự đồng lòng, chung tay, góp sức giữa chính quyền với nhân dân. Họ vu cáo rằng: “Không thấy Đảng giúp dân”, “người nghèo không được hỗ trợ”; “chỉ có dân giúp dân, không thấy chính quyền đâu”! Trong việc phân bổ nguồn vaccine của Chính phủ, họ đặt điều “Sài Gòn một lần nữa cho thấy bị ĐCSVN kỳ thị một cách lạ lùng”; đưa ra luận điệu xảo trá “con nuôi - con ghẻ”, lu loa rằng “cho dù đóng góp nhiều nhưng Sài Gòn vẫn là con ghẻ của Đảng”.
Nhiều trang mạng xấu độc xuyên tạc Chính phủ lơ là không quan tâm đến TP Hồ Chí Minh, rồi suy diễn không tin tưởng Công an, Quân đội tại TP Hồ Chí Minh nên Chính phủ phải huy động “quân Bắc Kỳ”! Trên thực tế, TP Hồ Chí Minh do dịch diễn biến rất phức tạp nên nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các bộ, ngành, đoàn thể cả về nhân lực, vật lực, trang thiết bị y tế, thuốc men, tăng cường số lượng vaccine để tiêm cho người dân tại địa phương được nhiều nhất, sớm nhất.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, mặc dù cũng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra nhưng khi dịch diễn biến căng thẳng, phức tạp ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam, đã có hàng nghìn chuyến xe thiện nguyện của chính quyền, nhân dân các tỉnh, thành miền Bắc, miền Trung xung kích, lăn bánh vào Nam, chở các nhu yếu phẩm thiết yếu gửi đến đồng bào miền Nam ruột thịt. Hàng nghìn “chiến sĩ áo trắng” gác lại công việc thường ngày, xa gia đình, người thân xung phong vào các vùng dịch nặng để chung lưng đấu cật, cứu, chữa cho người dân. Trên tuyến đầu chống dịch, hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã, đang đồng hành cùng người dân không quản ngại khó khăn, nguy hiểm với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
Như vậy, chiêu thức các đối tượng sử dụng vẫn theo kiểu “bình mới, rượu cũ”, cố tình gây mâu thuẫn, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết giữa chính quyền với nhân dân, giữa nhân dân với lực lượng vũ trang, tạo lập sự phân biệt vùng miền; gây nên sự hoài nghi, thiếu niềm tin của người dân về các chủ trương, chính sách trong phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương; hủy hoại mọi kết quả cũng như nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân đã và đang làm được trong thời gian qua.
Nguồn: cand
Không có nhận xét nào