Nỗ lực điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng tại Việt Nam
Trong 3 bệnh nhân nặng, nam phi công bệnh nhân số 91 có nhiều diễn tiến nguy hiểm đến tính mạng thời gian qua. Các chuyên gia đã huy động toàn lực lượng chiến đấu ròng rã.
Tiêu Điểm: Nỗ lực cứu bệnh nhân COVID-19 nặng | VTV24
Tính đến ngày 23/4, Việt Nam đã có tổng cộng 223 ca mắc COVID-19 được điều trị khỏi. Tỷ lệ thể hiện số ca hồi phục chiếm phần lớn, lên đến hơn 80%. Hiện tại chỉ còn 45 bệnh nhân đang được điều trị với 8 bệnh nhân âm tính lần 2; 3 bệnh nhân âm tính lần 1 và 34 bệnh nhân dương tính.
Tỷ lệ bệnh nhân hồi phục tăng dần cho thấy phác đồ hiệu quả của Việt Nam và các biện pháp giãn cách xã hội tốt đã tạo điều kiện cho tỷ lệ hồi phục chiếm cao trong tổng số ca mắc COVID-19.
Tình hình sức khỏe 3 ca bệnh nặng mắc COVID-19
Trong tổng số các ca đang còn điều trị có 3 ca bệnh nặng nhận được sự quan tâm lớn. Những ngày qua, các ca này cũng đã có những dấu hiệu lạc quan.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng tiểu Ban điều trị bệnh nhân COVID-19 cho biết, tình hình 2 nữ bệnh nhân ở BV Nhiệt đới TW Hà Nội cũng đã tạm ổn, vẫn đang được thở máy nhưng những chỉ số đã có cải thiện tốt.
Đối với bệnh nhân phi công người Anh nằm ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đến bây giờ vẫn đang được thở máy, dùng máy lọc thận chậm và sử dụng những biện pháp điều trị như là kháng sinh chống bội nhiễm chống nấm. Tình hình bệnh nhân hiện tại đã có những sinh hiệu ổn định. Tuy nhiên, có một số tổn thương như là tổn thương phổi và một số vấn đề liên quan đến nhiễm trùng nhiễm nấm đang được các bác sĩ đang được kiểm soát.
Đến nay, trong tổng số 24 trường hợp bệnh nhân trở nặng trong quá trình điều trị nhận được sự quan tâm rất lớn và được theo dõi chỉ đạo, đặc biệt từ Tiểu ban điều trị của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19.
Cuối tháng 2/2020, tiểu ban đã thành lập được văn phòng và thông qua hệ thống trực tuyến với tất cả hệ thống của cả nước.
Ròng rã hợp lực cứu phi công người Anh mắc COVID-19
Trong 3 bệnh nhân nặng, nam phi công bệnh nhân số 91 có nhiều diễn tiến nguy hiểm đến tính mạng thời gian qua. Các chuyên gia đã huy động toàn lực lượng chiến đấu ròng rã.
Suốt 1 tháng qua, các bác sĩ và nhiều chuyên gia như "đi trên dây", luôn căng thẳng, ngày đêm túc trực 24/24h tại BV bệnh nhiệt đới TP.HCMđể hợp lực cứu phi công này.
Chỉ 5 ngày được xác định dương tính với SARS-CoV-2, bệnh nhân đã rơi vào suy hô hấp. Các bác sĩ đã can thiệp máy thở nhưng không đáp ứng.
Lúc này, phương pháp Ecmo tuần hoàn ngoài cơ thể tiên tiến nhất đã được các chuyên gia từ Bệnh viện Chợ rẫy sang hỗ trợ. Lúc này, máy sẽ làm thay công việc tim phổi của bệnh nhân.
Tuy nhiên, bệnh nhân lại rơi vào các tình trạng như rối loạn đông máu. Các bác sĩ đã phải căng sức để cứu chữa. Bác sĩ Hảo, người đã điều trị cho nhiều bệnh nhân trong các trận dịch, thậm chí là đại dịch H1N1, đánh giá đây là ca khó khăn nhất từ trước đến nay.
Trong bệnh viện áp lực như vậy nhưng phía bên ngoài, một nhóm chuyên gia hàng đầu của cả nước của tiểu ban điều trị quốc gia về phòng chống COVID-19 cũng đều thường xuyên hội chẩn trực tuyến để hợp lực cứu phi công.
Mặc dù đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực của bệnh nhân phi công 91 nhưng các bác sĩ cho biết, cuộc chiến giành giật sự sống cho bệnh nhân vẫn còn là cuộc đua với thời gian.
Sự nguy hiểm của COVID-19 đối với các đối tượng nguy cơ cao
Vì sao một nam phi công những tưởng sức khỏe rất tốt lại có thể nhanh chóng nguy kịch, đại diện Tiểu ban điều trị COVID-19 cũng cho biết, trong tổng số hơn 268 ca điều trị có 24 ca diễn tiến nặng. Điểm chung của các ca có diễn tiến nặng là người trên 60 tuổi, có các bệnh lý mãn tính. Còn ca phi công có liên quan đến yếu tố béo phì, hệ miễn dịch yếu.
Trong khi virus SARS-CoV-2 không hề đơn giản nên cơ thể đã nhanh chóng suy kiệt khi hệ miễn dịch đã chiến đấu quá nhiều.
SARS-CoV-2 khi vào cơ thể thông qua giọt bắn chứa siêu vi, từ những người mắc bệnh, virus sinh sôi tại niêm mạc đường hô hấp, mượn chính tế bào đường hô hấp để tăng nhanh về số lượng. Siêu vi sẽ tấn công vào các phế nang của phổi, gây ra hiện tượng viêm.
Thông thường, khi virus xâm nhập, hệ miễn dịch sẽ huy động một đội quân bao gồm các bạch cầu, tế bào lympho T và B cũng như các hoạt chất trung gian Cytokin đến để bao vây tiêu diệt virus. Hệ miễn dịch đủ mạnh sẽ chiến thắng virus và hồi phục. Tuy nhiên, với người có hệ miễn dịch yếu, hệ miễn dịch huy động lớn đội quân tiêu diệt virus dẫn đến gây ra cơn bão Cytokin.
Cytokin tự thân là một chất rất quan trọng để tiêu diệt virus nhưng nếu nó sản xuất ra quá lớn, nó có thể quay ngược lại tấn công các tạng phủ của cơ thể. Cơ thể bị virus tấn công gây tổn thương phổi gây suy giảm chức năng hô hấp nghiêm trọng nên cần sử dụng máy thở.
Nếu diễn tiến càng nặng mà bệnh nhân không thể đáp ứng với máy thở, các bác sĩ sẽ cho can thiệp Ecmo tim phổi nhân tạo để phổi tạm nghỉ ngơi và được điều trị để hồi phục. Cùng lúc này, khi cơ thể bị cơn bão Cytokin gây ra suy đa cơ quan, các y bác sĩ sẽ phải phối hợp cùng lúc nhiều chuyên khoa để cứu bệnh nhân. Như vậy, nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong vẫn còn đó với các bệnh nhân khi nhiễm virus SARS-CoV-2.
23/4 cũng là ngày bắt đầu nới lõng giãn cách xã hội trong cả nước. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn nguy hiểm, mọi người vẫn không nên chủ quan. Lúc này, việc tuân thủ các biện pháp phòng bệnh không chỉ bảo vệ bản thân mà trên hết còn là bảo vệ những người có yếu tố nguy cơ diễn tiến nặng như người già trên 60 tuổi, người có bệnh nền.
Những người sống khác vì sự sống người bệnh
Các y bác sĩ, các chiến sĩ ở tuyến đầu vẫn đang ngày đêm nỗ lực chống dịch. Suốt mấy tháng qua họ, gia đình họ đã sống khác thật sự, sống khác vì sự sống của người bệnh.
Hàng trăm y bác sĩ khắp cả nước như thế mấy tháng nay đã sống khác như vậy, gác lại hậu phương là gia đình, con nhỏ. Bệnh viện trở thành nhà và để chiến đấu giành giật sự sống cho người bệnh. Với họ, hạnh phúc là khi người dân tuân thủ quy định phòng bệnh.
Ngoài ra, tuân thủ phòng bệnh còn là cách để tiếp sức các y bác sĩ có đủ thời gian để cứu chữa các bệnh nhân để những trái tim về lại nhịp đập.
Nguồn: VTV
Không có nhận xét nào