Bác bỏ luận điệu xuyên tạc bản chất công tác bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng
Xuyên suốt 91 năm xây dựng và phát triển của Đảng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ luôn được chú trọng; được các cấp uỷ, các tổ chức cơ sở Đảng và mọi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị triển khai thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định, góp phần quan trọng vào thành công của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
BẢO VỆ CHÍNH TRỊ NỘI BỘ LÀ MỘT NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG VÀ CẦN THIẾT
Bảo vệ chính trị nội bộ là một nhiệm vụ quan trọng, liên quan đến sự sống còn của Đảng và chế độ; đồng thời, là một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đảm bảo để Đảng luôn trong sạch vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ cách mạng. Vì thế, những luận điệu sai trái, phản động mà các thế lực thù địch suy diễn, quy kết hồ đồ rằng: Đảng phải tiến hành bảo vệ chính trị nội bộ là do những ''phức tạp không nhỏ" trong nội bộ; do tình trạng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ ngày càng gia tăng; do nội bộ mất đoàn kết vì sự "tranh giành ghế và các phe nhóm"; do các cơ quan tuyên truyền, tuyên giáo của Đảng "tung hỏa mù" để ngụy trang cho sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên… cần phải được nhận diện đúng là rất quan trọng và cần thiết.
Trước hết, phải khẳng định rằng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ không phải là việc làm nhằm "bới lông tìm vết" mà chính là quá trình thực hiện nghiêm các nguyên tắc về xây dựng Đảng và chỉnh đốn Đảng theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; theo đúng Điều lệ Đảng và văn kiện các kỳ Đại hội Đảng trên tinh thần kết hợp giữa “chống và xây”, “xây và chống”, "lấy phòng ngừa là chính" để xây dựng từng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy, công tác bảo vệ chính trị nội bộ gắn liền với sự ra đời, phát triển của Đảng, chứ không phải chỉ khi có sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, thì Đảng mới tiến hành bảo vệ chính trị nội bộ.
Tuy nhiên, xuất phát từ sự biến chuyển nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình quốc tế, khu vực và trong nước; từ sự gia tăng các hoạt động chống phá của thế lực thù địch vào Đảng Cộng sản Việt Nam, vào nền tảng tư tưởng của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, vào việc thực thi dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam… trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ đã được đẩy mạnh; được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát.
Đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ, hệ thống các văn bản quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ qua các nhiệm kỳ Đại hội của Đảng đã được bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Trong đó, phải kể đến các văn bản sau: Quyết định 42-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương (Bộ Chính trị ban hành ngày 15/7/2002); Chỉ thị số 39-CT/TW về “Tăng cường công tác bảo vệ Chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay” (Bộ Chính trị khóa XI ban hành ngày 18/8/2014); Quy định số 126-QĐ/TW “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” (Bộ Chính trị khóa XII ban hành ngày 28/2/2018) thay thế Quy định số 57-QĐ/TW ngày 3/5/2007 của Bộ Chính trị khóa X “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” và Hướng dẫn số 19-HD/BTCTW ngày 12/9/2019 của Ban Tổ chức Trung ương về thực hiện một số điều trong Quy định số 126-QĐ/TW…
Có thể thấy, bên cạnh những nội dung được ghi rõ trong Điều lệ Đảng, trong văn kiện mỗi kỳ Đại hội Đảng như Nghị quyết Đại hội XII đã khẳng định: "Bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng; bảo vệ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; bảo vệ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ cán bộ, đảng viên về mặt chính trị. Gắn công tác bảo vệ chính trị nội bộ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những hiện tượng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, gây mất đoàn kết trong Đảng; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, nhất là phát ngôn, tuyên truyền, tán phát tài liệu trái Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch”(1), trong những nhiệm kỳ gần đây, công tác bảo vệ chính trị nội bộ được quan tâm hơn, góp phần quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.
Từ nội dung các văn bản nêu trên, có thể thấy công tác bảo vệ chính trị nội bộ không chỉ có thêm những nội dung mới, cụ thể, chặt chẽ hơn mà còn chuyển trọng tâm từ việc xem xét các vấn đề lịch sử sang nắm bắt và giải quyết những vấn đề chính trị hiện nay, gắn với việc phòng và chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ".
Đồng thời, cũng từ nội dung trọng tâm của công tác bảo vệ chính trị nội bộ, có thể thấy, đối với mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị, việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, quy định, hướng dẫn về công tác bảo vệ chính trị nội bộ là vấn đề quan trọng hàng đầu. Cùng với đó, việc tiến hành công tác bảo vệ chính trị nội bộ - một nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng chính là yêu cầu vừa cấp bách vừa thường xuyên để Đảng luôn trong sạch và vững mạnh, đoàn kết và thống nhất; đồng thời, đảm bảo sự chủ động trong việc phòng ngừa từ sớm, từ xa các nguy cơ và những nhân tố tiềm ẩn có thể gây mất ổn định chính trị, xã hội do các thế lực thù địch, phản động thực hiện nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa đang xây dựng ở Việt Nam.
Hai là, vì có tầm quan trọng như vậy, cho nên trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, công tác bảo vệ chính trị nội bộ luôn gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đó chính là nền tảng quan trọng cho việc giữ vững an ninh chính trị của Đảng, Nhà nước. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ đã được triển khai thường xuyên, liên tục trong cả hệ thống chính trị; từ Trung ương đến địa phương gắn với văn kiện các kỳ Đại hội Đảng, Điều lệ Đảng, với các Nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng; với việc kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng - đó là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội.
Cụ thể, trong những năm qua, việc thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, với Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" (Chỉ thị 03) và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 05), Kết luận 01 của Bộ Chính trị khóa XIII về "Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" (Kết luận 01) và các Quy định về những điều đảng viên không được làm, về nêu gương… đã góp phần quan trọng trong giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; nâng cao bản lĩnh chính trị và nhận thức cho mỗi cán bộ, đảng viên để chủ động phòng và đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu, thủ đoạn chiến lược “diễn biến hòa bình”, âm mưu thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nhằm phá hoại sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng của các thế lực thù địch…
Vì thế, việc các thế lực thù địch cho rằng, bảo vệ chính trị nội bộ là do "sự suy thoái trong Đảng gia tăng" không chỉ là sự xuyên tạc về chức năng, nhiệm vụ của công tác bảo vệ chính trị nội bộ, mà còn phủ nhận "sạch trơn" những thành tựu trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhằm chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, cần phải được nhận diện đúng!
Ba là, những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ đã góp phần: 1) Làm cho công tác đấu tranh, bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, bảo vệ tổ chức và cán bộ, đảng viên trước những diễn biến phức tạp của tình hình và âm mưu, hoạt động chống phá nội bộ của các thế lực thù địch đạt hiệu quả rõ rệt; để mỗi cán bộ, đảng viên hiểu sâu sắc hơn về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và cũng nhận thức sâu sắc hơn về tính chất quyết liệt của cuộc đấu tranh giai cấp trong giai đoạn hiện nay và âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch. 2) Để mỗi cấp ủy, mỗi người cán bộ, đảng viên chân chính nhận diện rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những suy nghĩ và hành động sai trái, đi ngược với lợi ích của Đảng, của nhân dân và cả sự xâm nhập của tư tưởng phản động, lối sống thực dụng, các biểu hiện tiêu cực tác động vào mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, từ đó biết tự bảo vệ mình và kịp thời báo cáo tổ chức xem xét, giải quyết những vướng mắc nảy sinh theo đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 3) Làm cho các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các dấu hiệu, biểu hiện vi phạm về chính trị nội bộ; thực hiện thẩm định tiêu chuẩn chính trị nhân sự phục vụ yêu cầu công tác cán bộ, phục vụ Đại hội Đảng các cấp và kết nạp đảng viên; công tác thẩm tra, xác minh và kết luận đối với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm về tiêu chuẩn chính trị… được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.
Hơn nữa, việc thường xuyên nắm bắt, quản lý chặt chẽ tình hình chính trị hiện nay của cán bộ, đảng viên gắn với thực hiện tốt công tác rà soát, thẩm định, thẩm tra, xác minh kết luận về tiêu chuẩn chính trị nhân sự; sự phối hợp chặt chẽ giữa công tác bảo vệ chính trị nội bộ với công tác cán bộ để chủ động ngăn ngừa, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh, vô hiệu hóa những luận điệu bịa đặt, vu khống, nói xấu nhằm chia rẽ, hạ uy tín của tổ chức đảng, đảng viên; việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, quy chế, quy định của Đảng về bí mật nhà nước trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ… đã cho thấy sự vu khống của các thế lực thù địch khi cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành bảo vệ chính trị nội bộ là nhằm "bảo vệ quyền lợi cho Đảng" thật sự lố bịch, hoàn toàn sai sự thật. Đồng thời, qua đó cũng khẳng định rằng, việc xuyên tạc bản chất công tác bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng là vì cán bộ, đảng viên ngày càng suy thoái, càng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", cho nên càng ngày Đảng Cộng sản Việt Nam càng phải tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ chính là một âm mưu chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.
Những luận điệu bịa đặt, bôi đen này nếu không được chỉ ra, được nhận diện đúng, để từ đó nâng cao cảnh giác thì ắt sẽ là một trong những nguyên nhân tạo ra những kẽ hở, "vết nứt" để các phần tử xấu, phản động lợi dụng, tác động vào công tác chính trị nội bộ; thậm chí lôi kéo, mua chuộc, chuyển hóa những người có tư tưởng bất mãn, lệch lạc, suy thoái, dẫn đến "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; dẫn đến phá hoại sự đoàn kết thống nhất trong Đảng nói riêng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung.
BẢO VỆ CHÍNH TRỊ NỘI BỘ LÀ NHIỆM VỤ CỦA CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ
Cũng cần phải nói rằng, trong những năm qua, bên cạnh những kết quả đạt được không thể phủ nhận trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ, thì vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người đứng đầu chưa nhận thức sâu sắc, thiếu thống nhất về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; nhất là, vẫn còn "một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"(2). Trong khi đó, công tác tự phê bình và phê bình chưa sâu sắc, thực chất, ở nhiều nơi còn hình thức. Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu trong mọi mặt công tác chưa thuyết phục, chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng trong mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị… Những hạn chế này đòi hỏi Đảng phải nhìn thẳng vào thực trạng để chú trọng hơn về công tác tư tưởng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đảm bảo để công tác tư tưởng luôn đi trước một bước, kịp thời và thuyết phục. Đồng thời, Đảng phải tiếp tục nỗ lực khắc phục những hạn chế trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ gắn với xây dựng Đảng, để Đảng thực sự là đội tiền phong của giai cấp và dân tộc, lãnh đạo đất nước phát triển nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa như Nghị quyết Đại hội XIII đã khẳng định.
Thực tế là, công tác bảo vệ chính trị nội bộ là một nội dung, gắn với xây dựng và chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Cho nên, việc cho rằng chống tham ô, tham nhũng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ Đảng; việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hơn chục năm nay "vẫn trơ ra như đá, như nước đồ đầu vịt", là “công dã tràng”, luôn là "chuyện xưa mà rất mới" của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tung trên mạng xã hội là sự xuyên tạc, vu khống, kích động nhân tâm cần phải bác bỏ!.
Thực tế là, Đảng cũng là một thực thể xã hội. Trong nội bộ Đảng, có đại đa số cán bộ, đảng viên gương mẫu, tiền phong; song đi liền cùng đó, cũng không thiếu những "con sâu làm rầu nồi canh", những người suy thoái, biến chất như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Cán bộ ta nhiều người "cúc cung tận tụy", hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ, với quốc dân. Nhưng cũng có người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành, độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư. Thậm chí dùng pháp công để báo thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và Đoàn thể”(3). Cho nên, bất kỳ ở đâu và lúc nào, mỗi tổ chức cơ sở Đảng trong cả hệ thống chính trị cũng phải thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát, chỉnh đốn tổ chức gắn với bảo vệ chính trị nội bộ trên tinh thần "không sợ có khuyết điểm", "chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi"(4) để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh từ chi bộ, làm cho Đảng xứng đáng với vai trò tiền phong; đồng thời, để kịp thời phát hiện và đưa ra khỏi Đảng những người đã rời xa lý tưởng cách mạng, thiếu rèn luyện, tu dưỡng về mọi mặt… Vai trò và ý nghĩa sâu sắc của công tác bảo vệ chính trị nội bộ là như thế, chứ không phải "là giữ cho Đảng khỏi vỡ từ trong lòng chế độ" như sự xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Sự thật này cũng cho thấy, việc chỉ nhìn hiện tượng mà quy kết bản chất khi nhận định tình trạng cán bộ, đảng viên "cứ thi nhau chuyển hóa tư tưởng, tự tìm đường thoát ra khỏi ao tù tư duy một chiều, giáo điều và bảo thủ cộng sản của Đảng" và "xem ra công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng kéo dài bao nhiêu thì càng có thêm nhiều cán bộ, đảng viên xấu xuất hiện để làm khổ dân, nhưng đồng thời cũng lộ ra thất bại của Đảng" của các thế lực thù địch chính là sự suy diễn vừa hồ đồ vừa vô căn cứ, cần phải bác bỏ!
Tựu trung lại, công tác bảo vệ chính trị nội bộ được thực hiện theo quan điểm “kiên quyết, thận trọng, khách quan, toàn diện” kết hợp với phương châm “tích cực, chủ động phòng ngừa, tự bảo vệ mình là chính” là nhằm mục đích xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Vì thế, mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức Đảng các cấp, mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò và nhiệm vụ của công tác bảo vệ chính trị nội bộ theo Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay”, Quy định số 126-QĐ/TW của Bộ Chính trị về “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”, hướng dẫn số 19-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương, hướng dẫn thực hiện một số Điều trong Quy định số 126-QĐ/TW gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII; với Chỉ thị 03, Chỉ thị 05, Kết luận 01; với Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về "Việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền" và các Quy định 47, 55, 08 về nêu gương… để xây dựng Đảng. Đồng thời, cần phải tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhất là về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của người cán bộ, đảng viên chân chính gắn với việc phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm… để nhằm tự bảo vệ mình và bảo vệ tổ chức.
Công tác bảo vệ chính trị nội bộ cần được triển khai thực hiện sâu sắc, toàn diện, hiệu quả. (Trong ảnh: Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng) _Ảnh: TTXVN |
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp không chỉ phải kịp thời nắm bắt tình hình chính trị nội bộ, những vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác cán bộ, nhân sự cấp ủy… mà còn phải chủ động phối hợp và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để nắm tình hình, giải quyết những vụ, việc mới phát sinh, nhất là những cơ quan, địa phương, đơn vị có đơn, thư tố cáo, khiếu kiện kéo dài gây mất đoàn kết, thống nhất nội bộ. Việc giải quyết những vấn đề thuộc về tình hình chính trị nội bộ cần đúng quy định, đảm bảo tính minh bạch, khách quan, khoa học, tránh suy diễn chủ quan để không chỉ góp phần củng cố khối đoàn kết, thống nhất nội bộ, tạo ra được sự đồng thuận cao trong nội bộ mà còn không để cho các đối tượng xấu, cơ hội có điều kiện lợi dụng tình hình nhằm bôi đen, xuyên tạc, vu khống, kích động, gây ảnh hưởng sự ổn định nội bộ nói riêng, ổn định xã hội nói chung.
Đồng thời, cùng với việc cần phải tiếp tục củng cố, kiện toàn cơ quan bảo vệ chính trị nội bộ các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là việc phát huy hơn nữa vai trò của từng tập thể, của người đứng đầu cấp ủy trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo đảm sự lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp, toàn diện của cấp ủy trong công tác này, để công tác bảo vệ chính trị nội bộ tại mỗi tổ chức Đảng góp phần làm cho Đảng trong - sạch - vững - mạnh từ cơ sở./.
Nguồn: tuyengiao.vn
Không có nhận xét nào