Cảnh giác trước các hành vi lừa đảo trên không gian mạng
Hiện nay, các hành vi lừa đảo qua mạng xã hội đang có chiều hướng gia tăng. Nhất là khi các đối tượng ngày càng có nhiều thủ đoạn mới và tinh vi khiến người dân rất dễ bị mắc lừa, nếu không có ý thức đề cao cảnh giác.
Mới đây, ngày 29-7, một người dân huyện Thiệu Hoá đã đến Công an huyện trình báo về việc: Qua sử dụng tài khoản facebook cá nhân của mình, người này có đặt cọc số tiền 10 triệu đồng để mua khẩu trang của một tài khoản Facebook có tên “Quang Huy”, nhưng sau đó biết mình đã bị lừa. Từ các thông tin mà bị hại cung cấp cùng với các tài liệu chứng cứ thu thập được, trong ngày 29-7, Công an huyện Thiệu Hóa đã điều tra, làm rõ và bắt giữ đối tượng Đinh Quang Huy. Qua đấu tranh, đối tượng khai nhận: Bản thân không có khẩu trang để bán, tuy nhiên lợi dụng tình hình dịch COVID-19, nhu cầu mua khẩu trang của người dân tăng cao nên Huy đã sử dụng 2 tài khoản Facebook của mình là “Nguyen Nam” và “Quang Huy” để đăng các bài viết rao bán khẩu trang với số lượng lớn lên các hội nhóm trên facebook, khi có người hỏi mua thì Huy yêu cầu “đặt cọc” tiền để chốt đơn hàng, sau đó lừa đảo chiếm đoạt số tiền “đặt cọc”. Được biết, Đinh Quang Huy là đối tượng không có công ăn việc làm ổn định, lại thường xuyên chơi đánh bạc qua mạng. Để có tiền tiêu xài, cũng với thủ đoạn tương tự, Huy đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 3 bị hại khác ở các tỉnh phía Nam với tổng số tiền gần 13 triệu đồng. Công an huyện Thiệu Hoá (Thanh Hoá) đã tạm giữ hình sự đối tượng Đinh Quang Huy, sinh năm 1994, trú tại xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”...
Trước thực trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tiếp tục có những diễn biến phức tạp, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát đi cảnh báo hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trên địa bàn, đề nghị người dân nâng cao cảnh giác. Cùng với đó, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông có văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống loại tội phạm này. Lực lượng chức năng của tỉnh cũng đã đưa ra những khuyến cáo để người dân cùng nhận diện và phòng, chống.
Theo cơ quan công an, bên cạnh các thủ đoạn phổ biến của các đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội như: Chiếm quyền sử dụng Facebook, Zalo, giả danh chủ tài khoản; giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, toà án, ngân hàng; giả danh người nước ngoài kết bạn, làm quen, nhắn tin; thông báo trúng thưởng và nhận quà tặng… thì thời gian gần đây, xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới qua mạng xã hội, hướng đến đối tượng là những người bán hàng online và các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vừa và nhỏ. Cụ thể, các đối tượng giả là người Việt Nam ở nước ngoài, đặt mua hàng của người kinh doanh trong nước. Sau đó, thông qua điện thoại di động hoặc mạng xã hội gửi tin nhắn đường link giả mạo website của dịch vụ chuyển tiền quốc tế và từng bước dẫn dắt các bị hại đăng nhập để rút tiền, chiếm đoạt tài sản.
Thượng uý Hoàng Quý Bảo, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Thanh Hoá, cảnh báo: Do tâm lý muốn bán hàng nên khi các đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin dãy số thẻ ATM của bị hại, sau đó yêu cầu bị hại truy cập vào trang web giả mạo và cung cấp mã thẻ OPT gửi về số điện thoại. Riêng đối với hình thức này thì những người bán hàng thường không đề phòng…
Qua công tác đấu tranh, điều tra, xử lý của cơ quan công an cho thấy phương thức thủ đoạn của loại tội phạm lừa đảo trên không gian mạng là lợi dụng những lỗ hổng bảo mật thông tin của các cá nhân, tổ chức và “đánh” vào lòng tham vật chất của một số cá nhân để thực hiện hành vi phạm tội. Do đó khi tham gia mạng xã hội người dân cần nâng cao cảnh giác, cẩn trọng trong việc cung cấp các thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… cho người khác. Đồng thời có biện pháp bảo vệ các tài khoản ngân hàng, tài khoản cá nhân để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, chiếm đoạt.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa, tội phạm trên không gian mạng hiện rất đa dạng và liên tục thay đổi thủ đoạn lừa đảo. Do đó, để phòng ngừa, người dân cần nâng cao khả năng bảo mật các tài khoản cá nhân như: Google, Facebook, Zalo... Đặc biệt là cần chú ý phân biệt các trang web giả mạo, lấy địa chỉ gần giống với trang web có uy tín đề lừa người dùng đăng nhập. Do vậy, người dùng cần đọc, kiểm tra kỹ địa chỉ của trang web khi có yêu cầu khai báo thông tin đăng nhập hoặc thông tin cá nhân.
Từ ngày 25-5, Chỉ thị 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản có hiệu lực. Đây là động thái thể hiện sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ trong việc chỉ đạo, huy động tất cả các ban ngành cùng vào cuộc xử lý mạnh mẽ hơn nữa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bảo đảm an ninh trật tự, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đồng bộ các giải pháp, thực hiện nghiêm chỉ đạo của các cấp về phòng chống tội phạm; tăng cường tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật và chế tài xử lý đối với tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thông tin rộng rãi, kịp thời, công khai, minh bạch trong nhân dân về chủ trương phát triển kinh tế, an sinh xã hội, dự án bất động sản, quy hoạch xây dựng...
Bám sát thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Công an tỉnh Thanh Hóa thông báo và đề nghị mọi tổ chức, cá nhân nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động tố giác những hành vi vi phạm pháp luật nói trên đến cơ quan Công an hoặc thông tin về điện thoại đường dây nóng của Công an tỉnh là: 02373.725.725; 02373.858.252 để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết theo quy định của pháp luật.
Nguồn: baothanhhoa.vn
Không có nhận xét nào