Xử lý nghiêm những trường hợp nhận hối lộ, cưỡng đoạt tài sản
Nhận hối lộ, cưỡng đoạt tài sản là “tệ nạn” gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận, nhân dân. Nó liên quan đến đạo đức công vụ của công chức, viên chức. Đáng chú ý, trong số các vụ án nhận hối lộ thì không có vùng cấm và đều đã bị xử lý thích đáng.
Nhận thức sâu sắc nguy cơ lớn từ tình trạng tham nhũng, đặc biệt là tình trạng nhận hối lộ, trong những năm gần đây, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiều giải pháp tập trung phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi tham nhũng, nhận hối lộ. Tập trung xây dựng, hoàn chỉnh các quy chế, quy định, các thể chế quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm công khai minh bạch, đặc biệt là trong quản lý kinh tế, ngân sách, đầu tư, tài sản công, tổ chức cán bộ... để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, nhận hối lộ. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, nhận hối lộ trước pháp luật. Điển hình như, qua công tác điều tra, nắm tình hình, chiều 19-3-2020, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt quả tang Nguyễn Ngọc Đính, sinh năm 1963, là Trưởng Phòng Pháp chế Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa đang có hành vi cưỡng đoạt 100 triệu đồng của một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tại cơ quan Công an, Nguyễn Ngọc Đính khai nhận: Từ tháng 2-2020, Đính được giao nhiệm vụ thẩm định hồ sơ xét duyệt xin miễn thuế của 1 Công ty TNHH ở huyện Triệu Sơn. Quá trình thẩm định, Đính liên tục gọi điện cho bà T.T.H. là giám đốc công ty đe dọa: Hồ sơ của công ty không đủ năng lực nên sẽ đề nghị tước giấy phép kinh doanh và không được miễn số tiền 3,6 tỷ đồng... khiến bà H. lo sợ. Khoảng 15h ngày 19-3, Nguyễn Ngọc Đính hẹn gặp bà H. tại sảnh tầng 1 của Khách sạn Lam Kinh (TP Thanh Hóa) và nói rõ với bà H. nếu muốn được giải quyết miễn thuế thì phải đưa cho Đính 100 triệu đồng. Mặc dù không muốn đưa tiền nhưng do sợ bị tước giấy phép kinh doanh và bị thu hồi đất nên bà H. đành chấp nhận giao tiền cho Đính. Sau khi nhận tiền, Nguyễn Ngọc Đính đang đi ô tô về Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa thì bị Cơ quan Công an bắt giữ, tịch thu toàn bộ số tiền 100 triệu đồng mà Đính vừa nhận của bà H.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ”; quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với Hà Văn Tần, sinh năm 1973, nguyên là Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Hóa và Tào Ngọc Mão, sinh năm 1967, nguyên là Trưởng Phòng Tổ chức hành chính Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Hóa về hành vi nhận hối lộ. Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan công an. Từ tháng 8-2018 đến tháng 5-2019, lợi dụng việc thi tuyển công chức, viên chức, Hà Văn Tần và Tào Ngọc Mão khi đó đang giữ chức vụ Giám đốc và Trưởng Phòng Tổ chức hành chính Bệnh viện Đa khoa Quan Hóa đã cấu kết với nhau nhận tổng số tiền là 425 triệu đồng của nhiều lao động hợp đồng để “lo” trúng tuyển.
Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng vừa đưa ra xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo thành viên đoàn Thanh tra tỉnh về tội “Nhận hối lộ”. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra tại huyện Thiệu Hóa, đoàn thanh tra của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, trực tiếp nhận tiền của 6 đơn vị, doanh nghiệp là Tùng Sâm, Cường Quý, Hải Lam, Châu Tú Tài, Thanh Thảo và Trường THCS Thiệu Nguyên với tổng số tiền đã nhận là 594 triệu đồng; trong đó có 364 triệu đồng nhận chung cho cả đoàn và 230 triệu đồng nhận riêng cho các thành viên với mục đích bỏ qua hoặc giảm nhẹ sai phạm nhằm tạo lợi ích kinh tế cho các đơn vị, doanh nghiệp bị thanh tra. Hành vi phạm tội nêu trên của các bị can đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, gây thiệt hại đến lợi ích kinh tế của Nhà nước, gây mất trị an xã hội, ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội.
Đây mới chỉ là 3 trong số ít vụ việc gần đây đã bị phát hiện, bị đưa ra ánh sáng và bị dư luận lên án. Vẫn còn nhiều “con sâu đang cố giấu mình trong kén”, không dễ để “bắt”. Bởi vậy, cuộc chiến “nói không” với tiêu cực sẽ không phải trong một sớm, một chiều. Để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tham nhũng, nhận hối lộ, cưỡng đoạt tài sản, thiết nghĩ các cấp, các đơn vị, địa phương trong tỉnh cần tập trung phối hợp, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi đưa và nhận hối lộ, cưỡng đoạt tài sản; loại khỏi bộ máy Nhà nước cán bộ có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục để tinh thần đấu tranh chống tham nhũng, nhận hối lộ, cưỡng đoạt tài sản, nói không với tham nhũng, nhận hối lộ, cưỡng đoạt tài sản trở thành yêu cầu bức thiết hiện nay, tạo sự đồng thuận giữa các cấp chính quyền và nhân dân trong ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng nhận hối lộ nói riêng và đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung thời gian tới.
Nguồn: baothanhhoa.vn
Không có nhận xét nào