MKRdezign

TIN MỚI

Xử lý nghiêm hành vi “tham nhũng”, “trục lợi” trong thực hiện chính sách

 Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân nông thôn và tâm lý e ngại khi phải giải quyết các thủ tục hành chính để hưởng các chế độ, chính sách, một số cán bộ tại cơ sở đã có hành vi nhũng nhiễu, hoặc “ỉm” thông tin để thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho người thụ hưởng, gây dư luận xấu trong Nhân dân và làm “méo mó”  hình ảnh, giảm lòng tin của người dân đối với cán bộ ở cơ sở. Những hành vi vi phạm pháp luật đó phải bị xử lý nghiêm.

Xử lý nghiêm hành vi “tham nhũng”, “trục lợi” trong thực hiện chính sáchLãnh đạo xã Thượng Ninh (Như Xuân) và cán bộ thôn Đức Thắng trao đổi với phóng viên về vụ việc.

Ngày 9-4-2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó xác định vợ liệt sĩ đã tái giá là một trong số những người được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Sau khi biết về chính sách này, bà Nguyễn Thị Khoa (sinh năm 1944), trú tại thôn 2, xã Định Công, huyện Yên Định (từng có chồng là liệt sĩ Nguyễn Văn Phông, sinh năm 1944, nguyên quán xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa, hy sinh năm 1966) có nộp đơn lên xã đề nghị được hưởng chế độ vợ liệt sĩ tái giá, nhưng không làm được chế độ do thiếu hồ sơ. Lúc bấy giờ ông Nguyễn Đức Tâm (sinh năm 1963) trú tại thôn Phú Khang, xã Định Công, huyện Yên Định đang giữ chức danh phó ban chính sách xã Định Công.

Sau đó, bà Khoa đi miền Nam với con, đến tháng 3-2015 bà Khoa về có hỏi ông Tâm về chế độ của mình. Ông Tâm đã đề nghị bà Khoa lên hỏi lại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện để làm các thủ tục, hồ sơ. Bà Khoa đã lên Phòng LĐTB&XH huyện để hỏi về thủ tục và quy trình hồ sơ đối với vợ liệt sĩ tái giá. Tuy nhiên, vì thấy việc làm thủ tục rắc rối nên bà Khoa đã nhờ ông Tâm làm hộ. Trong quá trình làm thủ tục, để “nhanh được việc”, bà Khoa phải bồi dưỡng cho ông Tâm nhiều lần. Bức xúc trước cách làm nặng tính nhũng nhiễu của ông Tâm, ngày 19-3-2020, bà Khoa đã làm đơn tố cáo hành vi nhận tiền của ông Tâm khi làm chế độ cho bà. Sau khi tiếp nhận đơn của bà Nguyễn Thị Khoa, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Định đã tiến hành xác minh và ngày 9-1-2021, ông Nguyễn Đức Tâm đã bị khởi tố với tội danh nhận hối lộ.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, ngày 6-3-2015, bà Khoa có làm đơn đề nghị và nhờ ông Tâm về quê chồng bà ở xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa để làm các thủ tục, hồ sơ theo quy định. Bà Khoa có đưa cho ông Tâm số tiền 200.000 đồng để làm lộ phí đi lại và hứa khi nào làm song bà bồi dưỡng thêm. Vì là người nhà nên ông Tâm đã nhận lời làm thủ tục cho bà Khoa, sau khi hoàn thiện thủ tục hồ sơ, ông Tâm thông báo lại cho bà Khoa biết. Tuy nhiên vì hồ sơ không đầy đủ nên Phòng LĐTB&XH huyện đã trả lại hồ sơ về xã Định Công. Chờ mãi không thấy được hưởng chế độ nên bà Khoa đi hỏi những người trước đây có làm hồ sơ chế độ, chính sách thì được biết, phải “bồi dưỡng” mới làm nhanh được. Vào tháng 3-2016, bà Khoa lại đến công sở xã Định Công gặp, đưa cho ông Tâm 5.000.000 đồng và nói “cháu làm giúp bà”. Ông Nguyễn Đức Tâm đã nhận tiền. Đến ngày 20-6-2016, bà Khoa có quyết định được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Sau khi nhận chế độ, bà Khoa lại được ông Tâm gợi ý cảm ơn nên đã đến nhà ông Tâm và đưa cho ông Tâm số tiền là 800.000 đồng để cảm ơn. Sau khi biết bà Khoa có gửi đơn tố cáo mình, ngày 18-5-2020, ông Tâm đã nhờ người đem tiền trả lại cho bà Khoa và đề nghị bà Khoa rút đơn tố cáo. Tuy nhiên, ông Tâm đã phải trả giá cho những hành vi nhũng nhiễu của mình trong quá trình thực thi công vụ. Hiện vụ án đang được cơ quan điều tra Công an huyện Yên Định tiếp tục điều tra, làm rõ.

Cũng với cách thức lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con dân tộc thiểu số về việc thụ hưởng các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, cán bộ chính sách UBND xã Thượng Ninh, huyện Như Xuân đã “ỉm” tiền chế độ theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ khiến cho dư luận địa phương bất bình.

Ngày 21-7-2020, qua công tác nắm tình hình, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Như Xuân nhận được tin báo tội phạm về vụ việc tham ô tài sản xảy ra tại xã Thượng Ninh. Sau khi tiếp nhận nội dung tin báo, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện đã tiến hành xác minh.

Kết quả xác minh ban đầu cho thấy: Năm 2018, UBND xã Thượng Ninh thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Qua rà soát, có 297 hộ dân, với 1.280 nhân khẩu trên địa bàn được thụ hưởng chính sách, với tổng kinh phí hỗ trợ là 1.280 khẩu x 80.000 đồng/khẩu = 102.400.000 đồng. Trong quá trình thực hiện chi trả số tiền hỗ trợ này, lãnh đạo UBND xã Thượng Ninh đã giao cho bà Lê Thị Huệ, thủ quỹ UBND xã lúc bấy giờ thực hiện chi trả trực tiếp cho các hộ dân.

Cho đến cuối năm 2019, UBND xã Thượng Ninh nhận được phản ánh của ông Bùi Văn Thực, trưởng thôn Đồng Thanh về việc 11 hộ dân ở thôn Đồng Thanh không nhận được tiền chính sách hỗ trợ theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg với số tiền là 3.760.000 đồng. UBND xã đã tiến hành rà soát ở các thôn về việc cấp phát tiền chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg. Kết quả rà soát gây bất ngờ vì sự việc không chỉ xảy ra ở thôn Đồng Thanh mà một số người dân ở các thôn khác cũng không biết gì về khoản tiền chính sách mình được thụ hưởng, trong khi trên giấy tờ đã có tên và chữ ký của mình?! Theo kết quả rà soát của UBND xã, số đối tượng chưa được nhận tiền hỗ trợ theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg năm 2018 có tới 60 hộ, với số tiền là 22.160.000 đồng (trong đó ở thôn Minh Đức, Đức Thắng, Đồng Thanh, Xuân Thượng); số hộ đã được nhận tiền chi trả nhưng chưa đủ theo mức quy định có 93 hộ với số tiền là 6.994.000 đồng (trong đó có thôn Đồng Minh, Đồng Sòng, Tiến Thành).

Tại buổi làm việc với cơ quan công an, các ông Phùng Văn Tiến, nguyên chủ tịch UBND xã và ông Lê Hữu Nghĩa, nguyên kế toán UBND xã đều cho biết bản thân không tham ô, vụ lợi số tiền này, mà để xảy ra các vi phạm là do tin tưởng, giao việc cấp phát trực tiếp số tiền đến các hộ dân cho bà Lê Thị Huệ, là thủ quỹ của UBND xã lúc bấy giờ. Qua kiểm tra chứng từ do bà Huệ cung cấp thấy vẫn có đầy đủ chữ ký của các hộ nhận tiền nên đã thiếu kiểm tra, rà soát. Hiện nay bà Lê Thị Huệ đã bỏ đi khỏi địa phương. Vụ việc đã được cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Như Xuân khởi tố và đang trong quá trình tiếp tục điều tra.

Để khắc phục sự việc, sau khi có kết quả rà soát, UBND xã Thượng Ninh đã cấp số tiền còn thiếu, còn sót theo kết quả rà soát, nguồn kinh phí do ông Phùng Văn Tiến, nguyên chủ tịch UBND xã và ông Lê Hữu Nghĩa, nguyên kế toán UBND xã chi trả bằng tiền cá nhân là 29.181.000 đồng. Đồng thời, ông Nguyễn Xuân Nhân, Chủ tịch UBND xã Thượng Ninh cho biết, xã đã chấn chỉnh công tác cấp phát tiền chi trả, khi thực hiện việc chi trả phải có sự giám sát chặt chẽ, thực hiện theo đúng quy định, quy trình, đồng thời, xã đã triển khai đến các thôn để cấp phát cho mỗi hộ dân được thụ hưởng một cuốn sổ để người dân giám sát được các chế độ, chính sách, số tiền mình được hưởng và ký nhận, qua đó hạn chế tình trạng thất thoát.

Mặc dù số tiền thiệt hại trong những vụ án trên không nhiều, nhưng hệ lụy để lại không hề nhỏ, bởi nó làm suy giảm niềm tin của người dân với chính quyền cơ sở, vào đội ngũ cán bộ từ cơ sở, giảm lòng tin vào chế độ. Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 đã quy định ngày càng chi tiết, cụ thể hơn các hành vi tham nhũng và đã được cụ thể hóa trong các văn bản hướng dẫn. Vì vậy, những hành vi nhũng nhiễu, dù là tham nhũng “vặt” vẫn phải được xử lý nghiêm minh.

Nguồn: baothanhhhoa.vn

Không có nhận xét nào