Xin đừng "tát nước theo mưa"
Nếu như chỉ các thế lực thù địch, các đối tượng bất mãn lợi dụng vụ án này để xuyên tạc, chống phá thì dễ bề nhận diện. Đáng tiếc, một số cá nhân trong nước, trong đó có người là cán bộ, đảng viên, nhất là người có danh vị xã hội lại thiếu tỉnh táo, đưa ra những ý kiến bình luận rất chủ quan...
Vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi (tỉnh Long An) xảy ra từ đầu năm 2008. Quá trình điều tra, truy tố, xác định Hồ Duy Hải là thủ phạm gây ra cái chết của 2 nữ nhân viên tại bưu điện này.
Tại phiên tòa sơ thẩm tháng 12-2008, TAND tỉnh Long An tuyên phạt Hải với mức án cao nhất. Tháng 4-2009, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh giữ nguyên mức án tử hình đối với Hải. Ngày 24-5-2011, sau khi xem xét đơn kêu oan của gia đình Hải, Chánh án TAND Tối cao quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm. Ngày 24-10-2011, Viện trưởng VKSND Tối cao cũng có quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm. Ngày 17-5-2012, Chủ tịch nước có quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình đối với Hải.
Trong thời gian này, trên mạng xã hội, một số đối tượng sử dụng các đài nước ngoài, các trang web, lợi dụng một số sai sót trong quá trình tố tụng vụ án Hồ Duy Hải để mở một "chiến dịch" bôi nhọ nền tư pháp nước ta bằng các bài viết có nội dung xuyên tạc, suy diễn, đưa thông tin lập lờ, không đúng sự thật, gây hiểu sai về một số tình tiết vụ án.
Với thái độ thận trọng trước sinh mạng của một con người, cuối năm 2014, ngay trong ngày dự kiến thực hiện bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước yêu cầu tạm dừng thi hành án để tiếp tục xem xét lại việc Hải có bị oan sai như đơn kêu oan của gia đình Hải hay không.
Ngày 12-12-2018, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội kiến nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm vụ án. Ngày 23-7-2018, Văn phòng Chủ tịch nước yêu cầu Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội có văn bản thể hiện quan điểm, cách giải quyết cụ thể để xử lý dứt điểm vụ án này.
Ngày 22-11-2019, Viện trưởng Viện KSND Tối cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, phúc thẩm đã tuyên bị án Hải tử hình để điều tra lại.
Lúc này, một số đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị trong nước tiếp tục "hùa vào" đả kích chế độ, đưa ra "thuyết âm mưu" theo kiểu "phe này đang đánh phe kia"; khẳng định Hồ Duy Hải bị oan, đòi phải trả tự do ngay cho Hải; thậm chí còn tự phán xét rằng đối tượng A, đối tượng B mới là thủ phạm thực sự, nhưng vì là "con quan to" nên Hải trở thành "vật tế thần"... Những thông tin hỏa mù, lẫn lộn thật giả được nhiều người sử dụng mạng xã hội bình luận, chia sẻ, "like" tạo ra thông tin tràn lan trên mạng xã hội; mục đích các đối tượng nhằm gây sức ép lên cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là trước phiên tòa giám đốc thẩm; làm ảnh hưởng đến tính độc lập, chỉ tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án.
Sự việc càng "nóng" thêm, khi ngày 8-5-2020, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm TAND Tối cao quyết định bác kháng nghị của Viện KSND Tối cao, giữ nguyên mức án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Nếu như chỉ các thế lực thù địch, các đối tượng bất mãn lợi dụng vụ án này để xuyên tạc, chống phá thì dễ bề nhận diện. Đáng tiếc, một số cá nhân trong nước, trong đó có người là cán bộ, đảng viên, nhất là người có danh vị xã hội lại thiếu tỉnh táo, đưa ra những ý kiến bình luận rất chủ quan.
Trong xã hội tôn trọng tự do ngôn luận, tự do bày tỏ ý kiến cá nhân, nhất là trên nền tảng mạng xã hội như hiện nay, việc đưa ra những ý kiến mang tính phản biện, góp ý, phê bình khách quan, có căn cứ... là một kênh thông tin quan trọng để các cơ quan chức năng, Nhà nước và toàn xã hội xem xét, rút ra những bài học, kinh nghiệm, hoặc cũng có thể sử dụng làm căn cứ để xử lý những vi phạm nếu những vụ việc nêu trên mạng xã hội là đáng tin cậy.
Ngược lại, nếu đưa thông tin sai, thông tin chưa được kiểm chứng, hoặc áp đặt ý thức chủ quan vội vã để đưa ra kết luận cá nhân sẽ tạo hiệu ứng tiêu cực, làm lây lan những thông tin không chính xác, gây ảnh hưởng đến uy tín, tạo áp lực lên hoạt động bình thường của cơ quan tiến hành tố tụng thì người viết, tán phát phải chịu trách nhiệm thông tin mình đưa ra.
Thực tế, ở vụ án Hồ Duy Hải, các cơ quan chức năng đã lắng nghe thông tin nhiều chiều để xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải qua nhiều cấp, kéo dài suốt 12 năm nay. Hiện vụ án này vẫn chưa dừng lại, còn được các cấp thẩm tra, xem xét khi còn có những thông tin chưa được làm rõ, để từ đó đưa ra một kết luận thực sự khách quan, công bằng, không làm oan người vô tội nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm.
Một vụ án được quan tâm, xem xét kéo dài, có lúc đồng thuận, có lúc đưa ra quan điểm trái ngược nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng khi phát hiện có những tình tiết mới, thông tin mới, không thể gọi là bước "thụt lùi" của nền tư pháp được mà đó mới là minh chứng thể hiện tính độc lập, chỉ tuân theo pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng. Đó chính là thành quả của cải cách tư pháp, khuyến khích việc tranh tụng để làm sáng tỏ sự thực khách quan của vụ án.
Một cá nhân, một cơ quan, một cấp xét xử không thể tự mình chi phối, áp đặt ý thức chủ quan mà đó là quyết định của cả một tập thể, từ cấp thấp đến cấp cao, lại chịu sự giám sát chéo giữa các cơ quan quyền lực với nhau... Người nào làm sai, người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Với một cá nhân cụ thể, nhất là với người nổi tiếng, là cán bộ, đảng viên cần hết sức thận trọng, có trách nhiệm trong lời nói, phát ngôn; cân nhắc nên viết gì, có chính xác hay không, có khách quan hay không; cho dù là viết trên báo chính thống hay trên mạng xã hội. Nên suy nghĩ độc lập về một sự việc, không nên "đánh bóng" mình bằng cách "tát nước theo mưa". Bởi nếu không tỉnh táo, chính họ đang vô tình trở thành công cụ cho một số thế lực phản động, đối tượng bất mãn, lợi dụng một vụ án để kích động, chia rẽ nhằm thực hiện mưu đồ chính trị của mình.
Nguồn: cand.com.vn
Không có nhận xét nào