920G - Chuyên án triệt phá đường dây buôn bán, sản xuất tiêu thụ hơn 200 triệu lít xăng dầu lậu, giả
Hàng chục tàu vận tải xăng dầu bị bắt giữ, hàng trăm tỉ tiền đồng tiền mặt bị tịch thu, gần 40 đối tượng ở nhiều tỉnh thành bị bắt là kết quả của chuyên án đặc biệt 920G.
Một đường dây mua bán, sản xuất, tiêu thụ xăng dầu lậu, xăng dầu giả với quy mô đặc biệt lớn, được tổ chức chặt chẽ, với phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, liên quan đến nhiều tỉnh thành trong cả nước vừa bị công an tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an triệt phá ngay trong những ngày vừa qua và vẫn đang tiếp tục được điều tra mở rộng.
Lần theo dấu vết
Từ giữa năm 2020, qua công tác nắm tình hình và tin báo của quần chúng nhân dân, Công an tỉnh Đồng Nai đã phát hiện một số cây xăng trên địa bàn có biểu hiện mua bán xăng giả, kém chất lượng nên đã tiến hành theo dõi và phát hiện đây chỉ là khúc cuối của một đường dây mua bán, vận chuyển, sản xuất xăng dầu giả có quy mô cực lớn, trải dài trên nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam.
Để che giấu hành vi phạm tội, các đối tượng đã sử dụng ụ nổi đưa ra giữa lòng sông Hậu, đoạn chảy qua thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long để neo đậu; vừa làm điểm tập kết khi các tàu chở xăng, dầu lậu từ nước ngoài đưa vào nội địa, vừa làm nơi để pha chế, sang mạn và hợp thức hóa xăng dầu lậu từ tàu lớn sang tàu nhỏ vận chuyển tới các kho ở các tỉnh, thành phố, đồng thời tổ chức lực lượng theo dõi ngược lại cơ quan chức năng.
Đại tá Nguyễn Ngọc Quang - Phó GĐ Công an tỉnh - Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai cho biết: "Đây là đường dây mua bán, buôn lậu, sản xuất xăng dầu giả và buôn bán hóa đơn chứng từ khống để hợp lý hoàn số hàng giả là rất lớn. Thủ đoạn của bọn chúng là thành lập rất nhiều công ty và mua tàu biển để vận chuyển xăng dầu lậu từ vùng biển quốc tế để đưa vào Việt Nam".
Hành trình phá án
Trên cơ sở chứng cứ đã thu thập được, một kế hoạch phá án chi tiết đã được lãnh đạo công an tỉnh Đồng Nai đưa ra với quyết tâm phải bắt quả tang và bắt bằng hết các đối tượng trong đường dây này.
Đêm 6/2/2021, 14 tổ công tác với trên 500 cán bộ, chiến sĩ đồng của Công an tỉnh Đồng Nai, Cục cảnh sát hình sự Bộ Công an, Bộ tư lệnh cảnh sát cơ động đồng loạt được lệnh khám xét khẩn cấp các địa điểm kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc và nơi ở của các đối tượng tại 7 tỉnh, thành phố gồm Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh.
Ngoài hơn 30 đối tượng bị bắt giữ, Công an tỉnh Đồng Nai đã thu giữ rất nhiều tàu, xa lan cũng như xe chuyên dùng để vận chuyển xăng dầu lậu, xăng dầu giả. Ngoài ra, lượng tiền mặt bị thu giữ tại nhà của một trong những đối tượng cầm đầu nhiều đến mức, lực lượng chức năng phải huy động hàng chục máy đếm tiền, đếm liên tục cả buổi sáng mới xong.
Cơ quan công an đã xác định các đối tượng đã vận chuyển, buôn lậu trên 200 triệu lít xăng dầu giả, kém chất lượng đưa vào tiêu thụ trên địa bàn các tỉnh phía Nam gây thất thoát tiền thuế của nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng tới môi trưởng, ảnh hưởng tới những phương tiện đã sử dụng loại xăng dầu kém chất lượng này.
Hiện cơ quan cảnh sát điều tra đã xác định hành vi của các đối tượng có dấu hiệu vi phạm các tội buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 37 bị can, bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp 36 đối tượng để điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo lãnh đạo công an tỉnh Đồng Nai, khi các lực lượng áp sát, các đối tượng chống trả quyết liệt, liều lĩnh dùng tàu lớn lao thẳng vào lực lượng công an, bỏ chạy nhằm xóa dấu vết hiện trường. Tuy nhiên, lực lượng chức năng đã nhanh chóng khống chế toàn bộ các đối tượng, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng tham gia truy bắt.
Qua quá trình điều tra, bước đầu cơ quan Công an tỉnh Đồng Nai đã xác định, từ tháng 8/2020, đến khi bị bắt giữ, đường dây này đã cung cấp ra thị trường khoảng 200 triệu lít xăng giả, kém chất lượng, 4 tàu biển có trọng tải từ 1.500 tấn - 1.700 tấn, 5 xà lan có tải trọng từ 400 - 1.000 tấn, 6 xe bồn cùng hàng triệu lít xăng.
Ngoài ra, lực lượng chức năng thu giữ hơn 100 tỷ đồng tiền mặt, gần 50 quyển sổ đỏ, 12 thùng tài liệu hồ sơ, sổ sách và các tang vật liên quan đến hoạt động phạm tội.
Chuyên án đã được triệt phá và sẽ còn tiếp tục mở rộng điều tra để làm rõ vai trò, chức năng của từng đối tượng có liên quan. Vậy quy trình mua bán xăng dầu lậu, rồi pha chế, sang mạn để cung cấp vào thị trường tiêu thụ như thế nào?
Đường đi của xăng dầu lậu vào nội địa
Mỗi tháng 5-6 chuyến, dầu được lấy ở ngoài biển. Thời gian mỗi chuyến cả đi cả về là 3 ngày. Tàu đi từ vùng biển quốc tế vào đến phao số 0, neo ngoài phao số 0 khoảng 1 ngày. Trên tàu có 10 người gồm 3 thợ máy, bếp và 6 thuyền viên. Lúc đi là ban ngày, lúc về là ban đêm.
Thành công của chuyên án này là gì?
Theo Thượng tá Trần Anh Sơn - thành viên ban chuyên án 920G, thành công của chuyên án 920G là sự quyết tâm cao của trưởng ban chuyên án và toàn bộ cán bộ chiến sĩ đồng lòng đồng sức. Mặc dù gần Tết nhưng các cán bộ chiến sĩ tham gia thấy rằng đây là trách nhiệm lớn lao gác lại niềm vui riêng, để đấu tranh thành công, đấu tranh tới tận cùng tội phạm.
Mặc dù lực lượng rất đông hơn 500 cán bộ chiến sĩ của rất nhiều đơn vị nhưng khi tổ chức phá án đảm bảo tuyệt đối bí mật, ngoài bảo vệ cán bộ và đối tượng thì tài sản, đặc biệt là xăng dầu thì đến thời điểm này là tuyệt đối an toàn.
Nguồn: VTV
Không có nhận xét nào