Mất dấu F0 đã gây ra ổ dịch COVID-19 lớn nhất hiện nay
Đã 1 tuần trôi qua, kể từ ngày công bố nhân viên đầu tiên của Công ty Trường Sinh mắc COVID-19 nhưng lý do vì sao nhân viên này lại nhiễm bệnh vẫn chưa xác định được.
Bệnh nhân số 231 được cập nhật trong sáng 3/4 cũng là trường hợp nhân viên thứ 27 của Công ty Trường Sinh đã bị nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số người bệnh liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai lên 43 người.
Điều đáng nói, nếu chiếu theo nhận định đã được đưa ra từ các chuyên gia y tế rằng nguồn lây nhiễm chính ở Bệnh viện Bạch Mai đến từ Công ty Trường Sinh - đơn vị cung cấp dịch vụ tại nhà ăn của viện, chứ không phải từ các y bác sĩ thì kể từ ngày công bố nhân viên đầu tiên của công ty này mắc COVID-19, ngày 28/3, đến nay, sau 1 tuần vẫn chưa xác định được tại sao nhân viên công ty Trường Sinh lại bị nhiễm virus.
Theo sơ đồ bệnh nhân COVID-19, tính đến sáng 3/4, liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai, 43 trường hợp mắc bệnh được rải rác ở các điểm là Viện Tim mạch (2 ca), Trung tâm Bệnh nhiệt đới (3 ca), Khoa Phục hồi chức năng (1 ca), Khoa Tiêu hóa (1 ca), Khoa Thần kinh (9 ca) và cuối cùng là nhà ăn của viện do công ty Trường Sinh đảm nhận (27 ca).
Ngoài việc người bị nhiễm là điều dưỡng viên, bệnh nhân, người chăm bệnh nhân tại viện và nhân viên của Công ty Trường Sinh, đáng chú ý nhất về việc có thể lây nhiễm rộng và dắt dây nhau như thế nào là trường hợp số 161.
Người này đã nằm cùng phòng với bệnh nhân đầu tiên phát hiện ở Khoa Thần kinh là số 133. Sau đó, con dâu và cả cháu gái đến chăm sóc cho 161 cũng lần lượt trở thành bệnh nhân số 162 và 163. Bệnh nhân 163 sau đó được xác định là đã tiếp xúc gần với một phụ nữ ở bên ngoài viện, sinh sống ở Long Biên và người phụ nữ này trở thành bệnh nhân số 209. Đến chiều 2/4, trường hợp số 227 dương tính là con trai của bệnh nhân 209.
Điều có thể tạm thời coi là may mắn là nhìn vào Công ty Trường Sinh - ổ dịch lớn nhất, đến thời điểm này vẫn chưa phát hiện thêm trường hợp nào bên ngoài viện có mối quan hệ với 27 người đã được xác định mắc COVID-19. Nhưng việc làm thế nào 27 người này lây nhiễm được cho nhau chưa ai biết chắc chắn. Liệu có phải họ chỉ lây chéo với nhau do làm việc ở cùng một đơn vị và một số người ở cùng với nhau hay còn bị lây từ những nguồn F0 nào khác vẫn chưa tìm thấy? Điều được hi vọng đó là sẽ sớm tìm thấy 1 hoặc nhiều F0 này ngay trong số những người có liên quan tới ổ dịch Bạch Mai đang được khoanh vùng.
Sau khi rà soát tại Bệnh viện Bạch Mai và cả các địa phương có người từng đến viện trong khoảng thời gian từ ngày 12/3 - 28/3, trước ngày viện này phong tỏa, hiện đã có gần 44.300 người nằm trong danh sách khoanh vùng để giám sát sức khỏe, xét nghiệm và cách ly.
Trong số hơn 44.000 người kể trên có hơn 4.700 bệnh nhân nội trú, gần 1.300 bệnh nhân ngoại trú, hơn 30.500 người đến khám, hơn 7.000 người thân, người chăm sóc và 91 người làm cho công ty Trường Sinh cùng 653 người liên quan.
Tính đến 12h ngày 3/3, các địa phương đã tiến hành xét nghiệm toàn bộ những bệnh nhân đã từng điều trị nội trú tại Bệnh viện Bạch Mai và bước đầu cho kết quả 100% âm tính. Cùng thời điểm này, toàn bộ các cán bộ nhân viên y tế của viện đã tham gia xét nghiệm lần 2.
Với những biện pháp kể trên, đến thời điểm này, các chuyên gia y tế và lãnh đạo TP Hà Nội nhận định ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai cơ bản được kiểm soát.
Việc ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai cơ bản được kiểm soát có thể coi là thông tin tích cực. Ngoài ra, để tránh tiếp tục lây lan từ Công ty Trường Sinh đến các bệnh viện khác mà công ty này cũng cung cấp dịch vụ, toàn bộ việc cung cấp của công ty này cũng đã được tạm dừng. Hai bệnh viện khác đã tiến hành khử khuẩn và đang rà soát là Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội và Bệnh viện Nội tiết Trung ương cơ sở 2.
Tuy nhiên, với việc mất dấu F0 tại Bạch Mai, kể cả với 2 điều dưỡng viên đầu tiên dương tính là bệnh nhân số 86, 87 và sau đó là các nhân viên của Công ty Trường Sinh cũng khiến chúng ta có lý do để lo lắng là ngoài cộng đồng vẫn đang có nguy cơ lây lan từ các F0 này.
Vì thế, việc tốt nhất để mỗi người tự bảo vệ bản thân chính là thực hiện theo đúng yêu cầu hãy ở nhà. Ở nhà nhiều nhất có thể và sống theo đúng biện pháp là giãn cách xã hội.
Không có nhận xét nào