TRÀN LAN PHIM GIANG HỒ TRÊN MẠNG: THANH NIÊN THI NHAU BẮT CHƯỚC CẦM DAO PHÓNG RA NGOÀI ĐƯỜNG
Thời gian gần đây, nhiều vụ hỗn chiến được mô tả là “như trong phim xã hội đen trên mạng” của những thanh niên mới lớn ngoài đời thực khiến nhiều người giật mình.
Trên mạng đang tràn lan hàng loạt web-drama, những bộ phim có đề tài giang hồ, xã hội đen do Việt Nam sản xuất. Nhiều phim chiếm được vị trí cao ở bảng xếp hạng top trending (xu hướng thịnh hành) của YouTube, chứng tỏ dù đã xuất hiện từ mấy năm gần đây song sức nóng của đề tài này vẫn chưa hề giảm. Điều đáng báo động là hầu như bất cứ khán giả ở lứa tuổi nào cũng có thể xem được các phim này.
Từ năm 2018 đến nay, web- drama đề tài giang hồ, xã hội đen rầm rộ ra mắt trên các nền tảng trực tuyến. Những Thập tam muội, Thiếu niên ra giang hồ, Vi Cá tiền truyện, Người trong giang hồ, Trật tự mới, Giang hồ chợ Mới, Ông trùm, Dẹp loạn giang hồ, Chết thì chịu, Thợ săn giang hồ, Thập tứ cô nương... thu hút hàng triệu người xem. Có thời điểm, trong số những video lọt Top Trending YouTube, nếu không phải là của những thanh niên cởi trần, xăm trổ, lối sống trác táng như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền..., thì cũng là những web drama và phim ca nhạc về giang hồ, xã hội đen. Những từ khóa #đạica, #gianghồ phổ quát trên diện rộng khiến nhiều nghệ sĩ, nhà làm phim từ chuyên nghiệp đến chưa có tên tuổi đua nhau lao vào sản xuất tác phẩm đề tài này. Thậm chí họ làm sản phẩm để hơn thua nhau về độ phủ sóng (viral) nhằm kiếm danh tiếng, lợi nhuận thông qua quảng cáo và lượt tương tác.
Mô típ các phim nhìn chung là na ná nhau khi đều có những câu chuyện thanh trừng, đánh đấm của thế giới ngầm, các cảnh băng nhóm hỗn chiến với súng, dao, bạo lực, và tràn ngập những nhân vật xăm trổ, những câu nói suồng sã, chợ búa; có nhân vật “anh chị đại” theo kiểu “người hùng” nghĩa hiệp, vượt lên nghịch cảnh, gây ngộ nhận cho khán giả trẻ, khiến họ thấy hay ho, học hỏi.
Đáng nói, một số giang hồ thứ thiệt cũng thích làm phim, như Đường Nhuệ vừa bị bắt và bị khởi tố, cũng lên màn ảnh với các phim bạo lực, xã hội đen như Chạm mặt giang hồ 1, 2; Luật lệ giang hồ; Tỉ phú đè đại gia, Gangster - Gã giang hồ... Ngoài đời, Đường Nhuệ vi phạm pháp luật nhưng trên phim thì như một "anh hùng" được kính nể khi được đạo diễn cho xuất hiện ở những phân đoạn quan trọng. Trước khi lưỡi dao của ai đó được hạ xuống để tiêu diệt kẻ yếu thế hơn thì nhân vật do Đường Nhuệ đóng lại có mặt để phân tích phải - trái, đạo lý làm người. Hay tay giang hồ Phú Lê cũng tự đầu tư, sản xuất 2 phần phim Chạm mặt giang hồ chiếu trên YouTube với “hình tượng” nhân vật giang hồ nhưng giàu lòng vị tha, luôn nghĩ đến anh em, hiếu thảo với mẹ (!).
Hiện tại bộ phim Bi Long đại ca đang “hot” nhất trên mạng khi liên tục đứng vị trí số 1 Top Trending YouTube Việt Nam mỗi khi tung ra tập phim mới (hiện tập 7 vừa phát hành ngày 26.2 đã có 5 triệu lượt xem, xếp trên các MV ca nhạc của các ca sĩ nổi tiếng khác).
Quá nhiều phim được tung ra và cứ thế, "vũ trụ giang hồ" trong phim chiếu mạng hình thành, thu hút cả nghệ sĩ tên tuổi lẫn các nhóm làm phim trẻ, các YouTuber trẻ. Hiện tại, không dừng lại ở các phim về thế giới băng đảng “đại ca giang hồ người lớn”, trên mạng lại tiếp tục nổi lên hàng loạt phim giang hồ chốn học đường, với những nhân vật chính là học sinh - sinh viên, thanh thiếu niên: Lớp trưởng tôi là đại ca, Bạn trai tôi trùm trường, Bạn gái tôi trùm trường, Cô giáo tôi là trùm cuối, Thiếu gia đi học, Đại ca đi học, Con nhà giàu đi học, Giang hồ đi học, Giang hồ học đường, Đại ca giang hồ học đường, Trùm trường đại chiến…
YouTube sẽ trả cho chủ nhân của kênh tùy vào lượng người xem tại khu vực nhất định trên thế giới với khoảng 0,3 - 4 USD (tương đương 7.000 - 93.000 đồng) cho 1.000 lượt xem, hiển thị. Nếu ứng với 1 tập phim có 100 triệu view thì một nhà sản xuất - nghệ sĩ có thể nhận ít nhất 30.000 USD từ riêng YouTube, chưa kể những nguồn thu khác. Đó là lý do nhiều nghệ sĩ, nhà sản xuất lao vào làm web-drama đề tài xã hội đen khi trào lưu này đang “hot”. Thậm chí những phim có chủ đề về giang hồ, xã hội đen, bạo lực, chém giết... còn giúp nhiều nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ được vinh danh khi nhận được nút vàng của YouTube.
Không phủ nhận tính giải trí cao của một số web-drama đề tài xã hội đen, giang hồ, thế nhưng việc xuất hiện quá nhiều và tràn lan các sản phẩm này trên mạng có thể đã vô tình cổ vũ việc sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề, nhất là với giới trẻ, thanh thiếu niên, thậm chí thiếu nhi, vì quá dễ dàng để truy cập, tìm xem.
Khán giả Ngọc Huệ, là phụ huynh của một bé trai đang học lớp 5, chia sẻ câu chuyện của mình: “Tôi không thể tin vào tai của mình khi con tôi sau khi đi “đánh lộn” với mấy đứa trẻ trong xóm, bị tôi phạt thì nói: “Vì tình nghĩa huynh đệ, sống vì anh em chí cốt (là mấy đứa nhỏ thân hơn của nó), con không có gì sai khi đứng ra bảo kê, đánh chém (bằng cây gậy gỗ) những đứa chơi trò xấu xa, bẩn thỉu, chuyên làm hại bạn bè”. Hỏi ra mới biết thời gian qua, con tôi đã xem quá nhiều phim đánh nhau trên mạng theo kiểu giang hồ và lậm suy nghĩ đó. Tôi biết trách nhiệm của tôi phải quan tâm sâu sát đến con hơn nữa, phải kiểm soát con xem phim trên YouTube, nhưng thiết nghĩ các nhà làm phim nên hạn chế đề tài này bởi hậu quả quá khó lường cho trẻ nhỏ. Hiện giờ ra đường, chỉ cần va quệt xe, đã có thể thấy lớn tiếng đánh nhau, thậm chí dùng dao đâm chém”.
Việc có nhiều nghệ sĩ, giang hồ làm phim bạo lực thế này không sớm thì muộn sẽ ảnh hưởng đến khán giả, nhất là người trẻ. Bởi xu hướng bắt chước của giới trẻ rất cao, nhất là trào lưu này đang nổi
NSƯT Tuyết Thu hiện có hai con đang học lớp 10 và 11, cho biết: “Việc có nhiều nghệ sĩ, giang hồ làm phim bạo lực thế này không sớm thì muộn sẽ ảnh hưởng đến khán giả, nhất là người trẻ. Bởi xu hướng bắt chước của giới trẻ rất cao, nhất là trào lưu này đang nổi. Tôi không thể cấm con xem phim khi thế giới internet đang phổ cập rộng rãi, nên cũng ráng ngồi xem cùng để phân tích cái đúng - sai trong mỗi tình tiết cho con hiểu, xem như đó là một bài học để không sai lầm trong cuộc sống; nhưng thú thật là có mấy phụ huynh có thời gian làm được chuyện đó. Vì thế, tôi mong các nghệ sĩ chọn lựa đề tài làm phim này có ý thức hơn về trách nhiệm cộng đồng, nhất là với những tác động sẽ có đối với trẻ em vị thành niên”.
Bà Bích Liên, chủ rạp Mega GS, nhà sản xuất nhiều phim truyền hình, nói thêm: “YouTube đang đánh mạnh khâu bản quyền, nhưng ở nội dung bạo lực có đến giới trẻ, YouTube chưa thật sự thắt chặt, vì thế vẫn có nhiều sản phẩm, phim web-drama giang hồ phát hành”.
Đạo diễn Nguyễn Phương Điền bức xúc: “Có thể thấy sự khác nhau rõ ràng quá phi lý giữa việc quản lý, kiểm duyệt phim trên truyền hình, phim chiếu rạp với phim chiếu mạng hiện nay. Chúng tôi với ý thức làm phim phục vụ cho nhiều đối tượng khán giả xem qua ti vi thì tất nhiên không chọn chủ đề xã hội đen, giang hồ, hoặc nếu có làm thì luôn có sự kiểm soát để tiết chế không quá bạo lực, gây hệ lụy cho tuổi nhỏ. Tuy nhiên, phim trên mạng lại khác, nhà làm phim tự do tạo nên tác phẩm theo ý thích của mình mà chưa có sự kiểm duyệt chặt chẽ”.
Hiện tại, quy định về những nội dung được sản xuất và quảng bá trên internet vẫn có trong Nghị định số 158/2013/NĐ-CP và 06/2016/NĐ-CP. Tuy nhiên, việc quản lý các phim chiếu mạng còn gặp nhiều lúng túng và khó khăn khi các sản phẩm phim giang hồ chọn cách phát trên nền tảng YouTube - một đơn vị nước ngoài.
Nhà sản xuất - diễn viên Trương Ngọc Ánh nêu ý kiến: “Khi luật chưa chặt chẽ hoặc chưa có giải pháp nào giải quyết triệt để thì cần phải nói đến trách nhiệm cộng đồng của nghệ sĩ trong việc làm ra những phim chiếu mạng. Chỉ khi nào tác phẩm có tính giáo dục, thẩm mỹ thì mới có giá trị. Bản thân nghệ sĩ phải nhận thức được vai trò định hướng tích cực cho khán giả bằng việc tiết chế các pha đâm chém, bạo lực trong phim với liều lượng phù hợp, chứ không thể người này làm thì mình cũng chạy theo, gây ảnh hưởng vô cùng lớn đến lối sống, tư duy của giới trẻ hiện giờ”.
Nguồn: thanhnien.vn
Không có nhận xét nào