Tin giả về dịch bệnh có sức tàn phá, hủy diệt như một đội quân hắc ám
Một vị danh tướng từng nói rằng thông tin có sức mạnh như một đạo quân. Như hai mặt của đồng xu, cứ nhìn cảnh người dân TP.Hồ Chí Minh đổ xô đi gom hàng tích trữ ngay khi thông tin truyền tai “sẽ đóng của toàn thành phố vào ngày 15/7” mới thấy thông tin có sức tàn phá, hủy diệt của một đội quân hắc ám. Thật đúng là, “đất nước im súng bom, lòng người bày trận mạc”, dịch bệnh chưa qua, “nhân họa” đã tới…
Từ tối ngày 13/7, mạng xã hội đã lan truyền chóng mặt thông tin về việc “lock down từ 0 giờ ngày 15/7′, ‘lãnh đạo TP bị nhiễm Covid-19’ dẫn đến khan hiếm thực phẩm nên kêu gọi mọi người tranh thủ mua sắm, tích trữ hàng hóa”. Rất nhanh chóng, chính quyền TP phản hồi khẳng định những nội dung trên sai sự thật. Đồng thời, công khai minh bạch cụ thể việc TP đang tập trung triển khai các biện pháp quyết liệt để kiềm chế, ngăn ngừa, đẩy lùi dịch Covid-19. Song song thực hiện các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn. Hiện nay, ngoại trừ chợ đầu mối Bình Điền vẫn đóng cửa thì các chợ đầu mối khác như Hóc Môn, Thủ Đức đang được xem xét để mở cửa lại một phần; thí điểm mở cửa chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động…
Ròng rã hơn 2 tháng qua, toàn thành phố ra trận, đối mặt với một kẻ thù vô hình nhưng quá đỗi nguy hiểm có tên virus Sart-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19. Sự nguy hiểm của virus Sart-CoV-2 gây ra đại dịch toàn cầu tới nay ai cũng rõ, song còn một loại virus khác mang trong mình độc tố và tốc độ lây lan cũng vô cùng khủng khiếp đó là “virus tin giả”. Nạn nhân của con virus này không phải là các ca dương tính, mà là khủng hoảng niềm tin, bất ổn xã hội và làm xói mòn nỗ lực chống dịch ngày đêm của biết bao con người.
Như tin giả về việc “đóng cửa toàn thành phố” có thể nói, dù chưa đến mức hỗn loạn chen lấn để mua cho bằng được lương thực và các nhu yếu phẩm nhưng ở góc độ tâm lý cho thấy có sự hoang mang thái quá của một bộ phận người dân. Hành vi tích trữ hàng hóa trước hết có thể gây rối loạn thị trường bởi nó gây hiện tượng khan hiếm ảo, vô hình trung tạo cơ hội cho những kẻ đầu cơ trục lợi, găm hàng để đẩy giá lên cao, khi đó người tiêu dùng là đối tượng bị ảnh hưởng trước tiên. Câu chuyện khan hiếm ảo khẩu trang y tế trong thời gian ngắn trước đây đã để lại những tác động tiêu cực đối với xã hội. Chính sự thiếu tỉnh táo này là cơ hội để những gian thương lợi dụng, đó là chưa nói đến tình trạng một số đối tượng xấu lợi dụng tình hình để lừa đảo.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp thì tình trạng đưa tin thiếu trách nhiệm, thậm chí loan tin kiểu “tin nội bộ” từ các cá nhân lộ diện hoặc ẩn mặt đều có tính chất nguy hiểm đối với xã hội, gây hoang mang cho dư luận, cộng đồng trong lúc nỗ lực chống bệnh dịch Covid-19 đang quy tụ được sức mạnh của toàn dân và cả hệ thống chính trị. Chưa kể, còn tạo cớ cho các đối tượng chống phá lợi dụng để thêu dệt, công kích công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố. Những ai đã tung tin như thế, cho dù với bất cứ mục đích gì, đều cần xử lí nghiêm đến nơi đến chốn, theo quy định cụ thể tại điểm d, khoản 1, Điều 8 Luật An ninh mạng. Trong trường hợp, nếu xác định được chính xác người tung tin sai sự thật có tính chất vu khống có thể bị bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm theo quy định tại Điều 156, Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, tùy vào mức độ xâm phạm của hành vi tung tin, người tung tin có thể phải gánh chịu các mức phạt vi phạm hành chính hoặc bồi thường thiệt hại khác theo quy định.
Hệ lụy từ tin giả là vô cùng nghiêm trọng. Chính vì thế, việc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn này phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội, mỗi người dân nên kiểm chứng nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào, nếu đến từ một người lạ, thông tin không rõ ràng cần cảnh giác, thận trọng.
Nguồn: canhco
Không có nhận xét nào