"Núp bóng" cửa Phật để trục lợi tâm linh qua mạng
Bất chấp lừa đảo, mạo danh nhà chùa và các sư thầy, những đối tượng vẫn đang ngày đêm "núp bóng" cửa Phật để trục lợi bất chính.
Thời đại công nghệ 4.0 đã giúp con người rất nhiều điều trong cuộc sống. Tuy nhiên, kết nối mạng ngày càng phát triển thì đó cũng là một trong những cơ hội để kẻ xấu lợi dụng và trục lợi từ lòng tin của con người. Lợi dụng thời điểm cuối năm hay đầu năm mới, khi người dân thường dành thời gian đến các khu tâm linh lễ Phật, cầu mong xua đi những vận hạn đen đủi, có một năm bình an, hanh thông đến với bản thân và gia đình, nhiều đối tượng đã đánh vào sự cả tin này để trục lợi bất chính.
"Lừa đảo tâm linh qua mạng"
Anh Nguyễn Văn Thịnh (Nho Quan, Ninh Bình) thường xuyên nhận được những tin nhắn, cuộc gọi của một tài khoản Facebook hoặc Zalo có tên Ngọc Hân nói về việc gia đình anh sẽ gặp một đại hạn trong tương lai và chào mời làm lễ cầu an, mua vòng tay đã được trì chú.
"Nghe thấy chùa Bái Đính thì mọi người cũng gửi tiền cho cô đó. Khi gửi tiền xong thì có gọi lại cho cô đó nhưng không liên lạc được" - anh Nguyễn Văn Thịnh cho hay.
Các đối tượng xấu thường lập những tài khoản mạng xã hội giả rồi lấy danh nghĩa là người nhà chùa, dùng thủ đoạn bói toán, tâm linh để người dân hoang mang, lo lắng và dễ sa vào lời chào mời của chúng.
Từ những lời dụ dỗ, sự cả tin và một niềm tin vào tâm linh rằng bản thân và gia đình sẽ được thần linh che chở, phù hộ chỉ thông qua những vật phẩm tượng trưng, tai ương thì chưa thấy đâu nhưng mất tiền đúng là vận hạn nhìn thấy rõ.
Lòng tốt cùng với mong muốn những điều tốt đẹp, may mắn và bình an đến với bản thân và gia đình, nhưng sự cả tin và thiếu thận trọng chính điều đó đã trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ xấu lừa đảo tâm linh qua mạng xã hội.
Trong quá trình ê-kíp phóng viên tìm hiểu, hiện nay chỉ riêng tại Ninh Bình có khoảng 3 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này. Chưa kể các nhóm nhỏ được tách ra và hoạt động nhỏ lẻ từ các thành viên cũ. Chiêu thức hoạt động tinh vi, liên tục được đào tạo, huấn luyện các kỹ năng tư vấn, nhằm đánh gục khách hàng. Qua các nguồn thông tin, phóng viên cũng đã liên hệ với một thành viên cũ đã từng tham gia vào công việc nhân viên bán hàng của một trong các tổ chức trên để tìm hiểu rõ hơn những thủ đoạn, cách thức mà các đơn vị này dùng để lừa đảo lòng tin người dân, nhằm trục lợi kinh doanh.
Hàng nghìn tài khoản giả mạo đã được lập ra với mục tiêu "không con cá nào bị lọt lưới", và với niềm tin tâm linh của người dân, trong khoảng 3 năm qua, hàng nghìn người đã trở thành miếng mồi ngon béo bở cho các đối tượng này lừa đảo. Nhà chùa cũng chỉ biết giải thích khi có ý kiến phản ánh tới, còn thanh danh của chùa và các trụ trì thì hàng ngày, hàng giờ vẫn bị lợi dụng để bị trục lợi bất chính.
Lên tiếng để chấm dứt tình trạng trục lợi tâm linh qua mạng
Liên tục nhận được những phản ánh, Thượng toạ Thích Minh Quang - Phó trụ trì chùa Bái Đính cũng đã không ít lần phải tự mình lên tiếng đính chính.
Những món đồ không rõ nguồn gốc theo chân những kẻ lừa đảo, trong trang phục phật tử trà trộn vào các buổi lễ tụng kinh, cầu quốc thái dân an được chùa tổ chức đều đặn vào mùng 1 và ngày rằm. Vô hình chung, hình ảnh của buổi lễ, của nhà chùa và sư trụ trì bị lợi dụng để thần thánh hóa cho các món đồ này.
Luật sư Nguyễn Văn Hà - Văn phòng Luật sư Hà Lan và Cộng sự cho biết, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 đã có 2 điều khoản rất rõ ràng:
Theo điều 174 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: nếu mức tiền lừa đảo dưới 2 triệu nhưng đã bị xử phạt hành chính thì vẫn bị truy tố hình sự theo quy định của pháp luật.
Theo điều 175 quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: nếu hành vi chiếm đoạt từ 4 triệu trở lên thì sẽ bị khởi tố hình sự theo quy định của pháp luật.
Bất chấp lừa đảo, mạo danh nhà chùa và các sư thầy, những đối tượng này vẫn đang ngày đêm "núp bóng" cửa Phật để trục lợi bất chính.
Nguồn: VTV
Không có nhận xét nào