Quỹ vaccine phòng COVID-19 - Sức mạnh đồng lòng
COVID-19 là dịch bệnh, nỗi lo lắng không của riêng ai nhưng nó cũng chính là phép thử của lòng tốt, của trách nhiệm, của tinh thần vì cộng đồng.
Theo tính toán của Bộ Y tế, để tiêm phòng COVID-19 cho khoảng 75 triệu người dân, dự kiến cần mua khoảng 150 triệu liều vaccine với tổng kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng. Việc xã hội hóa, vận động kinh phí mua vaccine là điều cần thiết để huy động những đóng góp mang tính thiện nguyện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để cùng với Nhà nước mua đủ số lượng vacicne và tiêm kịp thời cho người dân.
Ngày 26/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam để huy động các nguồn lực cho việc mua và sản xuất vacicne, đảm bảo an ninh vacicne của Việt Nam.
Việc cần thiết thành lập quỹ vaccine phòng COVID-19
Phát biểu tại lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng chống dịch do Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tổ chức, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức và kiều bào ở nước ngoài tùy theo khả năng của mình, ủng hộ vật chất và tinh thần cùng cả nước chiến thắng dịch COVID-19.
Theo các chuyên gia kinh tế và chuyên gia pháp lý, việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 mặc dù chưa có tiền lệ nhưng có đầy đủ cơ sở pháp lý. Đây là việc rất cần thiết, vừa hợp tình, vừa đúng thời điểm.
Ảnh: TTXVN
"Một lần và mãi mãi", chỉ có tiêm vaccine cho 75% người dân mới giải quyết tận gốc nguy cơ đại dịch COVID-19. Trong lúc nguồn ngân sách còn hạn chế, việc Chính phủ thành lập Quỹ vaccine COVID-19 là hoàn toàn phù hợp với Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Đúng luật nhưng quan trọng hơn là đúng thời điểm và hợp lòng dân. Minh chứng là ngay khi được thành lập vài ngày, quỹ đã tiếp nhận hàng nghìn tỷ đồng đóng góp từ các doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
Theo TS Trần Du Lịch, nếu chia mức thu nhập của người dân Việt Nam thành 5 mức và theo như Tổng cục thống kê, mức chênh lệch giữa 20% người dân có thu nhập cao nhất với 20% người dân có thu nhập thấp nhất là khoảng 8 lần thì chỉ cần 40% những người có thu nhập cao, có thể dư sức cáng đáng chi phí vaccine cho 60% còn lại.
Thế nên đúng luật, hợp lòng dân, cần thiết và đúng thời điểm chỉ cần hoạt động minh bạch, đúng đắn, Quỹ vaccine phòng COVID-19 hoàn toàn có cơ sở huy động đủ nguồn lực trong lúc nguy nan hiện nay.
Tại TP Hồ Chí Minh, chỉ qua 1 ngày vận động, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận về số tiền hơn 2.000 tỷ đồng. Một con số không hề nhỏ đã thể hiện rất rõ sự tin tưởng vào sự minh bạch của Quỹ.
Từ người trẻ đến người già, từ công nhân đến những doanh nghiệp lớn, chỉ sau khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh kêu gọi người dân chung tay, đơn vị đã tiếp nhận sự ủng hộ của hơn 60 cá nhân, đơn vị với số tiền ủng hộ gần 2.200 tỷ đồng. Ngay lập tức, 510 tỷ đồng đã được chuyển về Trung ương Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để kịp thời mua vaccine, sắm trang thiết bị y tế; hỗ trợ, động viên, giúp đỡ, người dân và các lực lượng đang thực hiện công tác phòng, chống dịch trên cả nước.
Ủng hộ cho Quỹ vaccine là chia sẻ gánh nặng cho đất nước. Đã có rất nhiều người Việt Nam nghĩ như vậy khi góp vào những đồng tiền mà mình dành dụm được để cùng với đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã thông báo công khai rộng rãi thông tin tài khoản tiếp nhận để các tổ chức, cá nhân thuận tiện ủng hộ. Bộ Tài chính khẳng định, toàn bộ số tiền do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện sẽ được tập trung đầy đủ, kịp thời về Quỹ vaccine phòng COVID-19 và được sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật.
Nguồn: VTV
Không có nhận xét nào