'Người dân có thể không cần hộ khẩu giấy từ 1/7'
Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng, hoàn thiện vào tháng 7 tới đây sẽ giúp các cơ quan giải quyết nhiều loại thủ tục không cần hộ khẩu giấy.
Bộ Công an vừa khai trương dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giai đoạn một, VnExpress phỏng vấn Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), về dự án này.
- Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hiểu như thế nào, thưa ông?
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam, như họ tên, giới tính, quê quán, dân tộc, tôn giáo, tình trạng hôn nhân, nơi ở hiện tại, nhóm máu, số định danh cá nhân... Các thông tin này được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ và quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Đây là hệ cơ sở dữ liệu duy nhất và đặt tại Trung tâm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an, kết nối đồng bộ đến công an các địa phương. Yêu cầu với hệ cơ sở dữ liệu này là "đúng, đủ, sạch và sống", nghĩa là nó phải luôn được cập nhật. Hôm nay công dân ở Thanh Hóa, ngày mai chuyển đến thường trú tại Hà Nội, thì trường thông tin về "nơi ở hiện tại" phải được cập nhật.
Về quy mô, đây là dự án lớn nhất từ trước đến nay mà Bộ Công an được giao đảm nhiệm, triển khai thu thập thông tin rộng khắp từ Trung ương đến cấp xã, phường, từ các nguồn như sổ sách quản lý về cư trú, tàng thư hồ sơ hộ khẩu, tàng thư căn cước công dân, cơ sở dữ liệu về cư trú, cơ sở dữ liệu căn cước công dân..., và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.
- Dự án đã triển khai đến giai đoạn nào?
- Dự án đã cơ bản hoàn thiện giai đoạn đầu của việc đầu tư hạ tầng, lắp đặt hệ thống trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ từ Trung ương tới địa phương; đồng thời, thu thập thông tin cư dân với trên 95% dân số.
Dự án cũng bước đầu thí điểm chia sẻ, kết nối từ Trung tâm của Bộ Công an với các địa phương như TP Hà Nội, TP HCM, Hòa Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hưng Yên, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Đà Nẵng và một số bộ ngành, để phục vụ làm thủ tục hành chính.
Ở giai đoạn hai, dự án sẽ tiếp tục thu thập, hoàn thiện dữ liệu dân cư; kết nối với dự án Căn cước công dân, chia sẻ toàn bộ dữ liệu với các bộ ngành, địa phương. Dự kiến giai đoạn hai sẽ về đích vào 1/7.
- Lợi ích từ dự án này với người dân là như thế nào?
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ là cơ sở cho "cuộc cách mạng" cải cách hành chính, hướng tới Chính phủ điện tử và phục vụ người dân một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất.
Đây là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, khắc phục tình trạng phải sử dụng nhiều giấy tờ cá nhân khi đi giải quyết thủ tục hành chính hiện nay.
Chúng ta hình dung một người dân có số định danh cá nhân cùng thông tin "đúng, đủ, sạch và sống" trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thì mã số đó sẽ là "chìa khóa" để mở ra các trường thông tin về người dân này. Khi đó, các cơ quan sẽ tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu để giải quyết các thủ tục hành chính, thay thế cho việc người dân phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các loại giấy tờ liên quan. Qua đó, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của mọi người.
Khi dự án được hoàn thiện, tất cả giấy tờ thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu được bãi bỏ, thay thế. Việc đi xin xác nhận lý lịch, giao dịch nhà đất, xin học cho con..., sẽ không cần đến hộ khẩu giấy nữa.
Theo tính toán của Văn phòng Chính phủ, dự án này đi vào hoạt động có thể tiết kiệm được 4.000 tỷ đồng mỗi năm trên toàn quốc, do không phải in ấn, photo, nộp các giấy tờ. Ngoài ra, con số tiết kiệm chi phí đi lại, công sức, thời gian của người dân cũng rất lớn.
- Như vậy cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp bỏ sổ hộ khẩu giấy?
- Bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu giấy là mục tiêu quan trọng nhất của dự án này. Nói cách khác, việc hoàn thành dự án này là điều kiện đủ để bỏ sổ hộ khẩu giấy. Với tiến độ hiện nay, chúng tôi dự kiến đến 1/7 có thể hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giai đoạn hai và vận hành một cách đồng bộ.
Theo Luật Cư trú (sửa đổi), Việt Nam sẽ tiến tới bỏ quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu giấy vào năm 2022. Tuy nhiên, từ 1/7 tới đây, thông qua dự án này, người dân đã có thể không cần phải cầm quyển sổ hộ khẩu giấy đi giao dịch, vì tất cả thông tin cư trú được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Mỗi công dân có một mã số định danh, một tệp hồ sơ riêng, cảnh sát chỉ cần tra họ tên trên máy tính để xem xét, hoàn thiện hồ sơ. Thậm chí người dân có thể ngồi tại nhà khai báo thủ tục cư trú trực tuyến. Ví dụ, bạn đang ở phường này đến thường trú ở phường khác, cán bộ chỉ cần cập nhật trên hệ thống và giải quyết hồ sơ, thủ tục trên môi trường mạng.
Tuy nhiên, cần hiểu rằng bỏ hộ khẩu giấy không có nghĩa là bỏ quản lý cư trú, mà chỉ chuyển thừ hình thức thủ công, bằng giấy sang điện tử.
Vì vậy, người dân cần tự giác khai báo khi có thay đổi liên quan đến cư trú, thay đổi các dữ liệu cá nhân như tình trạng hôn nhân..., để làm sao các trường thông tin về mỗi người trên hệ thống đều chính xác. Ví dụ công dân khi kết hôn phải thông báo để các cơ quan chức năng cập nhật lên hệ thống, nếu không thông báo, sau này có vướng mắc về thủ tục thì người dân phải chịu trách nhiệm.
Bộ Công an đã trang bị máy vi tính cho cán bộ các cấp để phục vụ việc cập nhật thông tin. Người dân đến thông báo nội dung thay đổi chỉ cần mang căn cước công dân.
- Các bộ ngành, địa phương có thể sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như thế nào?
- Dữ liệu này không chỉ phục vụ riêng cho lực lượng Công an mà tiến tới dùng chung, kết nối với các Bộ, ngành và địa phương trên toàn quốc. Hệ thống dữ liệu cũng không dừng lại ở các trường thông tin cơ bản mà sẽ mở rộng, tích hợp thêm thông tin bảo hiểm, ngân hàng, bằng lái xe... của mỗi người dân. Ví dụ anh vi phạm giao thông, cảnh sát có thể tra cứu ngay họ tên, tình trạng bằng lái, trước đây đã vi phạm lần nào chưa?
Nói như vậy không có nghĩa là bất cứ cơ quan nào cũng được quyền khai thác dữ liệu cá nhân. Thông tin của công dân trong hệ thống này được đảm bảo an toàn, bảo mật tuyệt đối.
Việc khai thác thông tin chỉ khi nhằm phục vụ nhu cầu quản lý Nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính của người dân. Nghĩa là các cơ quan được khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, không được khai thác các dữ liệu khác ngoài phạm vi. Việc khai thác thực hiện thông qua các hình thức như kết nối mạng viễn thông, mạng máy tính hoặc có văn bản yêu cầu và được sự cho phép của cấp có thẩm quyền.
- Hiện khoảng 70% người dân sống ở khu vực nông thôn, miền núi là những nơi khó tiếp cận công nghệ thông tin. Vậy đâu là giải pháp để đảm bảo mọi người dân hưởng lợi thông qua dự án này?
- Số lượng công dân sở hữu điện thoại thông minh trên toàn quốc đang ngày càng tăng lên, đây là điều kiện thuận lợi để mọi người đều có thể tiếp cận với các dịch vụ công điện tử.
Trong quá trình xây dựng dự án, Bộ Công an cũng đã cấp cho các cán bộ công an cấp xã, phường làm công tác quản lý cư trú mỗi người một điện thoại thông minh để đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ để thu thập thông tin, hỗ trợ và vận động người dân thực hiện các thủ tục hành chính liên quan.
Bộ Công an cũng đang xây dựng quy trình phản hồi, gửi thông tin tới người dân thông qua dich vụ nhắn tin trên mạng, thay vì thông báo bằng giấy viết tay, giấy hẹn như hiện nay. Như vậy đảm bảo mọi người dân sẽ được tiếp cận với công nghệ, được thông báo một cách sớm nhất mà không bị hạn chế bởi khoảng cách địa lý.
Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2015 với tổng số vốn hơn 3.000 tỷ đồng; khai trương hôm 25/2.
Nguồn: vnexpress.net
Không có nhận xét nào