MKRdezign

TIN MỚI

Bài cuối: Những hoạt động chống đối với chiêu bài cũ rích!

Lợi dụng việc Trần Huỳnh Duy Thức tuyên bố “tuyệt thực”, các thế lực phản động trong và ngoài nước đã đẩy mạnh các hoạt động chống Đảng và Nhà nước Việt Nam. Để củng cố luồng thông tin này, nhiều người gắn mác đấu tranh cho dân chủ đã tích cực đăng tải, chia sẻ trên các trang mạng xã hội, blog, fanpage facebook như “Tranfami.wordpress.com”, “Trần Huỳnh Duy Thức”, “Tiếp sức tuyệt thực”, “Free THD Thức”... 

Về hình ảnh, số đối tượng chống đối trong và ngoài nước giương khẩu hiệu “free Thức”, “Thả tự do cho Thức”, “Trần Huỳnh Duy Thức vô tội” . Một số còn tán phát “Thư khẩn về tính mạng của Trần Huỳnh Duy Thức” kêu gọi tổ chức quốc tế “xã hội dân sự”, cộng đồng mạng tìm hiểu, lên tiếng..., gây sức ép chính quyền Việt Nam trả tự cho Trần Huỳnh Duy Thức.

Trong số đó, đáng chú ý có facebok của Bạch Hồng Quyền, đối tượng đang bị truy nã lẩn trốn ở nước ngoài đã thường xuyên đăng tải các thông tin về việc “tuyệt thực” của Trần Huỳnh Duy Thức. Trước đó, đối tượng này bị truy nã về hành vi gây rối trật tự công cộng. Đối tượng Quyền được xác định là kẻ chủ mưu, kích động vụ 2.000 người dân mang băng rôn, khẩu hiệu đến UBND huyện Lộc Hà khiếu nại bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển vào năm 2017. Sau khi hành vi phạm tội bị phát hiện, Bạch Hồng Quyền với sự giúp đỡ của một số thế lực thù địch đã nhanh chân bỏ chạy ra nước ngoài. Một kẻ sống lưu vong, lại đang có lệnh truy nã thì liệu lời nói của anh ta có đáng tin cậy?

Cùng với đó, một số cơ quan ngoại giao nước ngoài cũng đề nghị Việt Nam trao đổi, cung cấp thông tin Trần Huỳnh Duy Thức “tuyệt thực”; đề nghị bố trí đại diện ngoại giao được thăm, gặp đối tượng này tại trại giam. Cá biệt, một số chức sắc tôn giáo cực đoan như linh mục Đặng Hữu Nam, Nguyễn Đình Thục, Nguyễn Thanh Tịnh và Ngô Năng đã móc nối với thân nhân của gia đình Trần Huỳnh Duy Thức tổ chức đoàn gặp đối tượng tại Trại giam số 6.

Vào thời điểm đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trên thế giới có đến hàng nghìn người tử vong mỗi ngày, việc ngăn thực hiện cách ly là cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh... Và theo quy định về việc thăm, gặp của trại, chỉ là những người thân quen thì số linh mục trên chống đối bằng cách lợi dụng các buổi làm lễ đã xuyên tạc tình hình sức khỏe của Trần Huỳnh Duy Thức, xuyên tạc rằng bị ngăn cản việc thăm, gặp tại trại giam. Đồng thời, kích động, kêu gọi giáo dân cầu nguyện, yêu cầu trả tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức.

Một số tổ chức như NGO và Tổ chức Ân xá Quốc tế - AI đồng thời đã phát động chiến dịch ủng hộ Trần Huỳnh Duy Thức bằng cách thay đổi ảnh đại diện facebook, ảnh có tiêu đề “Tôi thức để free Thức”, “Tổ chức theo dõi nhân quyền - HRW” tán phát thư ngỏ xuyên tạc Việt Nam dùng mọi thủ đoạn đàn áp, khuất phục tư tưởng, dụ dỗ Trần Huỳnh Duy Thức nhận tội; kêu gọi Việt Nam đề nghị cải thiện nhân quyền, trả tự do cho các đối tượng chống đối đang bị giam giữ.   

Đây là thủ đoạn và chiêu trò mới, ở mức độ cao hơn mà các đối tượng cơ hội, phản động chính trị; các đối tượng tự cho mình là các nhà “dân chủ” thực hiện để thực hiện hành vi vi phạm, nhằm bôi nhọ tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Như đã phân tích ở trên, đây không phải lần đầu tiên Trần Huỳnh Duy Thức sử dụng chiêu bài này. Và cũng không phải là lần đầu tiên các đối tượng phản động lợi dụng chiêu bài này để chống phá nước ta.

Trước đó, nhiều vụ “tuyệt thực” đã được bóc mẽ trước cộng đồng mạng. Năm 2015, phạm nhân Nguyễn Văn Hải (Điếu cày) lợi dụng vấn đề không nhận khẩu phần ăn do trại cấp đã tuyên bố “tuyệt thực”. Sau đó, những người thân trong gia đình Hải đã vận động các thế lực phản động ở nước ngoài can thiệp, đòi thăm, gặp, trả tự do cho Nguyễn Văn Hải...

Sau khi ta thực hiện video vạch trần bản chất “tuyệt thực” (các video ghi lại cảnh Hải nhận khẩu phần ăn, tình hình thăm khám sức khỏe bình thường, ăn uống đồ dùng tại căng tin, thân nhân gia đình ký gửi...) và đại diện một số đại sứ quán đã trực tiếp thăm, gặp biết rõ tình hình sức khỏe của phạm nhân Nguyễn Văn Hải thì một số giới chức bên ngoài đã hiểu rõ bản chất tuyên bố “tuyệt thực” của một số phạm nhân chống đối trong trại giam nên ít quan tâm, can thiệp hơn.

Vậy một đối tượng đang trốn truy nã ở nước ngoài; những tờ báo không ở Việt Nam chỉ nghe lời một phía từ thân nhân của gia đình Trần Huỳnh Duy Thức, thông tin về tình hình “tuyệt thực” liệu có đáng tin cậy? Như đã phân tích ở trên,  khi sử dụng những luận điệu cũ rích để tuyên truyền, các đối tượng chỉ có một mục đích không thay đổi, đó là xuyên tạc vấn đề nhân quyền của Việt Nam.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, mặc dù điều kiện kinh tế còn gặp không ít khó khăn nhưng công tác giam giữ, cải tạo phạm nhân ở các trại giam nói chung đã được cải thiện đáng kể. Ý đồ xấu xa của các đối tượng chắc chắn sẽ không trở thành hiện thực bởi trước đó, không ít các tổ chức quốc tế đều khẳng định, tình hình nhân quyền và các tù nhân trại giam đều theo đúng quy định và cam kết quốc tế đã tham gia.

Nhìn lại các cuộc “tuyệt thực” trước đó đã được thực hiện và được một số đối tượng thổi phồng lên cho thấy, tất cả đều có một điểm chung. Đó là dù tuyên bố “tuyệt thực” nhưng tất cả đều chỉ không ăn đồ ăn của trại nhưng vẫn dùng tiền lưu ký để mua đồ ăn và ăn các đồ do gia đình tiếp tế. Và những người “tuyệt thực” đều thực hiện khi có một mục đích là ra nước ngoài sinh sống như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Hải "Điếu cày"... Không ít đối tượng sống tha phương, cầu thực, quay lưng lại với lợi ích của quốc gia và dân tộc. Và khi đã hết giá trị để các phần tử chống đối ở nước ngoài lợi dụng thì sống tha phương, cầu thực nơi đất khách quê người. Những viễn cảnh về cái gọi là dân chủ và nhân quyền cùng cuộc sống tự do nơi đất khách quê người đã bị sụp đổ. Thế nhưng, bởi đã trót tuyên bố nên họ không dám "nói lại".

Để làm rõ việc “tuyệt thực” của Trần Huỳnh Duy Thức, chúng tôi đã tìm hiểu về các cuộc tuyệt thực của các đối tượng như đã phân tích ở trên. Và cũng như đã đề cập đến các đối tượng khác, có cuộc tuyệt thực kéo dài cả tháng trời. Vậy chúng ta có thể sống bao lâu mà không có thức ăn và nước uống? Chỉ làm một phép thử đã cho thấy, một hôm bạn không ăn sáng, chỉ đến 11 giờ trưa là bạn đã cảm thấy đói run, chân tay rã rời, mệt mỏi. Cơ thể con người cấu tạo với 60% nước, 6% chất khoáng, 16% chất béo, 18% chất đạm. Đây là một bộ máy sinh học rất tinh vi, phức tạp, với nhiều cơ quan, hệ thống khác nhau… Muốn hoạt động, bộ máy “người” phải được cung cấp năng lượng, thông qua sự chuyển hóa, “đốt cháy”, oxy hóa thức ăn.

Theo nghiên cứu, con người có thể sống đến 8 tuần chỉ cần uống nước mà không cần ăn, tuy nhiên, cũng có những người vượt quá mốc 8 tuần, cũng có người chỉ vài ngày sau đã bỏ mạng. Điều này phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của họ...

Những người khỏe mạnh, những người béo có khả năng chịu đựng tốt hơn nên khả năng sống sót cao hơn. Khi bị đói, chúng ta tự sử dụng nguồn năng lượng dự trữ trong cơ thể để sống sót. Quá trình sử dụng năng lượng dự trữ bắt đầu bằng việc đốt cháy carbonhydrate, được tích lũy ở gan và cơ, sau đó là chất béo và cuối cùng là protein trong cơ thể. Nếu bạn bị đói đến mức phải sử dụng protein, khi ấy tình hình sức khỏe của bạn chắc chắn là đã trở nên rất xấu. Thế nhưng, thật nực cười khi các tù nhân đều khỏe mạnh khi tuyệt thực, nhiều người thậm chí còn béo tốt hơn.

Những phân tích ở trên một lần nữa cho thấy, “tuyệt thực” là chiêu trò cũ rích mà Trần Huỳnh Duy Thức sử dụng. Bởi, cũng như các đối tượng tự cho mình là các "tù nhân lương tâm", "tù nhân chính trị"..., ở trong trại giam, nếu không giả tuyệt thực thì chắc chắn sẽ bị chìm vào quên lãng... Đây là lý do vì sao bổn cũ vẫn được soạn lại.

Trước, trong và sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch cả trong và ngoài nước diễn biến phức tạp, đặc biệt trên không gian mạng. Vì vậy, người dân cần phải cảnh giác trước những thông tin bịa đặt, lập lờ để đổi trắng thay đen. Những gì nhìn thấy tận mắt, há chẳng bằng những bài báo xuyên tạc, những trang blog, trang mạng xã hội của những đối tượng đang bán nước, cầu vinh, sống lưu lạc ở một nửa vòng trái đất, với cái nhìn thù địch về quê hương, đất nước.

Nguồn: cand.com.vn

Không có nhận xét nào