Công an tỉnh Thanh Hóa: Triệt phá đường dây “Mua bán người” qua mạng xã hội
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá thành công một đường dây “Mua bán người” liên tỉnh, xuyên quốc gia với nhiều thủ đoạn rất tinh vi, bắt giữ 3 đối tượng chính, giải cứu thành công 4 phụ nữ chuẩn bị được đưa sang Trung Quốc làm “dâu”. Vụ việc lại một lần nữa là lời cảnh báo cho những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin muốn đổi đời bằng con đường xuất ngoại, lấy chồng ngoại bất hợp pháp.
Thiết lập đường dây qua mạng xã hội
Qua nắm bắt thông tin và bằng các biện pháp nghiệp vụ, xác định trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có một số đối tượng hoạt động “Mua bán người”, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã xác lập Chuyên án để đấu tranh, làm rõ.
Sau một thời gian dài điều tra, xác minh, đến chiều 3-11, tại địa bàn huyện Thọ Xuân, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh và Công an huyện Thọ Xuân bắt quả tang Nguyễn Thị Dương (SN 1994), ở Quảng Chính, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa đang trên đường đưa 4 người phụ nữ khác là N.T.C (SN 1993), L.T.C (SN 1997), đều trú tại tỉnh Thanh Hóa; K.T.T.R (SN 1993), trú tại TP Châu Đốc, tỉnh An Giang và L.T.Q (SN 1988), trú tại huyện Tân Phú, tỉnh Cà Mau ra các tỉnh phía Bắc để vượt biên sang Trung Quốc.
Đấu tranh, mở rộng Chuyên án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục bắt giữ Hồ Thị Vớn (SN 1989), trú Dụ Nghĩa, xã Lê Thiện, huyện An Dương, TP Hải Phòng và Nguyễn Châu Tuấn (SN 1992), trú tại xã Tăng Phức Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang là những đối tượng liên quan trong đường dây “Mua bán người” trên.
Từ những mắt xích này, toàn bộ hoạt động của đường dây “Mua bán người” liên tỉnh, xuyên quốc gia dần hé lộ với nhiều thủ đoạn rất tinh vi.
Trong đó, Hồ Thị Vớn, từng có thời gian lấy chồng người Trung Quốc tại tỉnh Hồ Nam từ năm 2016. Do cuộc sống khổ cực và mâu thuẫn với nhà chồng nên cuối năm 2019 đã bỏ về Việt Nam sinh sống. Không nghề nghiệp, lại sẵn có mối quan hệ với một số đối tượng “Mua bán người” bên Trung Quốc, Vớn đã kết nối với các đối tượng bên phía Trung Quốc thiết lập đường dây “Mua bán người” (chủ yếu là phụ nữ trẻ tuổi) từ Việt Nam bán sang Trung Quốc. Nhờ mạng xã hội (Wechat, zalo…), Vớn kết nối với nhiều đối tượng ở trong nước (trong đó có Dương) để tìm những phụ nữ trẻ tuổi Việt Nam đưa sang Trung Quốc.
Nguyễn Thị Dương là một đối tượng đã từng vượt biên lao động trái phép bên Trung Quốc nên cũng thông thạo đường đi, nước bước đã ra sức đăng tải thông tin lên mạng xã hội dụ dỗ, lôi kéo những phụ nữ nhẹ dạ cả tin để vượt biên sang Trung Quốc. Thông qua Dương, Nguyễn Châu Tuấn đã kết nối và tìm kiếm những phụ nữ đang sinh sống tại các tỉnh phía Nam để nhập vào đường dây này đưa sang Trung Quốc.
Chỉ trong thời gian ngắn, Nguyễn Thị Dương đã dụ dỗ được 2 nạn nhân ở Thanh Hóa là N.T.C (SN 1993), L.T.C (SN 1997); Nguyễn Châu Tuấn đã lừa được 2 nạn nhân khác ở An Giang, Cà Mau là K.T.T.R và L.T.Q để đưa sang Trung Quốc. Đến ngày 3-11-2020, Nguyễn Thị Dương thuê xe ô tô đón 2 nạn nhân tại Thanh Hóa và chạy thẳng lên Cảng hàng không Thọ Xuân đón 2 nạn nhân ở An Giang, Cà Mau vừa bay từ TP HCM ra nhập đoàn để đưa lên biên giới Việt - Trung giao cho Vớn bán sang Trung Quốc. Khi xe vừa lăn bánh khỏi Cảng hàng không Thọ Xuân thì bị lực lượng Công an bắt quả tang.
Tại Cơ quan điều tra, bước đầu các đối tượng này khai nhận: Ngoài 4 phụ nữ vừa được Công an Thanh Hóa giải cứu, nhóm đối tượng này còn đưa trót lọt 5 phụ nữ khác sang Trung Quốc một cách bất hợp pháp.
Sang làm “dâu” theo ngày
Sau khi thiết lập được đường dây, dựa vào mạng xã hội, các đối tượng trên ra sức tìm kiếm, dụ dỗ, lừa bịp phụ nữ trẻ Việt Nam đang có nhu cầu cần việc làm để đưa sang Trung Quốc. Con mồi mà các đối tượng này nhắm tới là những phụ nữ không có công ăn việc làm ổn định, gặp trắc trở trong cuộc sống như: Gia đình đỗ vỡ, cuộc sống không hạnh phúc, nợ nần, túng quẫn, cần có việc làm ngay… để giăng bẫy.
Thủ đoạn của chúng là sau khi xác định được con mồi, bọn chúng sẽ tìm cách làm quen, kết thân và tạo niềm tin cho con mồi rằng: Sang Trung Quốc làm “dâu” (kết hôn với đàn ông Trung Quốc) trong thời gian theo ngày, hoặc theo tháng thì sẽ được trả 80 đến 120 triệu đồng Việt Nam. Sau đó nếu không muốn làm “dâu” nữa thì ra ngoài làm việc. Vì hám lợi trước số tiền lớn, nhiều phụ nữ đã mắc bẫy của chúng.
Chị N.T.C, ở Thanh Hóa cho biết: Do không có việc làm ổn định, qua Zalo tôi biết Dương đang tìm người sang Trung Quốc nên đã nghe theo. Dương cũng đặt thẳng vấn đề là chị đưa người qua biên giới Trung làm “dâu” thời hạn 10, 15 ngày hoặc 1 tháng. Chị ấy cũng đưa ra giá là 10 đến 15 ngày là 60 triệu, 1 tháng thì được từ 80 đến 100 triệu. Khi nào mình sang đến biên giới và phía Trung Quốc nhận được người thì họ mới trả tiền. Tưởng trong thời gian ngắn mà có được số tiền lớn như thế nên tôi cũng nghe theo.
Còn chị K.T.T.R, ở Châu Đốc, An Giang thì cho biết: Do gia đình em thiếu nợ, khi được anh Tuấn (Nguyễn Châu Tuấn) nói nếu sang Trung Quốc “lấy chồng” thì sẽ được họ cho tiền. Bên họ có hứa là khi em sang đến Trung Quốc thì họ sẽ chuyển cho gia đình em 100 triệu đồng nên em đã đồng ý. Sau đó anh Tuấn mua vé máy bay cho tụi em bay ra Thanh Hóa gặp chị Dương để chị đưa lên biên giới sang Trung Quốc.
Những lời hứa hẹn về công việc, về cuộc sống sung sướng, về số tiền nhận được đều là những thông tin nhằm lừa bịp những người phụ nữ nhẹ dạ, cả tin, hám lời trước mắt mà không lường đến hậu quả. Ngay như các đối tượng Nguyễn Thị Dương và Nguyễn Châu Tuấn cũng không biết rõ được rằng khi sang đến Trung Quốc thì những phụ nữ trên có được làm “dâu”, có nhận được số tiền mà chúng đã hứa hay không!?
Khai nhận tại Cơ quan điều tra, Nguyễn Châu Tuấn nói: Thấy chị kia có hứa là sau khi đưa được người sang Trung Quốc thì họ sẽ đưa cho người giới thiệu 125 triệu đồng. Còn người giới thiệu cho cô dâu bao nhiêu thì cho… Còn Nguyễn Thị Dương thì khai nhận: Lần trước tôi đưa được 3 người, lần này chuẩn bị đưa 4 người sang thì bị bắt. Mỗi người sang được bên kia biên giới tôi được trả 2 đến 5 triệu đồng/1 người tiền hoa hồng. Việc đưa phụ nữ sang đó “lấy chồng” tôi cũng không biết rõ là họ có lấy được chồng hay không mà chỉ nghe môi giới nói nếu đưa được một người sang đó thì họ sẽ trả cho cô “dâu” từ 50 đến 100 triệu đồng.
Hậu quả khó lường
Tội phạm mua bán người vẫn luôn tìm các thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo phụ nữ, nhất là các cô gái để đưa qua biên giới lừa bán. Rơi vào cạm bẫy của đối tượng xấu, nhiều cô gái đã phải sống trong quãng thời gian tủi nhục. Một số may mắn trở về nhưng cũng phải chịu những tổn thương tinh thần nghiêm trọng.
Trung tá Trần Bình Chung – Phó chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Mua bán người là loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm bởi những hệ lụy lâu dài đối với bản thân nạn nhân và toàn xã hội. Qua công tác đấu tranh cho thấy, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người diễn biến ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Hầu hết các vụ án mua bán người xảy ra đều có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong và ngoài nước. Bọn chúng lợi dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, kể cả mạng xã hội nước ngoài như Wechat… tiếp cận, làm quen với “con mồi” để bán sang Trung Quốc thu lợi cho bản thân. Những phụ nữ, em gái khi sang đến Trung Quốc sẽ bị ép làm gái mại dâm, làm vợ bất hợp pháp, hoặc lao động cưỡng bức tại cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, bị đánh đập, đối xử bất công, giam lỏng…
Thời gian gần đây, số vụ án mua bán người trên địa bàn Thanh Hóa có chiều hướng giảm, tuy nhiên, tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Vì thế, để ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này, song song với công tác đấu tranh xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân, để mỗi người phải tự nâng cao tình thần cảnh giác, không nghe, không tin vào những lời dụ dỗ, lôi kéo của các đối tượng xấu và mắc vào “bẫy” mua bán người của chúng.
Nguồn: baothanhhoa.vn
Không có nhận xét nào