Quốc hội bầu xong 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2021 - 2026
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành việc bầu 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tái đắc cử nhiệm kỳ 2021 - 2026
Sáng 26/7, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã bầu ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021, giữ chức Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Trước Quốc hội và cử tri cả nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước. Ảnh: TTXVN
Phát biểu sau lễ tuyên thệ, Chủ tịch nước hứa trước Quốc hội và đồng bào sẽ luôn tu dưỡng đạo đức, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thượng tôn pháp luật và tuyệt đối tuân thủ Hiến pháp, thực hiện trọn vẹn đầy đủ mọi nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.
"Trong bất kỳ hoàn cảnh nào dù khó khăn hay thuận lợi, Chủ tịch nước sẽ luôn giữ và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng với các giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa và truyền thống thiêng liêng của dân tộc, vì sự phát triển lớn mạnh, toàn diện và bền vững của đất nước ta" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh ngày 20/7/1954, quê quán tại Quảng Nam. Trình độ lý luận chính trị: cao cấp, trình độ chuyên môn: cử nhân kinh tế. Đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa XI, XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII, XIV, XV.
Ông Nguyễn Xuân Phúc đã giữ các chức vụ như Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã bầu ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, đại biểu Quốc hội khóa XIV giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Theo Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước.
Ông Phạm Minh Chính được bầu làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ mới
Chiều 26/7, Quốc hội đã bầu ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021 (từ tháng 4/2021), đại biểu Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Sau Lễ tuyên thệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu nhậm chức tại Quốc hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những kinh nghiệm quý báu, bài học hay của Chính phủ qua các thời kỳ; xây dựng Chính phủ và chính quyền các cấp đoàn kết, liêm chính; kỷ luật, kỷ cương; tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; năng động, đổi mới sáng tạo; thấm nhuần phương châm đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; "lấy dân làm gốc" và xuất phát từ quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên thệ trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước. Ảnh: TTXVN
"Với tư tưởng chỉ đạo "chống dịch như chống giặc" và vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe, an ninh, an toàn của nhân dân; nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu hiện nay của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là tập trung trí tuệ, nguồn lực, các biện pháp linh hoạt, sáng tạo, nhất là chiến lược vaccine; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tinh thần đại đoàn kết dân tộc; kêu gọi sự chung sức, đồng lòng, nâng cao ý thức chấp hành và tinh thần tương thân tương ái, "thương người như thể thương thân" của Nhân dân để chống dịch thành công; đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; tiếp tục xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Ông Phạm Minh Chính sinh năm 1958, quê ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa; Trình độ lý luận chính trị: Cao cấp; Trình độ chuyên môn: Phó Giáo sư ngành Khoa học An ninh, Tiến sĩ Luật, Cử nhân Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Cử nhân Luật.
Ông là Ủy viên Bộ Chính trị 2 khóa (XII, XIII); Bí thư Trung ương Đảng khóa XII; Ủy viên Trung ương Đảng 3 khóa (XI, XII, XIII) và là đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV.
Ông Phạm Minh Chính từng đảm nhiệm nhiều vị trí như Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an; Thứ trưởng Bộ Công an; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã được Quốc hội bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ.
Theo Hiến pháp năm 2013, Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao; báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội.
Ông Vương Đình Huệ tiếp tục giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Chiều 20/7, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội khóa XV giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Sau khi thực hiện nghi thức tuyên thệ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa nhấn mạnh mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân trong bài phát biểu nhậm chức.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thực hiện nghi thức tuyên thệ
"Với cương vị Chủ tịch Quốc hội, tôi nguyện sẽ cống hiến hết sức mình, cùng Quốc hội, tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp 75 năm Quốc hội Việt Nam, tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân; phát huy cao độ dân chủ, đoàn kết, pháp quyền, liêm chính, công khai, minh bạch, tăng tính chuyên nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước" - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ sự tin tưởng Quốc hội Việt Nam khóa XV sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó.
Ông Vương Đình Huệ sinh năm 1957, quê xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, là Giáo sư - Tiến sĩ Kinh tế, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa X, XI, XII, XIII, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII, đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV, XV.
Ông Vương Đình Huệ từng là giảng viên trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính) rồi Trưởng khoa, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo của trường này. Sau đó, ông lần lượt kinh qua các chức vụ như Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã bầu Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Bí thư Bộ Tư lệnh Thủ đô, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV Thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ làm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.
Theo Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch Quốc hội chủ tọa các phiên họp của Quốc hội; ký chứng thực Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; lãnh đạo công tác của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; tổ chức thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội; giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội do Quốc hội bầu ra trong số các đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tuyên thệ
Nguồn: VTV
Không có nhận xét nào