Chấn chỉnh công tác quản lý hóa đơn, thuế trên địa bàn tỉn
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn về việc chấn chỉnh công tác quản lý hóa đơn; tăng cường phối hợp quản lý thuế trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua ngành Thuế đã tập trung cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính thuế, giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế, ứng dụng công nghệ thông tin trong khai và nộp thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Luật Quản lý thuế quy định người nộp thuế tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật; doanh nghiệp có quyền phát hành hóa đơn để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập và phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian gần đây một số doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách để sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn nhằm gian lận, trốn thuế.
Để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, kịp thời ngăn chặn việc thành lập doanh nghiệp để mua bán hóa đơn trái phép, sử dụng hóa đơn không hợp pháp thu lời bất chính, trốn lậu thuế làm ảnh hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh, trật tự an ninh trên địa bàn, thất thu ngân sách nhà nước; đồng thời, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện một số nội dung sau:
Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa tăng cường công tác tuyền truyền hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế thực hiện đúng quy định của pháp luật trong chấp hành Luật Quản lý thuế, chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng hóa đơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh; nâng cao ý thức người mua hàng phải lấy hóa đơn đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật; Đẩy mạnh tiến độ triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong các doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo lộ trình của Bộ Tài chính; phấn đấu tỉnh Thanh Hóa 100% các doanh nghiệp có đủ điều kiện thực hiện được trong năm 2021; Xây dựng các phần mềm ứng dụng để quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng hóa đơn của người nộp thuế; phân tích đánh giá rủi ro trong sử dụng hóa đơn dẫn đến các hành vi gian lận trốn thuế, gian lận trong thanh toán kinh phí, vốn đầu tư của nhà nước; Thực hiện các biện pháp giám sát chặt chẽ, kịp thời đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế nhất là các doanh nghiệp có phát hành hóa đơn số lượng lớn nhưng tạm ngừng kinh doanh hoặc những doanh nghiệp đã có thông báo bỏ địa chỉ kinh doanh nhưng xin hoạt động trở lại, có doanh thu biến động lớn, sử dụng nhiều hóa đơn nhưng không phát sinh số thuế phải nộp hoặc số thuế phải nộp không tương xứng với doanh thu; những doanh nghiệp báo cáo sử dụng hóa đơn có số lượng hóa đơn sử dụng bằng không (0) hoặc lượng hóa đơn sử dụng lớn bất thường; Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an Thanh Hóa theo đúng quy định của pháp luật và Quy chế phối hợp số 3535/QCPH-CA-CT ngày 20/7/2018 giữa Công an tỉnh và Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa. Cung cấp thông tin cho cơ quan Công an xác minh xử lý hoặc chuyển hồ sơ xử lý theo quy định đối với người nộp thuế có hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn để thu lời bất chính, gian lận trốn thuế; lừa đảo, lập hồ sơ khống để chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT; in hóa đơn, đặt in hóa đơn, khởi tạo hóa đơn điện tử giả; mua, bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp; chây ỳ không nộp tiền nợ thuế vào NSNN và các tội phạm khác về thuế.
Phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan chức năng trong thực hiện “hậu kiểm” đối với các doanh nghiệp mới thành lập, nhưng phải đảm bảo tạo thuận lợi cho việc thành lập và phát triển doanh nghiệp theo chủ trương của tỉnh. Đồng thời phải kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng chủ trương phát triển doanh nghiệp của tỉnh để thành lập doanh nghiệp không nhằm mục đích phát triển sản xuất, kinh doanh mà chỉ nhằm “mua - bán” hóa đơn không hợp pháp; Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thanh Hóa trong việc thu thập thông tin liên quan đến các giao dịch tại ngân hàng, tổ chức tín dụng của các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn có dấu hiệu rủi ro cao để xử lý hoặc phối hợp chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an điều tra xử lý theo quy định của pháp luật; của các tổ chức, cá nhân có thu nhập nhận được từ các trang mạng xã hội như Google, Facebook, Youtube,..., kinh doanh thương mại điện tử (bán hàng online) để thông báo yêu cầu kê khai, nộp thuế. Trường hợp cần thiết, có thể phối hợp với các ngân hàng thương mại để truy xuất dòng tiền, thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định; Công khai thông tin về doanh nghiệp đã phát hành hóa đơn nhưng bỏ trốn hoặc tạm ngừng hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp sử dụng không hợp pháp hóa đơn trên trang Web của ngành và các phương tiện thông tin đại chúng để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật thuế; Thực hiện thanh tra, kiểm tra về thuế đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, các doanh nghiệp có “dư địa” tăng thu ngân sách, đảm bảo thanh tra, kiểm tra đúng đối tượng, có trọng tâm,...; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra để rút ngắn thời gian thanh tra, kiểm tra. Đồng thời thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện tốt mục tiêu “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”. Đối với người nộp thuế bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh thì cần rà soát, đánh giá, nếu không có rủi ro cao về thuế và sử dụng hóa đơn thì không thực hiện thanh tra, kiểm tra. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thanh tra và Kiểm toán nhà nước để xử lý chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra; Đẩy mạnh, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, đặc biệt trong công tác thanh tra, kiểm tra; không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người nộp thuế; Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức thuế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính phục vụ người nộp thuế, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư; Tiếp tục và tăng cường luân chuyển cán bộ ngành thuế. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng; ngăn chặn, xử lý nghiêm cán bộ thuế thoái hóa, biến chất, tiếp tay cho cá nhân, tổ chức trốn thuế, sử dụng hóa đơn không hợp pháp.
Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với cơ quan Thuế và các cơ quan liên quan để có biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả gây ra của hành vi mua, bán và sử dụng hóa đơn trái phép làm ảnh hưởng đến thu NSNN và môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh; Tăng cường chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế các cấp trong việc phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thuế, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Sở Kế hoạch và Đầu tư khi tiếp nhận thông tin đăng ký doanh nghiệp, cần rà soát, phối hợp với cơ quan Thuế và áp dụng biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn các trường hợp chủ doanh nghiệp đang nợ thuế bỏ địa chỉ kinh doanh để thành lập doanh nghiệp mới; cá nhân đăng ký thành lập nhiều doanh nghiệp, kinh doanh nhiều ngành nghề, đăng ký vốn điều lệ lớn, ....Yêu cầu cung cấp đầy đủ các thông tin của chủ doanh nghiệp (số điện thoại, email, địa chỉ cư trú.) khi thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trong việc cung cấp thông tin liên quan đến các giao dịch tại ngân hàng, các tổ chức tín dụng của các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn có dấu hiệu rủi ro cao khi có đề nghị phối hợp của cơ quan Thuế; cung cấp các giao dịch phát sinh của các tổ chức, cá nhân nhận được từ các trang mạng xã hội như Google, Facebook, Youtube... kinh doanh thương mại điện tử (bán hàng online) để cơ quan thuế đưa vào diện quản lý thuế, đảm bảo sự công bằng giữa kinh doanh truyền thống với kinh doanh thương mại điện tử.
Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên và các doanh nghiệp thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; góp phần làm chuyển biến nhận thức kinh doanh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt là tuyên truyền đến hội viên, doanh nghiệp trách nhiệm trong thực hiện chính sách pháp luật thuế, qua đó góp phần ngăn chặn tình trạng sử dụng hóa đơn không hợp pháp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trên địa bàn.
Chi nhánh Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa (VCCI - Chi nhánh Thanh Hóa): Tiếp nhận và tập hợp các ý kiến của các doanh nghiệp để phản ánh thông tin cho UBND tỉnh về các vấn đề liên quan đến pháp luật, chính sách kinh tế - xã hội, đặc biệt là chính sách pháp luật về thuế nhằm tạo môi trường kinh doanh thân thiện, minh bạch và năng động; phối hợp với cơ quan Thuế tuyên truyền vận động doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật, chính sách của Nhà nước, nâng cao ý thức đạo đức xã hội, tạo môi trường kinh doanh văn hóa, cạnh tranh bình đẳng.
Các, ban, ngành đơn vị cấp tỉnh, đơn vị sử dụng NSNN ngoài việc phối hợp theo đề nghị của cơ quan thuế, cần chủ động cung cấp thông tin về các trường hợp hóa đơn có dấu hiệu nghi vấn, thông báo đến cơ quan Thuế để ngăn ngừa vi phạm khi thanh toán tiền từ NSNN. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sử dụng hóa đơn không hợp pháp trong thanh toán tiền từ NSNN.
Kho bạc Nhà nước tỉnh tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát chi, nhằm ngăn chặn sử dụng hóa đơn không hợp pháp trong thanh toán vốn NSNN; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực của ngành.
Cục Quản lý thị trường tỉnh và Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban chỉ đạo 389 tỉnh): Tăng cường phòng, chống và xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc hóa đơn chứng từ không hợp pháp. Tập trung triển khai chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử, trên các trang mạng xã hội; tăng cường kiểm tra các đơn vị kinh doanh chuyển phát trên phạm vi toàn tỉnh.
Cục Hải quan tỉnh: Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra sau thông quan, chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa; nâng cao năng lực thực thi các quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ hàng hóa để nâng cao tính tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng hữu quan đấu tranh, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm cung cấp danh sách các website, các tài khoản của các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử để cơ quan Thuế đưa vào diện quản lý thuế theo quy định.
UBND các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị, phòng, ban, UBND xã, phường thường xuyên phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cơ quan thuế các cấp trong công tác quản lý thuế, đặc biệt là thông tin về hoạt động của người nộp thuế trên địa bàn; cung cấp thông tin, đề nghị cơ quan thuế kiểm tra, giám sát các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có biểu hiện kinh doanh trái pháp luật để kịp thời phát hiện hành vi vi phạm về in, phát hành, mua, bán hóa đơn không hợp pháp trên địa bàn. Cùng với việc tạo thuận lợi cho việc thành lập và phát triển doanh nghiệp mới theo chủ trương của tỉnh, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, giám sát, phát hiện và đề nghị xử lý các đối tượng lợi dụng chủ trương phát triển của tỉnh để thành lập doanh nghiệp không vì mục đích phát triển sản xuất, kinh doanh mà chỉ nhằm “mua - bán” hóa đơn không hợp pháp, trốn thuế, lậu thuế.
Nguồn: baothanhhoa.vn
Không có nhận xét nào