MKRdezign

TIN MỚI

Lợi dụng vụ án Hồ Duy Hải để xuyên tạc

Trong vụ án Hồ Duy Hải, phán quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao chỉ rõ những sai sót chuyên môn của cơ quan tiến hành tố tụng địa phương, nhưng sai sót đó không làm thay đổi bản chất vụ án. Do đó, không thể suy diễn, thổi phồng vụ án rồi đưa ra yêu cầu “tam quyền phân lập” để chống oan, sai...

Tử tù Hồ Duy Hải sẽ không có mặt tại phiên giám đốc thẩm ngày mai - 1
Nhấn để phóng to ảnh

Hồ Duy Hải tại một phiên tòa xét xử trước đó.

Vụ án Hồ Duy Hải diễn ra cách đây 12 năm và kéo dài đến nay, thu hút sự quan tâm đặc biệt của công luận trong và ngoài nước. Để xem xét toàn diện bản chất vụ án và quá trình tố tụng, từ ngày 6-8/5/2020, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao mở phiên giám đốc thẩm. Tuy nhiên, nhiều đối tượng lợi dụng sự kiện này để xuyên tạc vụ án, bản chất của nền tư pháp XHCN, diễn biến tình hình theo chiều hướng “chính trị hóa” vụ án này.

Tung hỏa mù, suy diễn một chiều

Cụ thể, ngày 8/5/2020, Đài BBC đưa bài viết của đối tượng Nguyễn Văn Đài (đối tượng cầm đầu của tổ chức “Hội anh em dân chủ” vốn đã 2 lần bị kết án tù về tội “Tuyên truyền chống nhà nước” và bị trục xuất sang Đức). Nội dung phát biểu xuyên tạc về vụ án Hồ Duy Hải và cho rằng “Tòa Việt Nam chỉ có tam quyền phân lập mới hết được án oan sai. Với chế độ Cộng sản, họ chỉ coi luật sư là vật trang trí cho đủ phiên tòa, để họ tránh sự chỉ trích từ quốc tế, cũng như từ người dân, vai trò của luật sư ít quan trọng... Sau khi xem hồ sơ, cùng với tất cả chứng cứ mà các luật sư của Hồ Duy Hải đã biện luận trước tòa trước đây, tôi cho rằng đây là một vụ án oan sai”.

Trước đó, ngày 8/5/2020, cũng trên BBC đưa bài phân tích với tiêu đề “không loại trừ cạnh tranh chính trị trong vụ án Hồ Duy Hải”,đồng thời suy diễn cho rằng “ngành tư pháp Việt Nam không vận hành và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Từ đó dẫn đến sự mất niềm tin của người dân vào sự công minh và khách quan của Tòa án, Viện kiểm sát, Công an. Thật nguy hiểm khi sự vi phạm pháp luật của không ít cán bộ công chức tư pháp lại nhân danh pháp luật, dẫn đến những hậu quả, oan sai và ảnh hưởng đến uy tín của ngành tư pháp”.

Ngay sau khi Hội đồng thẩm phán TAND tối cao bác kháng nghị của VKSND tối cao, trên báo Tiếng Dân đã đăng tải nhiều bài phân tích theo chiều hướng tiêu cực một cách có chủ đích, suy diễn vô căn cứ kết quả phiên tòa. Họ luận điệu rằng: Công lý và số phận của Hồ Duy Hải có phải là đã ưu tiên quan trọng nhất? “Y án” không đơn giản chỉ để cứu uy tín chính trị của Chánh án Nguyễn Hòa Bình. Bằng phán quyết này, thành tích “phá án” của cơ quan điều tra 12 năm trước được bảo vệ; nền tư pháp không phải ghi thêm một án oan. Rồi “trong lịch sử tố tụng của Việt Nam, hung thủ các vụ án mạng nghiêm trọng gần như đều nhanh chóng bị bắt. Tiền thưởng, huân chương, sao gạch nhanh chóng được ban phát…”.

Không thể phủ nhận tính chất đặc biệt nghiêm trọng và mức độ phức tạp của vụ án, trong đó có sai sót của cơ quan tố tụng địa phương đã được chỉ ra trong kháng nghị và tại phiên tòa. Tuy nhiên, lợi dụng vào diễn biến xét xử giám đốc thẩm vụ án, nhiều cơ quan truyền thông quốc tế, mạng Internet, các trang phản động hải ngoại và mạng xã hội lợi dụng để tung các bài viết, phân tích theo hướng suy diễn, xuyên tạc. Từ đó miệt thị chế độ, nền tư pháp, cơ quan tố tụng; khoét sâu nỗi đau gia đình bị can, quy kết, suy diễn, chính trị hóa vụ án; kích động, gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin của nhân dân.

Và luận điệu đòi “tam quyền phân lập”

“Tam quyền phân lập” từ lý thuyết đến thực tiễn mô hình, thể chế nhà nước được hình thành, phát triển trong cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản chống chế độ phong kiến quân chủ chuyên chế. Lý thuyết này được các nhà tư tưởng, chính trị, triết học như John Locke (1632-1704) người Anh, Montesquieu (1689-1755) và Jean-Jacques Rouseau (1712-1778) người Pháp sáng lập và phát triển. Theo đó, “tam quyền phân lập” là quyền lực nhà nước cần được chia thành 3 quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Các quyền này có tính độc lập, song có mối quan hệ kiềm chế, đối trọng, kiểm soát lẫn nhau. Sự phân quyền này theo cả chiều dọc và chiều ngang trong hệ thống quyền lực nhà nước tư bản. Không thể phủ nhận, so với thời bấy giờ và xã hội phong kiến, mô hình nhà nước quân chủ chuyên chế phong kiến thì “tam quyền phân lập” là một bước tiến của lịch sử tư tưởng nhân loại về mô hình nhà nước, kiến trúc thượng tầng.

Và thực tế, trên thế giới hiện nay, hầu hết các nước tư bản đều vận dụng thuyết “tam quyền phân lập” trong xây dựng, tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước với các thể chế khác nhau, như cộng hòa tổng thống, cộng hòa nghị viện, quân chủ lập hiến…

Mô hình tổ chức nhà nước của Mỹ là một điển hình của thể chế “tam quyền phân lập”, được coi là văn minh, dân chủ tư sản. Tuy nhiên, liệu “tam quyền phân lập” có hết được án oan sai không? Câu trả lời không. Hãng thông tấn Reuters dẫn công bố báo cáo của Tổ chức theo dõi có tên National Registry of Exonerations cho biết, kỷ lục năm 2015 ở Mỹ có 149 trường hợp được công bố giải oan, với những người được hủy án đã ở tù trung bình khoảng 14 năm.

Cũng trên Reuters, Giáo sư Samuel Gross tại Đại học University of Michigan, người đứng đầu tổ chức trên cho hay: “Hiện đang có sự công nhận rằng đây là vấn đề xảy ra thường xuyên, chứ không phải lâu lâu một lần và không tiên đoán được, những trường hợp được giải oan chỉ như giọt nước trong chiếc xô đầy”.

Trong số những người được giải oan có 58 người bị kết tội sát nhân, kể cả 5 người bị án tử hình. Có chừng 3/4 những trường hợp hủy án sát nhân do gồm cả việc giới hữu trách có hành vi sai trái. Một số đông khác những người bị án oan liên quan đến vấn đề ma túy. Có nhiều trường hợp những người bị giam giữ chờ xét xử đã nhận bừa để khỏi phải ra tòa, nơi họ có thể gặp các bản án nặng nề hơn. Trong năm 2015, Texas có 54 trường hợp được biết là hủy án; New York có 17 và Illinois có 13 vụ...

Như vậy, án oan sai là vấn đề không chỉ của nền tư pháp bất kỳ nước nào, không phân biệt chế độ chính trị xã hội, thể chế quyền lực nhà nước, trình độ phát triển kinh tế, xã hội. Nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có năng lực, ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá trình hoạt động tố tụng của mỗi vụ án cụ thể. Thể chế “tam quyền phân lập” không thể là phương thức và giải pháp duy nhất, phù hợp để giải quyết vấn đề án oan sai hiệu quả.

Sự phân quyền lực theo chiều ngang (lập pháp, hành pháp, tư pháp) và theo chiều dọc (giữa trung ương và địa phương) có giá trị và tính tích cực nhất định, nó tạo ra cơ chế kiềm chế, giám sát, đối trọng giữa các nhánh quyền lực, hạn chế sự lấn quyền, lạm quyền, tập trung quyền lực vào một cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, “tam quyền phân lập” bản thân nó không xóa bỏ được cơ cấu quyền lực, chức vị của tổ chức, cá nhân trong cơ cấu quyền lực nói chung và mỗi nhánh quyền lực nói riêng.

Điều này dẫn đến tác động tiêu cực như: trì hoãn, né trách, phủ quyết các hoạt động, quyết định do lợi ích nhóm, cá nhân; nó không phát huy sức mạnh, nguyên tắc tập trung dân chủ, ý chí, trí tuệ tập thể. Đối với Việt Nam, Cương lĩnh của Đảng xác định: Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.

Quan điểm này phản ánh đúng hiện thực khách quan, đúng bản chất quyền lực của nhà nước xã hội chủ nghĩa, kế thừa những giá trị tinh hoa của nhân loại, trong đó có giá trị tích cực của “tam quyền phân lập”.

Một ví dụ cụ thể như thế để thấy, những suy diễn vô căn cứ, luận điệu trên chỉ là chiêu trò lợi dụng vụ án nhằm thực hiện âm mưu chính trị mà họ đã và đang theo đuổi. Thủ đoạn này cần được nhận diện, mạnh mẽ lên án và đấu tranh.

Đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử ở nước ta, việc để xảy ra một số vụ án oan, sai đã được cơ quan tiến hành tố tụng chỉ ra và các trường hợp đó được đền bù oan, sai theo Nghị quyết 388/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Còn trong vụ án Hồ Duy Hải, phán quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao chỉ rõ những sai sót chuyên môn của cơ quan tiến hành tố tụng địa phương, nhưng sai sót đó không làm thay đổi bản chất vụ án. Do đó, không thể suy diễn, thổi phồng vụ án rồi đưa ra yêu cầu “tam quyền phân lập” để chống oan, sai.

Nguồn: cand.com.vn

Không có nhận xét nào