MKRdezign

TIN MỚI

Xử phạt “xe không chính chủ” - cần hiểu đúng quy định pháp luật

Xử phạt “xe không chính chủ” không phải là quy định mới mà đã được quy định từ năm 2016 tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Tuy nhiên, vẫn nhiều người sợ rằng đi xe người khác sẽ bị xử phạt. Vậy, hiểu thế nào cho đúng về lỗi “xe không chính chủ”?
Xử phạt “xe không chính chủ” - cần hiểu đúng quy định pháp luậtLực lượng cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh kiểm tra, kiểm soát các phương tiện tham gia giao thông.
Trao đổi với chúng tôi, chị Lê Quỳnh Anh, TP Thanh Hóa, băn khoăn: “Gần đây, tôi thấy nhiều người dân, thậm chí trên một số trang mạng xã hội có nói nhiều về vấn đề đi “xe không chính chủ” sẽ bị xử phạt. Vậy nếu tôi mượn xe của bố, mẹ, anh, chị, em hoặc bạn bè tham gia giao thông thì có bị phạt hay không?”.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Hải, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa cho biết: “Trường hợp nếu tôi được bố, mẹ cho xe ô tô hoặc xe máy mà tôi chưa đi làm thủ tục đăng ký sang tên xe để chuyển tên chủ xe thì có bị xử phạt đi “xe không chính chủ” hay không?”.
Về vấn đề này, Luật gia Hà Sĩ Thắng, Hội Luật gia tỉnh, cho biết: “Trong Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1-1-2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đều không có cụm từ nào là “xe không chính chủ”. Theo Điểm a Khoản 4, Điểm l Khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì lỗi “xe không chính chủ” là hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe khi mua, được cho, được tặng... Như vậy, không có văn bản pháp luật nào quy định từ “xe không chính chủ” mà theo quy định xe không chính chủ là hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên mình khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế”. Lỗi “xe không chính chủ” không phải cứ đi xe của người khác thì sẽ bị phạt tiền mà chỉ bị xử phạt nếu được xác minh để phát hiện hành vi vi phạm khi thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông và qua công tác đăng ký xe. Cùng với đó, theo quy định tại Điều 53, Luật Giao thông đường bộ thì xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp. Vậy, việc sang tên đổi chủ là việc làm tất yếu, đúng theo quy định của pháp luật và từ đó phục vụ công tác quản lý phương tiện, bảo hộ quyền lợi chính đáng của người dân...
Chiếc xe không chỉ là phương tiện mà còn là tài sản của cá nhân, tổ chức. Thực tế, việc quy định xử phạt hành vi này không phải là mới mà đã được quy định trong các nghị định của Chính phủ từ nhiều năm qua. Đối với quy định về xử phạt vi phạm không làm thủ tục đăng ký sang tên xe để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên mình khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế, Khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: Việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 4, Điểm l Khoản 7 Điều 30 Nghị định này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; qua công tác đăng ký xe. Theo đó, hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe máy, ô tô chỉ bị xử phạt nếu được xác minh để phát hiện hành vi vi phạm trong 2 trường hợp: Thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông và qua công tác đăng ký xe. Về mức xử phạt, cụ thể như sau: Hành vi vi phạm không làm thủ tục đăng ký sang tên xe máy, căn cứ Điểm a, Khoản 4 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt cá nhân bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng; tổ chức bị phạt tiền từ 800.000 đồng – 1,2 triệu đồng. Hành vi vi phạm không làm thủ tục đăng ký sang tên ô tô, căn cứ Điểm l Khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt cá nhân bị phạt từ 2 - 4 triệu đồng; tổ chức bị phạt từ 4 - 8 triệu đồng.
Nguồn: baothanhhoa.vn

Không có nhận xét nào