Kiểm soát tin giả trong phòng, chống dịch COVID-19
Tin giả về đại dịch và phòng, chống dịch COVID-19 có thể xuất phát từ sự vô ý, tùy tiện, thiếu trách nhiệm hoặc chủ ý của người tạo ra và đưa tin, nhằm phá hoại và trục lợi về kinh tế, làm cản trở, giảm uy tín, hiệu quả hoạt động của tổ chức, cơ quan và cả xã hội trong phòng, chống dịch bệnh.
“ĐẠI DỊCH THÔNG TIN” SONG HÀNH CÙNG DỊCH COVID-19
Giữa tháng 2/2020, Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố: “Song hành cùng đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra còn có một đại dịch thông tin” (infodemic)” và bày tỏ quan ngại khi có quá nhiều thông tin về dịch bệnh được lan truyền, đặc biệt trên truyền thông xã hội. Vào tháng 9/2020, các tổ chức như Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO)… đã ra Tuyên bố chung: “Công nghệ mà chúng ta dựa vào để duy trì kết nối và tiếp nhận thông tin đang kích hoạt và khuếch đại tin giả, làm suy yếu phản ứng toàn cầu và gây tổn hại đến các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19. Do đó, các nước trên thế giới cần phải có trách nhiệm chung tay hành động khẩn cấp đối phó với đại dịch thông tin đang nổi lên cùng với dịch COVID-19”. Tin giả về dịch COVID-19 đã, đang và sẽ gây những hệ lụy xã hội nghiêm trọng trong hoạt động phòng, chống đại dịch ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Các bằng chứng nghiên cứu khoa học cho thấy, niềm tin sai lệch do tiếp xúc với tin giả được lan truyền thông tin giống như cách thức bệnh dịch lây lan. Trong đó, các tương tác xã hội trên môi trường truyền thông giống như virus lây nhiễm từ nhận thức, thái độ và hành vi của người này sang nhận thức, thái độ và hành vi của người khác. Khi các cá nhân chia sẻ tin giả, đồng nghĩa với việc niềm tin với tin giả “truyền nhiễm” đến các cá nhân, nhóm xã hội thông qua các mối tương tác xã hội hằng ngày của họ. Các niềm tin lệch lạc trên môi trường truyền thông có thể mạnh đến mức độ mà việc trưng ra các bằng chứng không có ích gì, vì không ai bận tâm tìm kiếm chúng.
Ví dụ, biện pháp tiêm chủng vaccine để bảo vệ sức khỏe cho con người trước đại dịch Covid -19 là hiển nhiên khi xem xét ở góc độ khoa học và thực tiễn. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những nhóm xã hội, cộng đồng phản đối tiêm chủng vì dựa trên những thông tin sai lệch. Bởi vì, những người phản đối vaccine thường tin vào bằng chứng được chia sẻ bởi những người khác trong cộng đồng của họ, hơn là bằng chứng chính thống, khoa học từ bác sĩ và các cơ sở y tế. Trong khi đó, tâm lý đám đông là nguyên nhân khiến người ta hành xử giống những thành viên khác trong cùng một cộng đồng. Các thành viên trong một cộng đồng sẽ tự bài trừ mọi thông tin mâu thuẫn với niềm tin của cả nhóm, và điều này có thể khiến một số thông tin chân thật không bao giờ được chia sẻ trong một cộng đồng. Do đó, việc đề ra và thực hiện các biện pháp để phòng, chống dịch COVID-19 không thể “dựa trên kết quả bỏ phiếu” của một cộng đồng không phải là chuyên gia về y tế, nhất là khi họ chịu tác động bởi tin giả.
Viện Nghiên cứu báo chí Reuters (Mỹ) đã công bố nghiên cứu về thông tin sai lệch đối với dịch COVID-19 trên toàn thế giới. Nghiên cứu đã phân tích các mẫu bằng tiếng Anh đã được các công cụ kiểm chứng thông tin xác định là sai lệch hoặc giả mạo trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2020. Kết quả nghiên cứu khẳng định, các công cụ kiểm chứng thông tin (fact-check) độc lập đã nhanh chóng phản hồi với tình trạng tin sai lệch tăng mạnh xung quanh dịch COVID-19. Số lượng trang fact-check tiếng Anh đã tăng hơn 900% trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2020. Tuy nhiên, do các trang này có nguồn lực hạn chế và không thể kiểm chứng tất cả thông tin, nên tổng số thông tin sai lệch về đại dịch Covd-19 còn cao hơn rất nhiều. Có gần 60% thông tin sai lệch được “chế biến”, tức là những thông tin có thật bị bóp méo, thêm bớt hoặc đặt vào ngữ cảnh khác, trong khi nội dung giả mạo hoàn toàn chiếm 12%. Tin sai lệch, nhào nặn hiện chiếm đến 87% lượng tương tác trên các nền tảng truyền thông xã hội. Xét về nguồn tung tin, những thông tin sai lệch từ các chính trị gia, những người nổi tiếng tuy chỉ chiếm 20% trong tổng số nhưng lại chiếm phần lớn lượng tương tác trên mạng xã hội. |
Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam tính đến nay đã trải qua 4 chu kỳ/làn sóng với cấp độ chu kỳ/làn sóng sau nặng nề hơn chu kỳ/làn sóng trước. Do đó, tin giả có xu hướng ngày càng bùng phát với nhiều tác hại xã hội. Tin giả và hệ quả xã hội của tin giả đang gia tăng bởi tình hình dịch COVID-19, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam đang diễn biến phức tạp.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian gần đây, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch COVID-19 có dấu hiệu gia tăng. Trong đó, tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vaccine COVID-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vắc xin của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19; diễn biến dịch bệnh tại điểm nóng như thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương... Nhiều thông tin có nguồn từ các video clip của những người cách ly, người dân trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa. Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc cùng số lượng lớn các video clip “tự phát” được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống, dịch bệnh; gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội… Nếu không xử lý tốt sẽ dễ phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước. Điển hình nhất các tin giả đã lan truyền nhanh chóng tạo ra hệ quả xã hội nghiêm trọng và đã được các cơ quan chức năng kịp thời xử lý trong thời gian gần đây như: 1) Tin giả đến từ một tài khoản Trần Khoa được cho là bác sĩ phụ sản chia sẻ việc rút ống thở của mẹ để nhường cho sản phụ; 2) Hình ảnh xác chết do COVID tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng thực chất là tại Mianma; 3) Một người tự thiêu ở thành phố Hồ Chí Minh để phản đối biện pháp phòng, chống COVID-19…
Phần lớn các nội dung tin giả liên quan đến dịch COVID-19 ở Việt Nam hiện nay đang tập trung vào các vấn đề: 1) Tung tin xuyên tác sai sự thật về tình hình dịch COVID-19, về công dụng của thuốc, vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh; 2) Kêu gọi tự điều trị, chẩn đoán tại nhà, không theo chỉ dẫn của Bộ Y tế; 3) Xuyên tạc chính sách phân bổ vaccine của Bộ Y tế, bịa đặt thông tin về công dụng hiệu quả vaccine phòng, chống COVID-19; 4) Bôi nhọ chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch COVID-19; 5) Chống đối, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhân viên y tế, người tham gia phòng chống dịch COVID-19; Kêu gọi sự kỳ thị, định kiến, xúc phạm danh dự người mắc bệnh, người có nguy cơ lây nhiễm COVID-19; 6) Kích động công nhân đình công tập thể tại các công ty, khu công nghiệp có yếu tố nước ngoài, các công ty không đáp ứng được yêu cầu “ba tại chỗ”; 7) Kêu gọi tích tích trữ lương thực, thực phẩm, vật tư y tế, gây hoang mang trong các cộng đồng dân cư… |
Phân tích về tin giả về dịch COVID-19 và phòng, chống dịch COVID-19 ở Việt Nam có thể cần làm rõ hơn ở một số vấn đề sau đây.
Một là, tin giả về dịch COVID-19 xuất hiện ngay từ thời điểm đầu tiên dịch xuất hiện và kéo dài thường xuyên liên tục. Lợi dụng khả năng ẩn danh trên mạng xã hội, một số người không ngần ngại đăng tải thông tin bịa đặt, ác ý về tình hình dịch bệnh. Vì vậy, tin giả hoành hành nhanh và nguy hiểm hơn cả dịch COVID-19. Sự hoảng loạn của số đông có thể làm cho mối nguy cơ của dịch bệnh tăng theo cấp số nhân. Chẳng hạn, việc mua vét, tích trữ khẩu trang, dịch sát trùng, bình thở oxi… ngoài vùng dịch, những nơi ít bị dịch bệnh đe dọa, khiến cho những người có nhu cầu thực sự lại không thể tiếp cận với phương pháp phòng dịch tối thiểu và cơ bản. Từ đại dịch thông tin tác động đến sự kỳ thị của cộng đồng với những cá nhân liên quan đến COVID-19; và do vậy dẫn đến khó kiểm soát dịch bệnh vì người bệnh sẽ giấu bệnh, không dám khai báo. Thậm chí những kẻ thiếu thiện chí còn bịa đặt, vu cáo cơ quan chức năng che giấu thông tin, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền nhằm thực hiện mưu đồ chính trị đen tối của mình…
Hai là, tin giả về dịch COVID-19 chủ yếu từ truyền thông xã hội. Thông tin thiếu được kiểm chứng, được trích dẫn có nguồn, hoặc nếu có thì nguồn được gán cho người hay tổ chức có uy tín trong ngành Y thường có xu hướng dẫn giải sai lệch, không có thật, gây hoảng sợ trong cộng đồng. Trong khi đó, người tiếp nhận không phân biệt ý kiến của một người và cơ quan chức năng có thẩm quyền khi đưa ra các thông tin liên quan đến dịch bệnh và hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. Không ít người chỉ có thói quen tiếp cận thông tin mà hầu như không có năng lực sàng lọc thông tin. Nhiều công chúng tiếp cận truyền thông xã hội nhưng thiếu kỹ năng kiểm chứng tin. Xu hướng công chúng “ nghiện truyền thông xã hội”, coi truyền thông xã hội là nguồn cung cấp thông tin chính về dịch COVID-19, nhưng lại chưa có nhiều người có năng lực tự đánh giá thông tin thật/giả. Do đó, khi công cụ truyền thông xã hội nằm trong tay hàng chục triệu người dân, thì Nhà nước rất khó có chế tài xử phạt nào hiệu quả, cũng như các cơ quan chức năng không thể đủ lực lượng để giám sát, kiểm tra, xử lý kịp thời.
Ba là, sự bùng nổ dịch COVID-19 là một dấu hiệu cho thấy thế giới càng đi vào quá trình phát triển càng có đặc điểm là sự “bất định xã hội, xã hội ngày càng nhiều rủi ro”. Khi dịch COVID-19 xuất hiện vào cuối năm 2019, và ngay cả lúc này với sự biến thể liên tục dẫn đến sự hiểu biết của giới chuyên môn còn chưa chắc chắn, trong khi người dân lại có nhu cầu quan tâm rất cao, vì sự an toàn của bản thân và gia đình mình. Sự đối bất xứng đó tạo nên một khoảng không lý tưởng cho tin giả cũng như các hành vi sai lệch trong xã hội xuất hiện. Thay vì đi tìm câu trả lời từ những người có thẩm quyền trong lĩnh vực y tế, giới chuyên môn khoa học hay cơ quan chức năng có thẩm quyền thì con người có xu hướng quay sang bất cứ nguồn nào mà họ có thể có trong cuộc sống hàng ngày.
Bốn là, lâu nay không ít người dân Việt Nam vẫn tin tưởng các thông tin do truyền thông xã hội cung cấp, coi đó là nguồn đáng tin cậy bên cạnh các kênh thông tin chính thống. Vì thế, với thiện chí muốn giúp nhau cập nhật về những diễn biến của bệnh dịch và có thêm các thông tin phòng chống, rất nhiều người đã không ngần ngại chuyển tiếp qua mạng xã hội các tin thiếu chính xác, sai khoa học liên quan tới đại dịch. Trong dòng chảy thông tin về dịch bệnh, rất nhiều người muốn được tham gia, thể hiện mình là người nhạy cảm với thời cuộc, có tác động đến xã hội. Tuy nhiên, họ không thể lường hết được những hậu quả xã hội do các tin giả được phát tán trên truyền thông xã hội.
Năm là, không ít tài khoản mạng xã hội có nhiều người theo dõi đã lợi dụng những thông tin về dịch bệnh để “nuôi” sức hút cho tài khoản của mình. Họ liên tục cập nhật những thông tin liên quan đến dịch bệnh, trong đó, có những thông tin chưa kiểm chứng, thông tin sai, trích dẫn những con số hay dự báo thiếu căn cứ khoa học và chuyên môn... Đây chính là một lý do dẫn đến tin giả về COVID-19 lại được các tài khoản mạng có nhiều người theo dõi quan tâm tận dụng, nhằm mục tiêu lợi ích kinh tế bất chấp các tổn hại đối với xã hội.
Sáu là, các tin giả về dịch COVID-19 gây nên sự sợ hãi về căn bệnh này sẽ dẫn đến hệ quả xã hội nghiêm trọng hơn bản thân đại dịch. Việc tiếp cận tin giả về sự nguy hiểm của dịch bệnh, số lượng người chết về dịch bệnh, các biện pháp phòng ngừa và điều trị phi khoa học hoặc chưa được kiểm chứng… khiến không ít người hoang mang, sợ hãi. Những tin giả liên quan đến việc đeo khẩu trang, xét nghiệm, hiệu quả thử nghiệm vaccine, nguồn gốc của COVID-19; tình trạng tử vong… đã làm giảm mức độ sẵn sàng của người dân trong việc tuân thủ những hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe cộng đồng (các biện pháp 5K, duy trì giãn cách xã hội…). Các tin giả còn có khả năng tạo các tâm lý phản đối, mâu thuẫn trong xã hội, khiến người dân không tin tưởng vào các cơ quan chức năng, chính quyền trong phòng, chống dịch hiện nay.
Lâu nay không ít người dân Việt Nam vẫn tin tưởng các thông tin do truyền thông xã hội cung cấp, coi đó là nguồn đáng tin cậy bên cạnh các kênh thông tin chính thống. Trong dòng chảy thông tin về dịch bệnh, rất nhiều người muốn được tham gia, thể hiện mình là người nhạy cảm với thời cuộc, có tác động đến xã hội, không ngần ngại chuyển tiếp qua mạng xã hội các tin thiếu chính xác, sai khoa học liên quan tới đại dịch. Tuy nhiên, họ không thể lường hết được những hậu quả xã hội do các tin giả được phát tán trên truyền thông xã hội. |
KIỂM SOÁT TIN GIẢ, THÚC ĐẨY THÀNH CÔNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
Tin giả không phải là vấn đề mới trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, chỉ đến khi có sự trợ giúp của truyền thông xã hội và gắn với dịch COVID-19, tin giả mới thật sự trở thành một “đại dịch thông tin” trên thế giới và ở Việt Nam. Tin giả về đại dịch và phòng, chống dịch COVID-19 có thể xuất phát từ sự vô ý, tùy tiện, thiếu trách nhiệm hoặc chủ ý của người tạo ra và đưa tin, nhằm phá hoại và trục lợi về kinh tế, làm cản trở, giảm uy tín, hiệu quả hoạt động của tổ chức, cơ quan và cả xã hội trong phòng, chống dịch bệnh. Thậm chí, một số báo chí và nhà báo cũng vô tình hay cố ý bị mắc bẫy tin giả, sản xuất và phát tán tin giả về dịch bệnh, gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Tại Việt Nam, việc kiểm soát những thông tin sai sự thật liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 được đánh giá là có hiệu quả. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và xã hội, cũng như các cơ quan truyền thông trên “mặt trận” chống tin giả được thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên, trên thực tế Việt Nam vẫn đang đứng trước thách thức rất lớn trước vấn nạn tin giả về dịch COVID-19. Với việc số lượng người dân tham gia truyền thông xã hội ngày càng đông đảo, với nhiều xu hướng mức độ thể hiện nhu cầu, điều kiện, kỹ năng và trách nhiệm xã hội khác nhau. Đặc biệt, các thế lực thù địch đang có xu hướng gia tăng việc sử dụng tin giả để chống phá sự ổn định và phát triển của đất nước trên tất cả các lĩnh vực và bằng tất cả các phương diện khác nhau, do dó hoạt động phòng, chống tin giả liên quan đến dịch COVID-19 phải được xác định là mặt trận hàng đầu hướng đến mục tiêu nhanh chóng chiến thắng đại dịch.
Cần xác định ý thức, năng lực và trách nhiệm xã hội của người tiếp cận với tin giả là yếu tố quyết định nhất cho sự bền vững của việc kiểm soát và giảm thiểu tác hại xã hội của tin giả. Để có thể giảm sự xuất hiện và phát tán những tin giả, thông tin sai lệch, rất cần ý thức trách nhiệm xã hội và năng lực xử lý sàng lọc thông tin của mỗi người dân khi tham gia truyền thông xã hội. |
Muốn hạn chế nguy cơ gia tăng tin giả về dịch COVID-19, cần phải đảm bảo sự thành công rõ ràng, kịp thời của các biện pháp phòng, chống đại dịch đang được triển khai. Nếu những kết quả phòng, chống dịch và tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, có triển vọng tích cực thì các tin giả liên quan, cũng như hệ quả tác động xã hội tiêu cực của nó sẽ có xu hướng giảm. Mỗi nhà báo và cơ quan báo chí phải đảm bảo “vai trò mục tiêu kép”, vừa là nhà báo, cơ quan báo chí chuyên nghiệp tích cực sản xuất, đưa tin về các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19; vừa là những cá nhân, tổ chức đi đầu trong phòng, chống tin giả liên quan đến dịch COVID-19. Trong đó, đặc biệt là đảm bảo năng lực, trách nhiệm và tính hiệu quả của nhà báo, cơ quan báo chí trong kiểm chứng nguồn tin của hoạt động báo chí. Nhà báo và cơ quan báo chí không chỉ là người phát hiện ra thông tin mà còn phải có trách nhiệm thẩm định, kiểm chứng và giải thích thông tin. Phát huy vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng của báo chí chính thống, bảo đảm chính xác, kịp thời, góp phần ngăn chặn tin giả.
Cần tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan chức năng có thẩm quyền, các chuyên gia có uy tín cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh, và phòng chống dịch COVID-19 trên các phương tiện truyền thông đại chúng; và đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội được tiếp cận. Tăng cường thực hiện chính sách “truyền thông an dân” trên các loại hình truyền thông hướng đến mục tiêu: mọi người dân đều có hiểu biết cơ bản về dịch bệnh; mọi người dân đều có thái độ bình tĩnh và yên tâm về các biện pháp phòng, chống dịch; mọi người dân đều chủ động tuân thủ, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch; mọi người dân tích cực chấp hành các quy định liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, các thông điệp về truyền thông cần thống nhất, dễ hiểu để mọi giai tầng xã hội đều nhận thấy rõ chủ trương, lộ trình của các biện pháp và mục tiêu phòng, chống dịch COVID-19 của Đảng và Nhà nước dựa trên bằng chứng: “Biết mình đang ở đâu, khó khăn gì, cần phải làm gì, những bước thực hiện tiếp theo là gì, các mục tiêu và triển vọng trung và dài hạn”.
Để đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả, thống nhất trong việc nhận diện, đưa ra các biện pháp đấu tranh đối với vấn nạn tin giả, cũng như giảm thiểu tác hại xã hội của tin giả cần tăng cường sự liên thông, phối kết hợp giữa các ban, bộ, ngành, lĩnh vực, cơ quan và tổ chức trong đấu tranh phòng, chống tin giả nói chung, về COVID-19 nói riêng. Muốn vậy, cần phải xây dựng cơ chế phối hợp linh hoạt, đặc thù, đặc biệt nhằm: phản ứng nhanh, kịp thời, chính xác, hiệu lực và hiệu quả. Cần có quy định cụ thể và rõ ràng về định tính hóa và định lượng hóa những tiêu chí để “chế tài mạnh tay hơn” đối với mọi hành động và cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc sản xuất tin giả, phát tán tin giả, sử dụng tin giả. Đồng thời, cần nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống cơ quan chuyên trách tư vấn chính sách và giải pháp phòng, chống tin giả của quốc gia.
Để giành thắng lợi trong cuộc chiến chống tin giả về dịch bệnh, không thể bỏ qua truyền thông xã hội. Bên cạnh những tác động tiêu cực trong việc lan truyền tin giả về dịch COVID-19, truyền thông xã hội cũng đang đóng một vai trò không thể thay thế trong việc lan tỏa hiệu ứng thông tin thật, thông tin chính thống kịp thời đến các nhóm xã hội khác nhau. Thực tế cho thấy, các mạng xã hội đang chung tay với cơ quan quản lý Nhà nước cập nhật thông tin rõ nguồn gốc, từ cơ quan chức năng, góp phần đẩy lùi tin giả. Không chỉ là kênh cung cấp thông tin, truyền thông xã hội còn được sử dụng để lan truyền những thông điệp ý nghĩa đến cộng đồng hay lên án những hành vi sai trái trong quá trình phòng, chống dịch. Hệ thống báo chí chính thống, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông… đã sử dụng truyền thông xã hội như một công cụ đắc lực để truyền tải các thông điệp cần thiết về phòng, chống dịch trong toàn xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần phải tích cực kiểm soát thông tin sai sự thật, như: xoá bỏ tin bịa đặt, dán nhãn tin khả nghi, treo/ngưng/khóa các tài khoản chuyên tung tin thất thiệt, dùng thuật toán để giúp người dùng tăng tiếp xúc với các nguồn tin chính thống đáng tin cậy về tình hình đại dịch và phòng, chống dịch COVID-19 trên các mạng xã hội (Facebook, Twitter, YouTube…). Cần xác định ý thức, năng lực và trách nhiệm xã hội của người tiếp cận với tin giả là yếu tố quyết định nhất cho sự bền vững của việc kiểm soát và giảm thiểu tác hại xã hội của tin giả. Do vậy, khi xã hội phải đối đầu với dịch COVID-19, hãy bình tĩnh để tiếp nhận những thông tin và dữ kiện ở các cơ quan có thẩm quyền, ngay cả khi nó trái ý hay ngoài mong đợi. Để có thể giảm sự xuất hiện và phát tán những tin giả, thông tin sai lệch, rất cần ý thức trách nhiệm xã hội và năng lực xử lý sàng lọc thông tin của mỗi người dân khi tham gia truyền thông xã hội.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tin giả nói chung và tin giả về dịch COVID-19 nói riêng. Do dịch COVID-19 là vấn đề khủng hoảng mang tính toàn cầu, vì vậy đấu tranh phòng, chống tin giả về dịch COVID-19 cũng phải mang tính toàn cầu. Cần thống nhất quan điểm và hành động, cuộc chiến chống tin giả về dịch COVID-19 mang tính toàn cầu là biện pháp cần thiết vì sự an toàn xã hội ở tất cả các quốc gia. Do đó, trong bối cảnh thế giới nhiễu loạn thông tin, việc phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia để bảo đảm có thể truyền bá thỏa mãn nhu cầu thông tin chính đáng; hạn chế tính độc hại của thông tin đối với sự phát triển lành mạnh của xã hội càng trở nên quan trọng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.
Tăng cường nghiên cứu khoa học mang tính liên xuyên ngành: công nghệ thông tin, báo chí-truyền thông, luật học, tâm lý học, xã hội học để nhận diện được tin giả, quy luật hình thành và phát triển của tin giả, tác hại của tin giả, các giải pháp phòng chống, kiểm soát và hạn chế tin giả… Đặc biệt, thúc đẩy các giải pháp công nghệ, các biện pháp kỹ thuật phù hợp bắt kịp với sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet, truyền thông xã hội. Để những thông tin giả nói chung và tin giả về phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng không in sâu trong nhận thức của người tiếp cận truyền thông xã hội, cần tăng cường nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các phần mềm chống tin giả. Trí tuệ nhân tạo có chức năng nhắc nhở người dùng tin tức nào là giả mạo. Hiện nay tại nước Anh, Logical là công ty đi đầu sử dụng AI để chống lại tin giả. Phương pháp tiếp cận của Logical gồm ba hướng: nguồn gốc của nội dung, nội dung và siêu dữ liệu liên quan đến nội dung đó để cung cấp thông tin toàn diện, bổ sung và xác thực được nội dung. Giải pháp này giúp phân loại những nội dung được nhận định là tin giả trước khi người dùng có thể đọc được.
Cần có sự kết hợp giữa “phản ứng cứng” và “phản ứng mềm” trong kiểm soát và hạn chế tác hại xã hội của tin giả nói chung và phòng, chống tin giả liên quan đến dịch COVID-19.
“Phản ứng mềm” là dùng hệ thống pháp luật truyền thống, hệ thống khuyến khích và các giải pháp kỹ thuật để chống lại tin giả. Các cách thức này ít ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt; tạo điều kiện cho tranh luận xã hội; nắm bắt được phản ứng của xã hội đối với chính sách của Nhà nước dễ dàng, chính xác hơn. Tuy nhiên, cách thức này cũng tạo ra sự khó khăn, tốn kém trong việc chống lại tin giả trong những bối cảnh cụ thể.
“Phản ứng cứng” là ban hành luật chuyên ngành để chống lại tin giả; coi trọng sự can dự của Nhà nước trong việc chống tin giả. Cách thức này tạo tính răn đe đối với hành vi đưa tin giả cao hơn. Nếu bộ máy quyền lực công liêm chính, hiệu năng việc chống tin giả sẽ có hiệu quả cao. Tuy nhiên, sự lạm quyền cách thức “phản ứng cứng” có thể ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt; phản biện xã hội có thể gặp khó khăn hơn. Do đó, sự kết hợp giữa “phản ứng cứng và phản ứng mềm” là phương thức tối ưu để vừa quản lý chặt chẽ, vừa tạo điều kiện tốt cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của các loại hình truyền thông; vừa đảm bảo các quyền gắn với trách nhiệm xã hội của mỗi con người khi xã hội Việt Nam đang ngày càng tiến đến xã hội phát triển và hội nhập với thế giới.
Nguồn: tuyengiao.vn
Không có nhận xét nào