Đòn tâm lý của quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội
Không phải tự dưng những thước phim quảng cáo TPCN xuất hiện thường xuyên, bất chấp sự khó chịu từ người xem bởi tất cả đều là đòn tâm lý của các doanh nghiệp.
Đang yên đang lành, những đoạn quảng cáo về công dụng của các loại thực phẩm chức năng cứ thế xuất hiện thách thức sự kiên nhẫn của người xem. Nhưng bỏ cái này, lại có cái khác.
"Đa số sẽ thấy khó chịu và chính bản thân em cũng thấy khó chịu" - Anh Nguyễn Việt Tiến (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.
PGS.TS Phạm Mạnh Hà, chuyên gia tâm lý cho rằng: "Con người chúng ta thì rất dễ dàng bị dẫn dắt bởi cảm xúc khi chúng ta xem trên các phương tiện truyền thông. Và nếu thông tin ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần, nhiều ngày, nhiều tháng thì từ chỗ nghi ngờ cho đến chỗ tin theo và làm theo".
Để củng cố cho niềm tin ấy và khiến thượng đế móc hầu bao, nhiều chiêu trò đã được thực hiện. Từ thuê diễn viên đóng thế đến thuê người nổi tiếng, rồi sử dụng cả bác sĩ để quảng cáo sản phẩm.
Khen ngợi sản phẩm như thể đã nghiên cứu từ lâu dù chỉ mới được nhìn thấy sản phẩm.
Sau khi ký hợp đồng, vị bác sĩ ngay lập tức bắt tay vào việc. Hết lời khen ngợi như thể đã nghiên cứu sản phẩm từ lâu nhưng thực tế… mới chỉ vài phút trước, vị này mới được nhìn thấy và nếm thử sản phẩm. Kịch bản tương tự cũng diễn ra với người nổi tiếng.
Chẳng rõ nghệ sĩ này có từng bị u xở tử cung không nhưng chắc chị chưa từng dùng sản phẩm này vì còn không biết cầm sao cho đúng…
Theo tiết lộ của những người trong cuộc, người bình thường đóng giả bệnh nhân sẽ được trả chi phí vài trăm nghìn đồng 1 lần quảng cáo. Giá thuê bác sĩ, chuyên gia sẽ gấp khoảng 20 - 50 lần tuy chức danh. Còn riêng người nổi tiếng, số tiền cát xê có thể cao gấp 300 lần người bình thường. Doanh nghiệp sẵn sàng chi đậm, không ngoài một mục tiêu:
"Họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận, họ sẽ luôn luôn tìm những thủ đoạn, những cách thức khác nhau để đánh vào lòng tin của người tiêu dùng. Ví dụ như mời những người nổi tiếng. Thứ hai là những người dân chất phát, người dân bình thường thì lại càng làm cho người dân khác người ta thấy rằng những người giống như mình, những người hoàn cảnh giống như mình mà người ta chữa khỏi thì rõ ràng đây chính là sự lừa đảo" - Chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh.
Lừa đảo lòng tin của người tiêu dùng. Lừa đảo đạo đức nghề nghiệp của bản thân, đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp và đáng phê phán nhất là lừa đảo trên nỗi đau, nỗi tuyệt vọng của những người đang cần được chữa bệnh.
Nguồn: VTV
Không có nhận xét nào