Luôn có chỗ cho những "người ngoài" ở EURO
Trong khi bất cứ nhà tổ chức nào cũng mong muốn quốc tế hóa một sự kiện đình đám, khán giả góp mặt được làm những điều không bị cấm - và sự tự tôn dân tộc là 1 ví dụ.
Trận đấu giữa ĐT Thụy Sỹ - ĐT Tây Ban Nha tại tứ kết EURO 2020 đã khép lại với tấm vé đi tiếp dành cho đội tuyển xứ sở đấu bò. Một cuộc đọ sức không nhiều bàn thắng song vẫn gay cấn tới những phút cuối cùng.
Hết trận đấu, thay vì tập trung nói về cú sút mở điểm của Jordi Alba, về bàn gỡ hòa Shaqiri thế nào, hay vẻ mặt tiếc nuối của các cầu thủ Thụy Sỹ ra sao sau loạt luân lưu thất bại… thì một chi tiết khiến người hâm mộ quan tâm hơn cả, đó chính là… những lá cờ.
Không khó để nhận ra trên khán đài sân St Petersburg (Nga) tung bay quốc kỳ Việt Nam – thậm chí, còn nhiều hơn cả 2 đội bóng đang thi đấu dưới sân. Theo Google Trend, lượng tìm kiếm về từ khóa "lá cờ đỏ" và "Việt Nam" tăng đột biến sau trận đấu giữa Thụy Sỹ - Tây Ban Nha.
Tôi có những người bạn mê âm nhạc – và có điều kiện, tất nhiên. Họ sẵn sàng đi khắp thế giới để tham dự những sự kiện lớn nhất, mà dám chắc rằng không phải ai cũng có thể đặt chân tới. Hành trang mà họ không bao giờ quên mang theo, đó chính là quốc kỳ Việt Nam, để nó luôn được tung bay trên mọi cung đường từng qua - Và, thứ mà họ nhận được là gì ư? – Những kỷ niệm về một hành trình của bản thân, cũng như tự hào nói lên mình tới từ đâu.
Sau mỗi lần như thế, ít ai nhớ tên họ - những người châu Á với những cái tên khó đọc, nhưng sự hiện diện của Việt Nam, của cờ đỏ sao vàng, thì chắc hẳn không dễ quên. Đó hoàn toàn là sự lựa chọn, không phải một sứ mệnh bắt buộc, nhưng những người bạn của tôi đều vui mừng khi được làm điều đó.
Trong thế giới ngày càng phẳng, bất cứ nhà tổ chức nào cũng đều nỗ lực để quốc tế hóa một sự kiện, mong muốn sự xuất hiện tất cả mọi người từ 4 bể 5 châu. Bóng đá không ngoại lệ. EURO không phải cuộc chơi của riêng châu Âu nữa mà mở rộng ra là những màn trình diễn, những bữa tiệc bóng đá thu hút sự quan tâm của hàng triệu người trên khắp thế giới.
Trở lại với SVĐ St Petersburg (Gazprom Arena), của Nga - quốc gia có khoảng hơn 100.000 người Việt đang sinh sống và làm việc, không khó đoán sự xuất hiện của những người Việt Nam trên khán đài một sự kiện lớn như EURO. Rồi trước khi vào sân, họ hiển nhiên đã phải trải qua các bước kiểm tra an ninh nghiêm ngặt mà ở đó quốc kỳ Việt Nam, không phải là thứ bị cấm, thì mới có thể tung bay khắp các góc sân St Petersburg đến như vậy.
Bóng đá trên hết là gắn kết cảm xúc của mọi người suốt 90 phút trên sân. Chúng ta có thể vui vì đội mình ủng hộ chiến thắng, buồn khi đội bóng đó thất bại… cũng như luôn có chỗ cho niềm tự hào vẫy cờ tổ quốc mình ở 1 ngày hội quốc tế vậy, dù họ, những người mang quốc kỳ Việt Nam tới sân, có vì mục đích ghi dấu ấn bản thân, hay chỉ đơn giản nói lên nơi họ tới, trong một sự kiện tầm cỡ đi chăng nữa.
Nguồn: VTV
Không có nhận xét nào