Bầu cử Quốc hội - lựa chọn những người xứng đáng đại diện cho nhân dân
Vào ngày Chủ Nhật (23/5), cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ được tiến hành.
Diễn ra trong thời điểm toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang triển khai thực hiện và đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, đây là sự kiện chính trị rất quan trọng của đất nước, góp phần tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu có đủ đức và tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân có ý nghĩa rất quan trọng.
Cuộc bầu cử lần này có những điểm đặc biệt nào? Người dân kỳ vọng gì về những người đại diện cho mình? Công tác chuẩn bị trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đang được triển khai ra sao?
Đó là những nội dung đã được phân tích, bàn luận trong chương trình Tọa đàm: Ngày hội non sông của Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam với sự tham gia của 2 vị khách mời:
- GS. TSKH Vũ Minh Giang – Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.
- Ông Lê Văn Cuông – Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII.
Cuộc bầu cử bước vào giai đoạn nước rút
Cuối tháng 4, Hội đồng bầu cử quốc gia đã công bố danh sách chính thức 868 người ứng cử để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội khóa XV. Đây là danh sách đã được chọn lọc kỹ lưỡng, dân chủ và theo đúng quy định của pháp luật sau 3 vòng hiệp thương.
Trong số 868 ứng cử viên Đại biểu Quốc hội, có 203 người được Trung ương giới thiệu ứng cử, và ở địa phương là 665 người, đạt tỷ lệ 1,74 người ứng cử trên 1 đại biểu được bầu, trong đó có 9 người tự ứng cử.
Về cơ cấu, 393 người ứng cử là phụ nữ, chiếm tỷ lệ trên 45%, tăng 6,31% so với khóa trước. Điều này tạo cơ sở cho việc thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ nữ trong hoạt động của Quốc hội lên 35-40%, thực hiện tốt hơn bình đẳng giới và thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn của phụ nữ trong hoạt động chính trị.
Cũng trong danh sách, có 185 ứng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm trên 21%, cao hơn so với quy định ít nhất 18%.
Cũng theo danh sách này, 74 người ứng cử là người ngoài Đảng, chiếm hơn 8,5%, được cho là điểm đáng chú ý, khẳng định tính bình đẳng trong thực hiện quyền ứng cử, không phân biệt là đảng viên hay người ngoài Đảng, chú trọng chất lượng ứng viên, để từ đó, phát huy trí tuệ và tinh thần đoàn kết của tất cả các giai tầng, thành phần trong Quốc hội.
Sau giai đoạn vận động bầu cử hiện đang được tiến hành, các ứng viên đại biểu Quốc hội sẽ được lựa chọn bằng những lá phiếu, thể hiện sự sáng suốt của cử tri vào Ngày Bầu cử - Chủ nhật (23/5).
Đến thời điểm này, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và ĐB HĐND các cấp đang bước vào giai đoạn nước rút. Những ngày vừa qua, các ứng cử viên đã gặp gỡ, tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử. Đây là giai đoạn có ý nghĩa hết sức quan trọng để người ứng cử giới thiệu, chứng tỏ với cử tri về năng lực, phẩm chất và khả năng đóng góp của mình nếu được bầu. Nói cách khác, có thể xem đây là cuộc "sát hạch" trực tiếp, trực diện của cử tri đối với người ứng cử.
Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhiều địa phương đã linh hoạt tổ chức vận động bầu cử bằng hình thức trực tuyến, tới nhiều điểm cầu. Điều mà nhiều cử tri quan tâm là người ứng cử phải có chương trình hành động cụ thể và khi đã hứa với dân thì phải bảo đảm thực hiện được lời hứa đó.
Một điểm mới nữa trong kỳ bầu cử lần này đó là công tác tổ chức bầu cử tại ba thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh có nhiều điểm khác biệt so với cả nước. Đó là việc không bầu HĐND cấp phường. Ngoài điểm khác biệt này, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh còn không bầu HĐND cấp quận. Do đó, cơ cấu, phương thức hoạt động thay đổi và cũng đòi hỏi chất lượng đại biểu hội đồng nhân dân được lựa chọn cần chọn lọc kỹ lưỡng để đáp ứng nhiệm vụ nặng nề hơn. Ghi nhận của phóng viên chúng tôi tại TP. Hồ Chí Minh - địa phương đầu tiên và duy nhất được chính thức triển khai mô hình chính quyền đô thị và không bầu HĐND cấp quận, phường.
Vai trò của Quốc hội và những quyết sách quan trọng
Hơn 75 năm đồng hành cùng dân tộc, Quốc hội Việt Nam thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Trải qua 3/4 thế kỷ, Quốc hội ngày càng hoạt động hiệu quả, nỗ lực hết sức để mọi quyền lực Nhà nước đều của dân, do dân, vì dân.
Không chỉ liên tục phấn đấu thực hiện tốt trong công tác lập pháp, giám sát mà Quốc hội nước ta còn phát hiện, đề xuất những cơ chế, chính sách mới cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trên tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao và luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Tháng 10 năm 1946, gần 10 tháng sau khi được thành lập, Quốc hội khóa đầu tiên đã phải thực hiện nhiệm vụ hết sức trọng đại. Đó là xây dựng và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của một nhà nước non trẻ vừa mới giành được chính quyền, thể hiện vai trò của cơ quan quyền lực cao nhất trong đặt nền móng xây dựng nhà nước pháp quyền. Bản Hiến pháp này cũng là cơ sở để Quốc hội bổ sung, điều chỉnh trong các bản Hiến pháp các năm 1959; 1980; 1992; 2013, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ.
Quốc hội khóa I thông qua bản Hiến pháp đầu tiên vào năm 1946
Quyết định những vấn đề lớn của đất nước là một nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội và nhiệm vụ này càng thể hiện rõ trong giai đoạn đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Bên cạnh hoạt động lập pháp diễn ra sôi động, đã bắt nhịp với tốc độ đổi mới, phát triển của đất nước, hoạt động giám sát của Quốc hội cũng được cải tiến, ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn. Thông qua giám sát, Quốc hội không chỉ tạo diễn đàn để phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân, mà còn có công cụ hữu hiệu để kiểm soát quyền lực, giữ vững định hướng phát triển và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc.
Nói về chức năng giám sát của Quốc hội không thể không nhắc tới một hoạt động quan trọng, luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri cả nước tại mỗi kỳ họp QH, đó là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Trải qua nhiều nhiệm kỳ, đã có những đại biểu Quốc hội để lại dấu ấn sâu đậm, tình cảm tốt đẹp trong lòng cử tri và nhân dân cả nước, với những phát biểu, chất vấn thẳng thắn, quyết liệt, không ngại va chạm nhưng chân thành vì cái chung, vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. Thậm chí, có những đại biểu nổi tiếng đến mức tên của họ đã được đúc kết thành câu ngạn ngữ dân gian "Nhất Ngoạn, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc".
Các địa phương lên phương án đảm bảo bầu cử an toàn thời COVID-19
Thời gian qua, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, các bộ, ngành, địa phương vừa tập trung quyết liệt cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, vừa tích cực chuẩn bị cho công tác bầu cử. Các cơ quan liên quan đã chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch tại các điểm bầu cử.
Nhiều nơi đã đưa ra những kịch bản khác nhau tùy theo diễn biến dịch bệnh, giãn tiến độ cử tri đi bầu, bỏ phiếu theo giờ, theo đợt để tránh tập trung đông người, đảm bảo khoảng cách an toàn cho cử tri khi ghi phiếu, bỏ phiếu và đứng chờ. Tất cả để Ngày bầu cử 23/5 diễn ra an toàn, thành công, thực sự là ngày hội của toàn dân, ngày hội của non sông.
Ủy ban bầu cử thành phố Đà Nẵng đã cơ bản thống nhất với kịch bản mà ngành y tế đưa ra, theo đó có 4 hình thức bầu cử, bao gồm: bầu cử tại một khu vực bỏ phiếu cố định; bầu cử cho người đang thực hiện cách ly tại nhà; bầu cử cho cử tri tại các cơ sở y tế đang điều trị COVID-19) và tổ chức bầu cử trong Khu cách ly tập trung. các điểm bầu cử thực hiện giãn cách, không tập trung đông người trong cùng một thời điểm. Đây cũng là các phương án được thành phố diễn tập.
TP. Đà Nẵng diễn tập những kịch bản khác nhau với 4 hình thức bầu cử
Ngành y tế của địa phương cũng được giao nhiệm vụ cung cấp các đồ bảo hộ, nước sát khuẩn, khẩu trang và hướng dẫn cử tri thực hiện quy trình y tế tại khu vực bỏ phiếu.
TP. Đà Nẵng đã quyết định sẽ tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho khoảng 10.000 người thuộc lực lượng phục vụ công tác bầu cử ĐBQH khóa 15 và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Thời gian lấy mẫu trong khoảng 3 ngày trước ngày bầu cử, từ ngày 20-22/5.
Trong khi đó, theo thông tin tại phiên họp của Uỷ ban bầu cử TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử với các kịch bản tùy theo tình trạng dịch bệnh, trong đó có việc chia thời gian đi bầu ra làm nhiều giai đoạn từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối để tránh tập trung đông người. Ngoài ra cũng phải tính đến kịch bản bầu cử tại các khu vực bị cách ly, khách sạn cách ly, và các các khu cách ly tập trung.
Tại thủ đô Hà Nội, nơi dịch bệnh cũng có những diễn biến mới từng ngày, nhiều phương án trong đó có việc bổ sung thêm hòm phiếu cũng đang được tính đến để đảm bảo an toàn cho việc bầu cử của cử tri.
Cuộc bầu cử lần này diễn ra trên toàn quốc nhưng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, kịch bản cho từng tỉnh, từng khu vực là khác nhau, thậm chí trong một tỉnh, điểm bầu cử này cũng khác với điểm kia. Do vậy, linh hoạt, chủ động, và tuân thủ quy định 5K sẽ góp phần tạo nên sự an toàn và thành công cho Ngày bầu cử 23/5.
Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ra sau 35 năm thực hiện đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ cho ngày bầu cử 23/5 đang được tiến hành khẩn trương, gấp rút hoàn thành.
Tuy nhiên, bầu cử không thể thành công nếu không có sự tham gia tích cực và trách nhiệm của người dân. Mỗi người dân chúng ta cần hiểu rõ quyền, trách nhiệm của mình cũng như ý nghĩa của mỗi lá phiếu để tích cực tham gia bầu cử, lựa chọn được những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Không có nhận xét nào