Nghệ sĩ quảng cáo: Dễ sai khó phạt
Luật quảng cáo của chúng ta ra đời đã gần 10 năm, không theo kịp sự thay đổi của tình hình thực tế, dấn đến khó khăn trong quản lý lĩnh vực này.
Vụ việc nhiều nghệ sĩ mới đây quảng cáo tiền ảo trên trang cá nhân giống như giọt nước làm tràn ly, gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng có thể gọi là "bát nháo" của các quảng cáo trên mạng xã hội, trong đó có sự tham gia không nhỏ của các nghệ sĩ. Quảng cáo là công việc chính đáng, nhưng quảng cáo sai sự thật, nhất là với các sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng thì không chỉ phạm pháp mà còn để lại hậu quả khôn lường. Đáng nói là tình trạng này diễn ra từ lâu, song lại chưa có nghệ sĩ nào bị xử phạt. Nguyên nhân bởi những lỗ hổng trong hành lang pháp lý, và cả sự thiếu quyết liệt của các cơ quan quản lý.
Chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng qua quảng cáo, người tiêu dùng hiểu lầm là thuốc chữa bệnh, đồng thời thổi phồng công dụng, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Là những người góp phần chuyển tải thông tin sai lệch, các nghệ sĩ cũng không thể vô can. Đó là khẳng định của các luật sư dựa trên luật bảo vệ người tiêu dùng.
"Luật bảo vệ người tiêu dùng nêu rất rõ trách nhiệm của bên thứ 3 khi cung cấp thông tin hàng hóa cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Tôi nghĩ rằng có đầy đủ quy định để ràng buộc trách nhiệm của các nghệ sĩ", luật sư Nguyễn Thị Hồng Linh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Link & Partners cho biết.
Tuy nhiên, việc xử phạt lại không dễ dàng vì thiếu chế tài. Luật quảng cáo hiện tại mới quy định chủ thể trong hoạt động quảng cáo bao gồm: nhãn hàng, đơn vị làm dịch vụ và đơn vị phát hành quảng cáo. Còn các diễn viên, nghệ sĩ ở vị trí trung gian, được các đơn vị làm dịch vụ quảng cáo thuê không có quy định rõ ràng nào. Đó là chưa kể các quy định hiện hành mới chỉ áp dụng cho quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, chưa nhắc tới nền tảng mạng xã hội.
Đối với chủ đề này, ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch thường trực Hiệp hội quảng cáo Việt Nam cho hay: "Tại sao mọi người cứ làm bừa? Đó là vì hiện nay không có hành lang pháp lý để xử phạt. Không thể phạt được vì luật quảng cáo chủ yếu phạt nhãn hàng, nhưng đây lại là vi phạm trên mạng xã hội thì chúng ta chưa quản lý được".
Trên thực tế, có tới 3 cơ quan có quyền xử phạt: Bộ Y tế phụ trách nội dung quảng cáo, Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý nền tảng công nghệ, còn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý hoạt động quảng cáo và nghệ sĩ. Nhiều cơ quan dẫn đến việc quản lý phối hợp bị lúng túng, đến nay chưa xử phạt được nghệ sĩ nào.
"Đúng là sự phối hợp của chúng ta còn chưa hiệu quả để kịp thời xử phat. Sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với thanh tra Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông….", ông Phạm Cao Thái - Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trước sự phản ứng của dư luận, mới đây 1 số nghệ sĩ như Quyền Linh, Nam Thư đã gửi lời xin lỗi khán giả. Song song với việc xiết chặt quản lý, nhiều chuyên gia đề nghị cần phải xây dựng bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, để phát huy tinh thần tự giác, trách nhiệm của họ khi dùng danh tiếng của mình để quảng cáo, nhất là trên mạng xã hội.
Nguồn: VTV
Không có nhận xét nào