Góc khuất đằng sau vụ án Đường "Nhuệ" và các đồng phạm liên quan
Những ngày qua, vụ án triệt phá băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen ở tỉnh Thái Bình do Đường "Nhuệ" cầm đầu đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Đến nay, Đường "Nhuệ" đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về 3 tội danh, ở 3 vụ án hình sự khác nhau. Trong đó có 2 vụ cùng tội cố ý gây thương tích, vụ còn lại liên quan đến tội cưỡng đoạt tài sản vì tổ chức bảo kê, thu phế dịch vụ hỏa táng trên địa bàn.
Khi chuyên án Đường "Nhuệ" dần sáng tỏ, một câu hỏi đang được dư luận đặt ra vào lúc này là tại sao đến bây giờ, hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật của băng nhóm Đường "Nhuệ" mới được làm rõ trong khi những hoạt động theo kiểu xã hội đen của Đường "Nhuệ" và đồng phạm đã diễn ra từ nhiều năm trước, trở thành nỗi sợ hãi với người dân trên địa bàn? Phải chăng là sau khi Đường "Nhuệ" bị bắt, nhiều người mới dám lên tiếng tố cáo?
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, trước đó có một số vụ việc, người liên quan đã gửi đơn tố giác trong thời gian dài nhưng quá trình điều tra lại chưa có kết quả. Mới đây, Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm của tỉnh đã yêu cầu Công an tỉnh xem xét lại hồ sơ các vụ việc này.
Cuối cùng, sau gần 6 năm kể từ khi xảy ra vụ cố ý gây thương tích tại Công an phường Trần Lãm, đến nay Công an tỉnh Thái Bình đã xác định được người đánh nạn nhân, chính là Nguyễn Xuân Đường. Điều mà trước đây Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Thái Bình chưa điều tra được.
Đối với vụ án này, Ban Chỉ đạo 1593 của tỉnh đã nhấn mạnh: "Trong trường hợp có dấu hiệu bao che hay cố ý làm sai lệch kết quả điều tra cần phải xử lý nghiêm minh".
Trong khi chờ kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra, làm rõ có hay không dấu hiệu bao che của những người liên quan thì hôm 25/4, Ban Chỉ đạo 1593 tỉnh Thái Bình đã phát đi thông cáo báo chí nêu rõ quan điểm chỉ đạo trong việc điều tra các vụ án liên quan đến băng nhóm hoạt động theo kiểu "xã hội đen" do Đường, Dương và đồng phạm gây ra.
Cụ thể, tinh thần chung là không để sót, lọt tội phạm và người phạm tội nhưng cũng không được làm oan sai cho người vô tội và tuyệt đối không có bất kỳ vùng cấm nào. Ban Chỉ đạo 1593 tỉnh Thái Bình đã đưa các vụ án của băng nhóm Đường "Nhuệ" vào diện theo dõi, chỉ đạo của ban để chỉ đạo các ngành chức năng làm triệt để, khẩn trương, thận trọng, đảm bảo tuân thủ pháp luật. Do vụ án có tính chất phức tạp, bước đầu thấy có rất nhiều đối tượng phạm tội và có những người liên quan thuộc các cơ quan nhà nước ở địa phương nên phải làm thật kỹ để sáng tỏ mọi vấn đề.
Khi vụ án Đường "Nhuệ" dần lộ sáng thì cũng là lúc dư luận đặt ra câu hỏi: Có hay không sự tồn tại của những Đường "Nhuệ" ở các địa phương khác? Dư luận có quyền hoài nghi vì những gì mà băng nhóm này đã lộng hành tại Thái Bình. Và trên thực tế, sau khi vụ cưỡng đoạt tài sản, thu phí bảo kê dịch vụ hoả táng tại Thái Bình được công an điều tra làm rõ thì lập tức nhiều dịch vụ tang lễ khác tại địa bàn Nam Định đã lên tiếng tố cáo về một băng nhóm bảo kê dịch vụ hỏa táng, hoạt động tương tự như cách mà Đường "Nhuệ" đã làm. Chỉ có điều khác là: Mức phí tận thu trên thân xác của những người đã khuất của băng nhóm này còn cao hơn so với số tiền mà Đường "Nhuệ" đã cưỡng đoạt của các dịch vụ hỏa táng trong vòng 2 năm qua.
Nguồn: VTV
Không có nhận xét nào