Đối thoại trực tuyến: Thông tin xấu độc - kỹ năng nhận diện và phòng chống
Báo Thanh Hóa tổ chức đối thoại trực tuyến với chủ đề “Thông tin xấu, độc - Kỹ năng nhận diện và phòng chống” với sự tham gia của Thượng tá Lê Việt Hồng, phó Trưởng phòng PA03, Công an Thanh Hóa.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, đặc biệt là những tiện ích của internet, đã tạo điều kiện cho mỗi người dễ dàng tham gia các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube... với mục đích giải trí, chia sẻ và trao đổi thông tin, giao lưu, kết bạn... Tuy nhiên, lợi dụng những tiện ích của mạng xã hội, các thế lực phản động, thù địch đã đăng tải rất nhiều thông tin xấu độc, tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Thông qua chương trình đối thoại, nhằm chia sẻ, trao đổi, cung cấp các góc nhìn giúp các tổ chức, cá nhân có thêm kỹ năng nhận diện, xử lý các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội và đấu tranh phản bác, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch, phản động trên không gian mạng.
PV: Thông tin xấu độc, giả mạo trên không gian mạng gây tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân, cộng đồng và văn hóa dân tộc. Xin đồng chí cho biết phương thức của việc phát tán các thông tin xấu, độc, cũng như những dạng thông tin xấu, độc hiện nay?
Thượng tá Lê Việt Hồng: Trong thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu tiếp tục gia tăng sử dụng Internet, đặc biệt là các trang mạng xã hội với nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động tuyên truyền chống phá Việt Nam, chia rẽ nội bộ, chia rẽ nhân dân với Đảng, Nhà nước, gây phức tạp về ANTT. Phương thức, thủ đoạn của chúng tập trung một số điểm chính:
(1) Triệt để khai thác sự phát triển của công nghệ, tính năng, tiện ích mạng xã hội Facebook, youtube, nhất là khả năng lan tỏa nhanh chóng, sâu rộng, khó kiểm soát để tạo dư luận trái chiều;
(2) Đồn đoán, tuyên truyền xuyên tạc, bôi lem các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lồng ghép các thông tin thật giả, kết hợp với các vụ việc nhạy cảm, phức tạp để “chính trị hóa” hình thành “phong trào phản đối”, tạo dư luận xấu trên không gian mạng;
(3) Viết vẽ khẩu hiệu phản động, sáng tác và tán phát nhiều tài liệu có nội dung xấu độc dưới dạng ấn phẩm, văn học nghệ thuật công khai trên không gian mạng. Ngoài ra, chúng còn thường xuyên tổ chức hội luận, phỏng vấn, đăng tải bài viết lên mạng Internet (nhất là livestream trên facebook) xuyên tạc tình hình chính trị xã hội trong nước.
Những dạng thông tin xấu, độc hiện nay:
- Phủ nhận chủ nghĩa Mác Lê nin, tư tưởng Hồ Chí minh, vài trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, con đường đi lên CNXH ở nước ta;
- Bôi nhọ, hạ uy tín cá nhân, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phá hoại nội bộ, làm suy giảm niềm tin, tạo sự nghi ngờ về phẩm chất, uy tín, năng lực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước;
- Kích động, hướng dẫn quần chúng nhân dân biểu tình, gây rối ANTT;
- Tư tưởng chính trị đối lập, tác động đến quá trình ban hành chủ trương, chính sách của Đảng nhằm lồng ghép vào đó các quan điểm sai trái, làm chệch hướng phát triển của Việt Nam;
- Tác động đến quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam theo hướng có lợi để tiến hành hoạt động chống phá;
- Vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, kêu gọi ủng hộ, can thiệp, đòi trả tự do cho các đối tượng bị xử lý;
- Kích động chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo, kích động hận thù giữa các tôn giáo với Đảng, Nhà nước Việt Nam;
- Lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, phát tán virus;
PV: Xin đồng chí cho biết tình hình đăng tải thông tin xấu, độc trên phạm vi cả nước và ở Thanh Hóa trong thời gian gần đây?
Thượng tá Lê Việt Hồng: Trên phạm vi cả nước nói chung, địa bàn Thanh Hóa nói riêng, các thế lực thù địch, phần tử xấu tập trung lợi dụng những sở hở, thiếu sót trong công tác quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương để đăng tải trên không gian mạng các tin, bài, bình luận xuyên tạc, bóp méo sự thật, xuyên tạc đời tư, bôi lem lãnh đạo, gieo rắc tâm lý hoang mang, hoài nghi trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, làm giảm sút niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, gần đây, xuất hiện nhiều đối tượng thường xuyên có mặt tại các địa điểm xảy ra các vụ việc nhạy cảm liên quan đến giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án, chế độ, chính sách,…, giải quyết vi phạm giao thông, trât tự xã hội,…để quay, phát trực tiếp trên mạng xã hội, đưa ra những quan điểm, bình luận sai sự thật, vu cáo chính quyền, lực lượng công an, kêu gọi tụ tập đông người gây phức tạp tình hình ANTT, cản trở lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ…
PV: Trước tình hình trên thì công tác đấu tranh, phòng chống của lực lượng công an hiện nay thế nào, thưa đồng chí?
Thượng tá Lê Việt Hồng: Từ những tình hình trên, lực lượng Công an đã và đang tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh làm tốt công tác bảo vệ nên tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch; đồng thời tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên quần chúng nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác trước những thông tin xấu, độc liên quan đến các sự kiện nêu trên, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không để các đối tượng xấu kích động lôi kéo vào các hoạt động đình công, tập trung đông người trái pháp luật; tuyệt đối không đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật gây phức tạp tình hình, hoang mang trong dư luận xã hội.
- Tham mưu giải quyết dứt điểm, có hiệu quả các vụ, việc nổi cộm, phức tạp về ANTT ngay tại cơ sở, không để hình thành “điểm nóng”, nhất là giải quyết tốt các vụ mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện tập trung đông người không để sơ hở, tạo cớ cho các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc, chống phá.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an Thanh Hóa thường xuyên, chủ động nắm tình hình trên không gian mạng, kịp thời phát hiện các đối tượng đăng tải thông tin xấu độc, sai sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự của các cá nhân, tổ chức để đấu tranh xử lý theo quy định của pháp luật. Từ đầu năm 2020 đến nay Công an Thanh Hóa đã phát hiện, đấu tranh xử lý hàng trăm trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook, trong đó đã xử phạt hành chính hơn 50 trường hợp và xử lý hình sự 01 trường hợp.
PV: Các thông tin xấu, độc đã gieo rắc tâm lý hoang mang, hoài nghi trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, làm giảm sút niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Thế nhưng, điều quan trọng nhất không phải ai cũng biết, đó là làm thế nào để nhận diện được các thông tin xấu, độc trên không gian mạng hiện nay?
Thượng tá Lê Việt Hồng: Phụ thuộc vào kinh nghiệm khả năng của mỗi người có thể rút ra cho mình kỹ năng nhận diện thông tin xấu, độc, với cá nhân tôi: Để nhận diện các thông tin xấu, độc thì khi tiếp cận thông tin trước hết cần kiểm tra, đánh giá thông tin: đó là phải xem xét kỹ tiêu để bài viết (Những thông tin xấu độc thường có tiêu đề hấp dân, giật title, gây sốc); tiếp theo kiểm chứng cơ sở nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào, có nguồn thông tin rõ ràng, chính thống hay không,... Tìm kiếm nội dung trên các trang mạng chính thống để đối chiếu nội dung,…
Từ thực tiễn cho thấy, những tin xấu, độc thường có hình thức bố cục lộn xộn, các hình ảnh, video trong bài viết thường bị chỉnh sửa, cắt ghép, thay đổi nội dung, ngày tháng, có nội dung sai trái, bịa đặt, bóp méo, xuyên tạc sự thật, lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức; có ngôn từ thô tục, phản cảm, soi mói, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân; xuyên tạc sự thật lịch sử,…
PV: Đồng chí có thể đưa ra một vài dự báo trong thời gian tới, sự phát triển các loại thông tin xấu, độc sẽ theo chiều hướng như thế nào?
Thượng tá Lê Việt Hồng: Thời gian tới, chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ tỉnh tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng của đất nước. Các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu sẽ gia tăng hoạt động “diễn biến hòa bình”, tiến hành chống phá với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Trong khi đó dư luận đang hết sức quan tâm đến việc xét xử vụ án tại Đồng Tâm, vụ án Hồ Duy Hải, vụ án Mobifone mua AVG, vụ án Nhật Cường, bắt giữ ông Nguyễn Đức Chung, Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa,… tình hình dịch COVID-19 trên thế giới, trong nước có diễn biến hết sức phức tạp và đang tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đây là cơ hội để các đối tượng thù địch lợi dụng xuyên tạc, tung tin sai sự thật, tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước.
PV:Một vấn đề khác mà khán giả rất quan tâm, đó chính làLuật An ninh mạng đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, điều này đòi hỏi mỗi người sử dụng mạng Internet cần hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia hoạt động trên môi trường không gian mạng. Đồng chí có thể trao đổi rõ hơn về vấn đề này?
Thượng tá Lê Việt Hồng: Như chúng ta đã biết, Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, Luật gồm 7 chương, 43 điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Luật An ninh mạng trực tiếp bảo vệ 05 quyền con người sau đây:
(1) Quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân; quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ;
(2) Quyền không bị can thiệp vào đời tư, gia đình, chỗ ở hoặc thư tín;
(3) Quyền không bị xâm hại danh dự hay uy tín cá nhân;
(4) Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo của công dân;
(5) Quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt của công dân.
Luật An ninh mạng còn giúp phòng ngừa, xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Luật An ninh mạng cũng quy định cụ thể trường hợp lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng được tiếp cận thông tin người dùng là khi phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
PV: Luật An ninh mạng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng như thế nào, thưa đồng chí?
Thượng tá Lê Việt Hồng: Luật An ninh mạng cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng. Cụ thể:
Tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh mạng.
Kịp thời cung cấp thông tin liên quan đến bảo vệ an ninh mạng, nguy cơ đe dọa an ninh mạng, hành vi xâm phạm an ninh mạng cho cơ quan có thẩm quyền, lực lượng bảo vệ an ninh mạng.
Thực hiện yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền trong bảo vệ an ninh mạng; giúp đỡ, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức và người có trách nhiệm tiến hành các biện pháp bảo vệ an ninh mạng.
PV:Trên thực tế, nhiều người dùng mạng xã hội đang vi phạm luật An ninh mạng mà không hề biết mình vi phạm. Vậy đồng chí có khuyến cáo gì đối với người dùng mạng xã hội nói chung và đối với cán bộ công chức nói riêng?
Thượng tá Lê Việt Hồng: Từ thực tiễn, theo tôi mỗi người khi tham gia mạng xã hội cần trang bị cho mình kiến thức an ninh mạng cơ bản, biết nhận diện những trang thông tin, những diễn đàn trên mạng xã hội thường đăng tải những thông tin xấu, độc. Cần cảnh giác, thận trọng, sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời có khả năng “miễn dịch” với những thông tin xấu, độc. Khi phát hiện những thông tin xấu, độc, mỗi cá nhân cần lên tiếng, đấu tranh phản bác và hạn chế sự lan truyền của thông tin đó bằng cách báo Spam (báo xấu) bài viết đồng thời báo cáo đến cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với cán bộ đảng viên, công chức, ngoài việc trang bị cho mình kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước những thông tin xấu độc trên mạng Internet, cần tuyên truyền cho gia đình, bạn bè, người thân về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu trên không gian mạng để mỗi người hiểu và nâng cao cảnh giác. Từ đó không đăng tải, chia sẻ các bài viết có nội dung sai trái, thù địch, biến trang mạng xã hội của các cá nhân thành một kênh thông tin, tuyên truyền, cung cấp nguồn thông tin xác đáng, chính thống cho người dân. Đồng thời, cần thường xuyên tu dưỡng, học thập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tự ngăn ngừa, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong chính bản thân, nêu cao tính tiên phong gương mẫu của người cán bộ, đảng viên, góp phần đẩy lùi thông tin xấu, độc, bảo vệ môi trường mạng.
Nguồn: baothanhhoa.vn
Không có nhận xét nào