Yêu cầu chống dịch trong khu công nghiệp
Phương châm chống dịch COVID-19 hiện nay của Chính phủ là chuyển trạng thái từ phòng thủ sang chủ động tấn công, đề cao quyết tâm chống dịch nhưng không để đình trệ sản xuất. Yêu cầu này đặt ra, đòi hỏi công tác phòng, chống dịch phải đồng bộ, rộng khắp, trong đó các nhà máy, nhất là nhà máy ở khu công nghiệp phải hết sức khẩn trương, tập trung đầy đủ nhân lực, vật lực, với tinh thần cao nhất.
Đây được xác định là một “mắt xích yếu” rất dễ bị đứt gãy khi có dịch bệnh, vì tập trung đông công nhân, mức độ lây nhiễm cao, chỉ dừng sản xuất mới có thể ngăn chặn được dịch bệnh. Thế nhưng nếu thực hiện giãn cách trong các khu công nghiệp cũng đồng nghĩa với việc làm ngưng trệ chuỗi sản xuất đang diễn ra bình thường, kéo theo hệ lụy cho nền kinh tế và đời sống của rất nhiều công nhân.
Thanh Hóa hiện có 8 khu công nghiệp và 1 khu kinh tế với sự tham gia lao động của hàng trăm nghìn công nhân, vì thế việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch để sản xuất ổn định là yếu tố vô cùng quan trọng tại thời điểm này.
Nhấn mạnh về an toàn phòng, chống dịch trong các khu công nghiệp tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia và lãnh đạo một số tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống dịch trong các khu công nghiệp diễn ra ngày 12-5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: Xung yếu nhất trong phòng, chống dịch là bệnh viện, sau đó đến các nhà máy, xí nghiệp, đặc biệt trong khu công nghiệp. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải nỗ lực không để dịch bệnh lây lan trong khu công nghiệp.
Dù hiện nay chưa xuất hiện các trường hợp FO, F1 trong các khu công nghiệp ở Thanh Hóa, nhưng nếu chủ quan thì đây chỉ là chuyện một sớm, một chiều. Bởi trong nhà máy dù có quản lý công nhân nghiêm ngặt đến mấy, thì công nhân cũng là những người sinh sống ở nhiều địa bàn dân cư, ngoài giờ làm việc họ tiếp xúc với nguồn bệnh mà không hề biết, theo công nhân nguồn bệnh sẽ xâm nhập vào nhà máy. Chính vì vậy các nhà máy phải có giải pháp ứng phó, xây dựng các kịch bản phù hợp để vừa ngăn chặn dịch hiệu quả vừa duy trì sản xuất trong trường hợp dịch xâm nhập vào.
Thực tế cho thấy trong số bệnh nhân COVID-19 lần này có nhiều FO, F1 xuất hiện trong khu công nghiệp ở một số tỉnh phía Bắc. Cần thiết lúc này là các doanh nghiệp phải có phương án dự báo, phân luồng công nhân sản xuất và sinh hoạt trong nhà máy một cách hợp lý. Trong trường hợp chưa thể tiêm vắc-xin phòng COVID-19, thì tăng cường thực hiện “5K”, lấy mẫu xét nghiệm các công nhân đang cư trú ở những địa bàn có nguy cơ cao. Không vì lo lắng ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp mà trì hoãn dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh trên diện rộng.
Phương châm mà Bộ Y tế đưa ra trong thời gian tới là phải tiếp tục tuân thủ nghiêm những nguyên tắc đã có trong phòng, chống dịch, đó là: Ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và điều trị. Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm; tiếp tục phát huy vai trò của tổ chuyên gia phân tích diễn biến tình hình dịch; thực hiện khoanh vùng cách ly gọn nhất có thể. Một nhà máy cũng như một cộng đồng dân cư, thậm chí mức độ còn nguy hiểm hơn vì môi trường làm việc và sinh hoạt tập trung, bởi thế cần phải thực hiện các nguyên tắc này một cách đầy đủ và nghiêm túc hơn, có biện pháp phân luồng công nhân trong thời điểm vào ca, ăn trưa và tan ca.
Theo Bộ Y tế, dù đã có những chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp, nhưng nhìn chung ý thức phòng, chống dịch của chủ doanh nghiệp chưa cao. Nhiều chủ doanh nghiệp còn tư tưởng ỷ lại hoặc “khoán gọn” cho ngành y tế. Đây là những cản trở rất lớn cần phải tháo gỡ sớm không để cái sảy nảy cái ung trong khu công nghiệp.
Nguồn: baothanhhoa.vn
Không có nhận xét nào