Cảnh giác chiêu trò sử dụng “truyền thông đen”
“Truyền thông đen” và nhóm KOL (bao gồm vài cựu nhà báo, phóng viên tự lập ra trang fanpage tuyên bố là “truyền thông sạch”, “báo trung lập”, “nhà báo công dân”) đang là những cụm từ được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Bởi các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, phản động đang triệt để sử dụng các hình thức này để phát tán thông tin bịa đặt, xuyên tạc, kích động... nhằm mục đích phá hoại đại hội Đảng.
Chuyện xảy ra ở tỉnh Đắk Lắk là một ví dụ. Trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, một trang fanpage có tên nhóm “Báo sạch” liên tục viết bài với nội dung suy diễn, xuyên tạc việc cơ quan chức năng địa phương này khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với 2 đối tượng liên quan đến một vụ án hình sự nghiêm trọng. Ngoài ra, chúng cũng thường xuyên viết bài với nội dung phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, đả phá chế độ XHCN, đòi đa nguyên, đa đảng, mở chiến dịch thông tin, liên tục bóp méo, nói xấu Đảng, Nhà nước, xuyên tạc ngành giáo dục và đại hội đảng các cấp. Theo cơ quan chức năng, hầu hết những bài viết từ nhóm này tung ra đều được các đối tượng phản động, cơ hội, bất mãn chính trị trong và ngoài nước, các trang của tổ chức Việt Tân, trang điện tử BBC... dẫn lại, suy diễn, xuyên tạc, cho rằng có sự “đấu đá” trước thềm đại hội Đảng. Đáng tiếc, trong những sự việc này có cả một vị nguyên là lãnh đạo một trường đại học, từng là bí thư đảng ủy nhà trường cũng gửi email, chia sẻ thông tin cho nhóm “truyền thông đen” để chúng nhào nặn, xuyên tạc, gây hoang mang dư luận.
Một vụ việc tương tự cũng đã xảy ra tại tỉnh Thanh Hóa. Đó là, từ năm 2018 đến nay, bà Bùi Thị Mười, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thạch Thành cũng liên tục bị một số đối tượng thường xuyên viết đơn thư nặc danh, tố cáo nhiều nội dung sai sự thật, viết bài trên các trang điện tử, viết đơn thư nặc danh gửi đến nhiều xã, thị trấn huyện Thạch Thành tố cáo bà có hành vi vi phạm đạo đức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ và tham ô tài sản. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra, xác minh của Tỉnh ủy Thanh Hóa xác định bà Bùi Thị Mười không có vi phạm. Nhận thấy những thông tin sai sự thật đã ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của bản thân, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, chính trị nội bộ của địa phương, bà Bùi Thị Mười đã có đơn tố giác đến cơ quan công an. Sau khi tiếp nhận đơn tố giác của bà Mười, Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an huyện Thạch Thành điều tra làm rõ và bắt giữ Lê Hùng Mạnh, sinh năm 1947, xã Thuần Lộc (Hậu Lộc) chính là đối tượng viết và gửi những đơn thư nặc danh. Tại cơ quan điều tra, bước đầu Lê Hùng Mạnh khai nhận: Mạnh có mâu thuẫn cá nhân với bà Mười nên đã viết đơn nặc danh với nội dung sai sự thật gửi đến nhiều nơi để bôi nhọ, hạ uy tín của bà. Bản thân Lê Hùng Mạnh thỉnh thoảng có viết bài cộng tác cho một số tờ báo điện tử, đồng thời trực tiếp biên soạn, gửi tài liệu cung cấp thông tin cho một đối tượng đang làm cho một tờ báo điện tử và đăng tải thông tin trên tờ báo này. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với Lê Hùng Mạnh về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Đáng nói, một số cơ quan báo chí sau khi nhận được đơn nặc danh sai sự thật vẫn tiến hành điều tra, viết bài gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh chính trị địa phương trước thềm đại hội đảng bộ huyện, dù Tỉnh ủy Thanh Hóa đã kiểm tra, xác minh và kết luận cán bộ không vi phạm như đơn thư nặc danh tố cáo.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, càng đến gần các đại hội đảng bộ tỉnh, nhất là Đại hội Đảng lần thứ XIII thì những hoạt động này càng diễn biến phức tạp. Có đến hàng nghìn trang ở trên mạng xã hội và các kênh youtube, nhất là Việt Tân có đến hơn 1.000 clip liên quan đến hoạt động tiến hành đại hội đảng các cấp để xuyên tạc, tuyên truyền thông tin sai sự thật. Đặc biệt, có một thực tế đáng lo ngại là trong một số đơn, thư tố cáo sai sự thật, một số thông tin tán phát trên mạng xã hội... đã có sự nhúng tay, góp sức của một số cán bộ cơ hội, biến chất, kéo bè kết cánh, giật dây, kích động, xúi giục, thậm chí đầu tư tài chính để mua chuộc, sử dụng “truyền thông đen”. Sự việc tống tiền 2 đồng chí Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn là một ví dụ.
Giữa tháng 5-2020, giả mạo là giám đốc một doanh nghiệp ở TP Thanh Hóa, Nguyễn Quốc Hưng, sinh năm 1979, trú tại TP Hà Nội lấy lý do gặp gỡ, trao đổi công việc để tiếp cận với 2 đồng chí Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tại phòng làm việc của 2 vị lãnh đạo này, Hưng cố tình tặng quà, tiền và lén quay lại video. Đoạn video này nhanh chóng trở thành công cụ để Hưng cùng đồng bọn uy hiếp, yêu cầu các đối tượng phải bỏ ra khoản tiền 25 tỷ đồng để mua lại sự im lặng. Đoạn video còn được tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín của các lãnh đạo này. Sau quá trình điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 6 đối tượng liên quan, trong đó có 2 đối tượng Phạm Văn Ân và Lê Doãn Tài là các phóng viên của một cơ quan báo chí.
Theo các cơ quan chức năng, mặc dù đã có một số trường hợp vi phạm bị xử lý nhưng vẫn chưa thực sự đủ sức răn đe. Vì vậy, để đấu tranh hiệu quả với các thủ đoạn, chiêu trò thâm hiểm của các thế lực thù địch cần thiết phải xử lý nghiêm minh, xét xử công khai, có hình phạt thích đáng để làm gương. Cùng với đó, các cấp ủy đảng cần nghiêm túc thực hiện chỉ đạo tại Chỉ thị 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đó là tỉnh táo, cảnh giác, chủ động phòng, ngừa và kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn, hành động chống phá của các thế lực thù địch... Với các đối tượng lập ra các hội, nhóm “truyền thông đen”, nhân danh KOL để phát tán thông tin kích động, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước cần có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật, không để các đối tượng tiếp tục lũng đoạn mạng xã hội, gây bức xúc trong xã hội.
Nguồn: baothanhhoa.vn
Không có nhận xét nào