Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên điện thoại và không gian mạng
Lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng tội phạm đã sử dụng mạng xã hội hoặc điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây ra những bức xúc trong Nhân dân.
Nhiều thủ đoạn
Mới đây, từ một số máy lạ có đầu số 08794722xx tôi nhận được thông báo trúng thưởng của một shop thời trang với nội dung được tặng miễn phí một lọ nước hoa trị giá khoảng 800.000 đồng. Kỳ lạ là chủ nhân số điện thoại này biết rất rõ, đọc rất chính xác thông tin địa chỉ nhà, nơi làm việc của tôi và xin phép được gửi sản phẩm kèm theo “chú thích” vui lòng khi nhận sản phẩm chị thanh toán cho bên em 200.000 đồng tiền chi phí vận chuyển và bảo quản. Tôi hỏi lại chủ nhân số điện thoại sao báo trúng thưởng và tặng miễn phí mà lại phải thanh toán tiền chi phí 200.000 đồng thì liền nhận được câu trả lời là “tắt luôn máy”. Tôi gọi lại thì thuê bao luôn báo trong tình trạng bận.
Thực tế, đây chỉ là một trong rất nhiều chiêu thức lừa đảo qua điện thoại thời gian gần đây. Trước đó, tôi cũng từng nhận được một số cuộc điện thoại từ số thuê bao lạ thông báo tôi đang có đơn kiện tại Toà án Nhân dân tối cao về một khoản nợ tín dụng, trong khi tôi không vay tín dụng hay trả góp dưới hình thức nào… Còn trên không gian mạng, thời gian gần đây Công an huyện Hoằng Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm An và Nguyễn Anh Quốc đều sinh năm 2001, ở xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, thực hiện biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 1 đối tượng có liên quan và đang tiếp tục điều tra, mở rộng. Theo tài liệu của cơ quan điều tra: Ngày 23-4-2020, N.V.S (SN 2006), trú tại xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa sử dụng điện thoại của mẹ nhắn tin với tài khoản facebook “Trâm Thùy”. Quá trình trò chuyện, đối tượng thông báo cho S. là đã trúng thưởng điện thoại Iphone 11 Pro max và đề nghị S. chuyển cho một số tiền lệ phí để làm thủ tục nhận thưởng qua tài khoản ngân hàng chúng cung cấp. Bằng thủ đoạn câu nhử dần dần, từ số tiền nhỏ đến lớn, S. đã mắc bẫy và liên tiếp chuyển cho chúng 6 lần với tổng số tiền lên đến 12,6 triệu đồng. Sau khi chiếm đoạt được số tiền trên, các đối tượng chặn mọi liên lạc với S. Khi biết mình bị lừa S. và mẹ đã đến Công an huyện Hoằng Hóa tố giác hành vi của các đối tượng trên. Đến ngày 25-5-2020 Công an huyện Hoằng Hoá bắt giữ được các đối tượng. Qua đấu tranh, bước đầu 2 đối trên khai nhận: Với thủ đoạn tương tự, chỉ từ tháng 4-2020 đến khi bị bắt, An và Quốc đã câu kết với một số đối tượng khác thực hiện 23 vụ lừa đảo trên địa bàn khắp cả nước, chiếm đoạt tổng số tiền trên 400 triệu đồng và chia nhau tiêu xài cá nhân.
Trước thực trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại và trên không gian mạng tiếp tục có những diễn biến phức tạp, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát đi cảnh báo hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trên địa bàn, đề nghị người dân nâng cao cảnh giác. Cùng với đó, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông có văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống loại tội phạm này. Lực lượng chức năng đã đưa ra những khuyến cáo để người dân cùng nhận diện và phòng, chống.
Theo Công an tỉnh, hiện nay một thủ đoạn phạm tội phổ biến là các đối tượng sử dụng sim rác, điện thoại để giả danh cán bộ công an, kiểm sát, tòa án dọa dẫm, bắt người dân chuyển tiền vào tài khoản của chúng. Một số đối tượng giả danh người nước ngoài, Việt kiều để làm quen với bị hại, hứa hẹn tặng quà, tặng tiền, sau đó giả danh cán bộ hải quan yêu cầu bị hại chuyển lệ phí thì mới cho thông quan số tiền, quà như đã hứa hẹn và chiếm đoạt số tiền trên... Quá trình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, cư trú nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, xử lý của cơ quan chức năng.
Một thủ đoạn nữa cũng được các đối tượng sử dụng phổ biến trong thời gian qua là đặt mua hàng với số lượng, giá trị lớn của những bị hại sử dụng mạng xã hội bán hàng online và có sử dụng dịch vụ chuyển tiền Internet banking, sau đó chúng gửi đường link và hướng dẫn bị hại đăng nhập tài khoản Internet banking vào trang web giả mạo (được thiết kế sẵn) với giao diện gần giống với giao diện đăng nhập tài khoản của các ngân hàng thương mại. Sau khi có được tài khoản đăng nhập Internet banking của bị hại, các đối tượng thực hiện giao dịch chuyển tiền đến tài khoản khác hoặc mua sắm online, thanh toán hóa đơn… sau đó lấy lý do để nhận tiền hàng, bị hại phải cung cấp số OTP mà ngân hàng gửi về số điện thoại của bị hại.
Chủ động phòng, tránh
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, tội phạm trên không gian mạng hiện rất đa dạng và liên tục thay đổi thủ đoạn lừa đảo. Do đó, để phòng ngừa, người dân cần nâng cao khả năng bảo mật các tài khoản cá nhân như: Google, Facebook, Zalo... Đặc biệt là cần chú ý phân biệt các trang web giả mạo, lấy địa chỉ gần giống với trang web có uy tín đề lừa người dùng đăng nhập vào tài khoản để đánh cắp. Do vậy, người dùng cần đọc, kiểm tra kỹ địa chỉ của trang web khi có yêu cầu khai báo thông tin đăng nhập hoặc thông tin cá nhân.
Theo Công an tỉnh, đa số các trường hợp bị mắc lừa qua mạng xã hội hoặc các hình thức gọi điện thoại như trên thường là phụ nữ hoặc người lớn tuổi. Để phòng tránh loại tội phạm này, người dân cần phải nêu cao ý thức cảnh giác, khi nhận được các thông tin thông báo từ số điện thoại lạ, mạng xã hội cần tiến hành kiểm tra lại thật kỹ mới thực hiện các giao dịch; không vội vàng thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng. Nếu người thân hoặc bạn bè nhắn tin qua các ứng dụng Facebook, Zalo… nhờ giúp đỡ thì cần trực tiếp gọi điện thoại lại để nói chuyện, xác nhận nội dung thông tin.
Về vấn đề này, ông Hoàng Sỹ Thuỳ, Phó Giám đốc Viễn thông Thanh Hoá đưa ra lời khuyên: Người dân cần cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn mà đối tượng yêu cầu giữ bí mật, không cho người thân biết khi nhận giải thưởng, thực hiện chuyển tiền hoặc giả danh công an, kiểm sát, tòa án… đang điều tra hoặc cần tạm giữ tài sản. Ngoài ra, khi phát hiện các dấu hiệu bị lừa đảo cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an để tiến hành xác minh, kịp thời xử lý vụ việc, ngăn chặn không để bọn tội phạm thực hiện được hành vi phạm tội.
Từ ngày 25-5, Chỉ thị 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản có hiệu lực. Đây là động thái thể hiện sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ trong việc chỉ đạo, huy động tất cả các ban ngành cùng vào cuộc xử lý mạnh mẽ hơn nữa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bảo đảm an ninh trật tự, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đồng bộ các giải pháp, thực hiện nghiêm chỉ đạo của các cấp về phòng chống tội phạm; tăng cường tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật và chế tài xử lý đối với tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thông tin rộng rãi, kịp thời, công khai, minh bạch trong nhân dân về chủ trương phát triển kinh tế, an sinh xã hội, dự án bất động sản, quy hoạch xây dựng...
Bám sát thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Công an tỉnh Thanh Hóa thông báo và đề nghị mọi tổ chức, cá nhân nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động tố giác những hành vi vi phạm pháp luật nói trên đến cơ quan Công an hoặc thông tin về điện thoại đường dây nóng của Công an tỉnh là: 02373.725.725; 02373.858.252 để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tin rằng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sẽ không còn những gia đình tan cửa nát nhà vì “sập bẫy lừa đảo”; tội phạm lừa đảo sớm chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Nguồn: baothanhhoa.vn
Không có nhận xét nào