MKRdezign

TIN MỚI

Những điểm đặc biệt của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là cuộc bầu cử rất đặc biệt, thu hút sự quan tâm của Nhân dân cả nước và quốc tế.

Cử tri bỏ phiếu vào hòm phiếu phụ ở các điểm cách ly tập trung tại tỉnh Điện Biên. Ảnh: TTXVN

Cuộc bầu cử là minh chứng cho lòng yêu nước, ý chí vượt qua khó khăn

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, báo cáo tóm tắt Tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là cuộc bầu cử rất đặc biệt, một sự kiện chính trị quan trọng thu hút sự quan tâm của Nhân dân cả nước và quốc tế, thể hiện ở những điểm cơ bản.

Những điểm đặc biệt của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 của Hội đồng Bầu cử quốc gia. Ảnh: TTXVN

Thứ nhất: Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đã trải qua hơn 75 năm độc lập, 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp đồng thời đề ra các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường, tạo nền tảng, tiền đề vững chắc để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Thứ hai: Cuộc bầu cử diễn ra trong khó khăn, thử thách, khi mà cùng lúc vừa phải tổ chức cuộc bầu cử thành công, đúng pháp luật, vừa phải bảo đảm an toàn trong điều kiện phòng, chống đại dịch Covid-19 và thực hiện tốt nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống và an toàn cho người dân.

Thứ ba: Cuộc bầu cử được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, thống nhất, sát sao, toàn diện, đồng bộ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự vào cuộc, chung sức đồng lòng, đoàn kết thống nhất của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng thuận của Nhân dân và cử tri cả nước.

Thứ tư: Cuộc bầu cử lần này có số lượng cử tri đi bầu lớn nhất từ trước đến nay, với 69.523.277 cử tri và tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu là 69.243.939 cử tri (đạt 99,60%). Trong bối cảnh khó khăn, tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều cử tri ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, phương tiện đi lại khó khăn hoặc đang phải điều trị hoặc thực hiện cách ly y tế để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn tự nguyện, hăng hái, tích cực tham gia bỏ phiếu.

Thứ năm: Cuộc bầu cử được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, chủ động, chuyên nghiệp, sáng tạo, với tinh thần trách nhiệm rất cao, nắm bắt nhanh nhạy, xử lý kịp thời, linh hoạt, đúng pháp luật trong mọi tình huống phát sinh.

Thứ sáu: Thành công của cuộc bầu cử cho thấy sức mạnh tổng hợp của Nhân dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, thể hiện sinh động tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với chế độ xã hội chủ nghĩa, với Đảng và Nhà nước, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, được dư luận trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài và truyền thông quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Cuộc bầu cử là minh chứng cho thấy càng trong khó khăn, thử thách, lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường vượt qua khó khăn và khát vọng vươn lên, vốn là những giá trị cơ bản làm nên sức mạnh Việt Nam, càng được trỗi dậy, phát huy và lan tỏa mạnh mẽ hơn.

499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó 4 đại biểu tự ứng cử

Những điểm đặc biệt của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026. Ảnh: TTXVN

Trong cuộc bầu cử ngày 23/5/2021, cử tri cả nước đã bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét xác nhận tư cách người trúng cử theo quy định của pháp luật, Hội đồng bầu cử quốc gia đã quyết định không xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV vì không bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật đối với 01 trường hợp tại đơn vị bầu cử số 1 thuộc tỉnh Bình Dương. Do đó, đã có 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (đạt 99,8%).

Trong đó đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở trung ương giới thiệu: có 194 người trúng cử; đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở địa phương giới thiệu: có 301 người trúng cử; đại biểu tự ứng cử: có 4 người trúng cử. Số đại biểu dự kiến hoạt động chuyên trách ở Trung ương trúng cử là 126 người; số đại biểu hoạt động chuyên trách ở địa phương trúng cử là 67 người.

Về cơ cấu thành phần: đại biểu là phụ nữ: 151 người (tỷ lệ 30,26%); đại biểu là người dân tộc thiểu số: 89 người (tỷ lệ 17,84%); đại biểu trẻ dưới 40 tuổi: 47 người (tỷ lệ 9,42%); đại biểu là người ngoài Đảng: 14 người (tỷ lệ 2,81%); đại biểu khóa XIV tái cử hoặc đã từng là đại biểu Quốc hội các khóa trước: 203 người (tỷ lệ 40,68%); đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội: 296 người (tỷ lệ 59,32%).

Về trình độ chuyên môn: trên đại học: 392 người, tỷ lệ 78,56% (trong đó: Tiến sĩ: 144 người, Thạc sĩ: 248 người); đại học: 106 người (tỷ lệ 21,24%); dưới đại học: 01 người (tỷ lệ 0,20%). Về học hàm: Giáo sư: 12 người (tỷ lệ 2,40%), Phó Giáo sư: 20 người (tỷ lệ 4%).

Cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV đã giảm đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách. Lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội dự kiến hoạt động chuyên trách trúng cử cao, đạt 38,6% tổng số đại biểu Quốc hội. Các cơ cấu như tỷ lệ đại biểu là phụ nữ, trẻ tuổi, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử đều đạt hoặc vượt so với chỉ tiêu đặt ra. Đặc biệt, lần đầu tiên trong 15 nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội trúng cử là người dân tộc thiểu số đạt 17,84% - cao nhất từ trước đến nay và đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội nước ta có thêm đại diện của 2 dân tộc thiểu số rất ít người là Lự và Brâu.

Tỷ lệ đại biểu Quốc hội trúng cử là phụ nữ đạt 30,26% - cao nhất từ Quốc hội khóa VI trở lại đây. Với kết quả này, Việt Nam được nâng lên đứng thứ 51 trên thế giới, thứ 4 ở Châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA) về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội.

3.721 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 22.550 đại biểu HĐND cấp huyện, 239.788 đại biểu HĐND cấp xã được bầu


Những điểm đặc biệt của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp - Ảnh 3.

Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 (Ảnh: TTXVN)

Trong cuộc bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cử tri cả nước đã thực hiện bầu được 3.721 đại biểu HĐND cấp tỉnh. Trong đó, đại biểu là phụ nữ: 1.079 người (tỷ lệ 29,00%); đại biểu là người dân tộc thiểu số: 636 người (tỷ lệ 17,09%); đại biểu trẻ dưới 40 tuổi: 511 người (tỷ lệ 13,73%); đại biểu tái cử: 1.566 người (tỷ lệ 42,09%); đại biểu là người ngoài Đảng: 184 người; đại biểu tự ứng cử: 02 người. Về trình độ chuyên môn: tỷ lệ trên đại học 58,32%; đại học 39,75%; dưới đại học 1,93%.

HĐND cấp huyện bầu được 22.550 đại biểu. Trong đó, đại biểu là phụ nữ: 6.584 người (tỷ lệ 29,20%); đại biểu là người dân tộc thiểu số: 4.110 người (tỷ lệ 18,23%); đại biểu trẻ dưới 40 tuổi: 5.002 người (tỷ lệ 22,18%); đại biểu tái cử: 10.608 người (tỷ lệ 47,04%); đại biểu là người ngoài Đảng: 1.057 người; đại biểu tự ứng cử: 08 người. Về trình độ chuyên môn: tỷ lệ trên đại học 28,92%; đại học 66,39%; dưới đại học 4,69%.

HĐND cấp xã bầu được 239.788 đại biểu. Trong đó, đại biểu là phụ nữ: 69.487 người (tỷ lệ 28,98%); đại biểu là người dân tộc thiểu số: 49.286 người (tỷ lệ 20,55%); đại biểu trẻ dưới 40 tuổi: 88.324 người (tỷ lệ 36,83%); đại biểu tái cử: 129.458 người (tỷ lệ 53,99%); đại biểu là người ngoài Đảng: 28.092 người; đại biểu tự ứng cử: 51 người. Về trình độ chuyên môn: tỷ lệ trên đại học 2,56%; đại học 52,56%; dưới đại học 44,88%.

Về bầu cử thêm, bầu cử lại: Không có đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh nào phải tổ chức bầu cử thêm. Có 02 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện ở 02 tỉnh Kiên Giang và Quảng Ngãi phải tổ chức bầu thêm 02 đại biểu; sau khi tổ chức bầu cử thêm đã bầu được 02 đại biểu HĐND cấp huyện. Có 216 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã ở 188 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 30 tỉnh, thành phố phải tổ chức bầu cử thêm. Số lượng đại biểu HĐND cần bầu cử thêm là 336 đại biểu; sau khi tổ chức bầu cử thêm đã bầu được 212 đại biểu HĐND cấp xã. Không có đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện nào phải bầu cử lại. Có 05 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã phải bầu cử lại 14 đại biểu; sau khi tổ chức bầu cử lại đã bầu đủ 14 đại biểu HĐND cấp xã.

Nguồn: VTV

Không có nhận xét nào