MKRdezign

TIN MỚI

Nguy hại khôn lường từ tin giả, tin đồn thất thiệt trong mùa bão lũ

Giữa lúc cả nước chung tay cùng đồng bào miền Trung, lại có những người lợi dụng sự lo lắng của cộng đồng để tung tin thất thiệt, câu like, câu view trên mạng xã hội.

Cho đến thời điểm này, mọi công tác khắc phục hậu quả của mưa lũ vẫn đang tiếp tục. Thậm chí, tất cả đều phải sẵn sàng tâm thế để ứng phó với những thiên tai, bão lũ có thể tiếp diễn.

Nhiều lực lượng chức năng chưa thể nghỉ ngơi, nhiều đoàn thiện nguyện vẫn đang lên đường, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn đang ngày đêm chia sẻ những thông điệp của lòng tốt, biến mạng xã hội như một công cụ hữu hiệu để kêu gọi sẻ chia và cứu trợ cho miền Trung thân yêu.

Trong những ngày qua, chúng ta có thể nhận thấy rất rõ sức mạnh của mạng xã hội - nơi vốn được coi là giải trí, nay trở thành nơi huy động sức mạnh cộng đồng lớn như thế nào. Tuy nhiên, trong số đó, không thể phủ nhận vẫn có những người đang lợi dụng sự lo lắng của cộng đồng để tung tin thất thiệt, câu like, câu view rất đáng chỉ trích.

Bùng phát tin giả trong mùa bão lũ

Trong những ngày qua, trên mạng Facebook, thông tin siêu bão cấp 17 sẽ đổ bộ vào miền Trung được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, khiến người dân rất hoang mang. Ngay lập tức, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn đã đưa ra thông báo khẳng định, đây là tin giả. Tuy nhiên, điều nguy hại là tin giả này đã có tới hơn 25 nghìn lượt chia sẻ và hơn 5.000 bình luận .

Hàng loạt thông tin giả khác đã xuất hiện tràn lan, bùng phát. Ví dụ như thông tin người mẹ ôm con dưới bùn trong vụ sạt lở tại Quảng Trị thu hút hàng trăm lượt chia sẻ trên Facebook nhưng lại là thông tin sai sự thật. Thực chất, đây là hình ảnh bức tượng tại Trung Quốc. Hay như hàng loạt kẻ đã giả danh tài khoản Facebook của những người nổi tiếng để kêu gọi cứu trợ người dân vùng lũ, với mục đích nhằm trục lợi cá nhân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nguy hại khôn lường từ tin giả, tin đồn thất thiệt trong mùa bão lũ - Ảnh 1.

Mới đây, tại Quảng Trị cũng xuất hiện nhiều tin xuyên tạc về công tác cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn của chính quyền.

Trong năm ngoái, ước tính có tới 86% người dùng tại Việt Nam thừa nhận, họ đã bị lừa do tin giả. Không chỉ ở Việt Nam, ở nhiều nơi trên thế giới, tin giả trong khi xảy ra thiên tai cũng hoành hành.

Vào tháng 10/2012, siêu bão Sandy quét qua các bang bờ Đông nước Mỹ. Một chuyên gia khí tượng đã lan truyền trên các kênh báo chí và mạng xã hội thông tin sai rằng, toà nhà sàn giao dịch chứng khoán New York bị ngập lụt. Sau đó, đài CNN đã phải đính chính lại thông tin. Tuy vậy, thông tin này đã gây ra ảnh hưởng cho phiên giao dịch và tổn thất về kinh tế.

Cuộc chiến chống tin giả

Chỉ 3 tháng khi dịch COVID-19 lần đầu xuất hiện ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Công an, đã có gần 800 trường hợp tung tin giả trên mạng xã hội. Đây đều là những tin đồn thất thiệt, tin giả với nội dung sai sự thật, gây hoang mang dư luận, bôi nhọ danh dự cá nhân... làm sai lệch nỗ lực phòng chống dịch bệnh của Chính phủ.

Nguy hại khôn lường từ tin giả, tin đồn thất thiệt trong mùa bão lũ - Ảnh 2.

Nghị định 15 của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 4 năm nay quy định chi tiết về những hành vi lợi dụng mạng xã hội sẽ bị xử phạt nặng. Theo đó, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân

Hiện tại, Việt Nam có 60 triệu tài khoản Facebook cùng rất nhiều nền tảng mạng xã hội khác. Đây có thể coi là kênh thông tin đa dạng nhất, đơn giản nhất và có sức ảnh hưởng rất lớn. Dù với bất cứ mục đích gì, việc lợi dụng thiên tai, nỗi lo lắng của cộng đồng để câu like, câu view bằng những thông tin giả mạo là rất đáng lên án. Bà con miền Trung vốn đã phải gồng mình quá sức để chống chịu với mưa lũ, nếu không giúp được gì thì cũng đừng khiến họ thêm bất an.

Nguồn: VTV

Không có nhận xét nào