20 nước đặt mua kit xét nghiệm nCoV của Việt Nam
Sau khi Việt Nam sản xuất thành công kit thử nCoV, nhiều đối tác đã đặt hàng, trước mắt sẽ xuất sang Ukraine, Phần Lan, Iran và Malaysia, đơn vị sản xuất cho biết.
Hai loại kit chẩn đoán nCoV bằng kỹ thuật sinh học phân tử (RT-PCR và real-time RT-PCR) được nghiên cứu và phát triển thành công bởi Học viện Quân y và Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á, Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị cấp kinh phí nghiên cứu. Kit thử đã được Bộ Y tế cấp phép và đưa vào sản xuất đại trà.
Tại cuộc họp bàn giải pháp ứng phó Covid-19 sáng 17/3, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đánh giá, kết quả này là đóng góp lớn của các nhà khoa học Việt Nam, kịp thời cho công tác chống dịch. Ngay cả trong trường hợp dịch bệnh lan rộng, Việt Nam có thể chủ động kit thử.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, đơn vị sản xuất đủ nguyên liệu cho 180.000 test (1 bộ có 50 test) và đang nhập nguyên liệu để sản xuất thêm 120.000 test. Công ty có thể tiếp tục sản xuất thêm nếu được bổ sung nguyên liệu từ Mỹ và các quốc gia khác.
Sinh phẩm xét nghiệm nCov do Việt Nam sản xuất, mỗi bộ gồm 50 test. Ảnh: BN.
|
Ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á cho VnExpress biết, 20 quốc gia đang đàm phán mua bộ sinh phẩm. Trước mắt công ty sẽ xuất khẩu sang Iran, Phần Lan, Malaysia, Ukraine. Trong số này Iran đặt 200.000 test (4.000 bộ), Ukraine đặt 15.000 test (300 bộ).
Trong nước, "Thành phố Hà Nội cũng đặt 200.000 test để sử dụng cho nhu cầu của Hà Nội và xuất khẩu tặng Italy", ông Việt nói.
Nhóm nghiên cứu đang tập huấn kỹ thuật xét nghiệm tại nhiều cơ sở trong nước như: CDC Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, CDC Bắc Giang, Bệnh viện Bạch Mai... Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, "Kit real-time RT-PCR của Việt Nam có nhiều ưu điểm hơn (cho kết quả nhanh hơn, dễ sử dụng hơn so với Kit của CDC Mỹ và WHO đang sử dụng) nên các đơn vị sử dụng phản hồi tốt về chất lượng kit".
Kit công nghệ sinh học phân tử được sử dụng để chẩn đoán bệnh nhân nCoV cho kết quả chính xác nhất so với các công nghệ khác như đẳng nhiệt hay các loại test nhanh mà nhiều công ty trên thế giới đang phát triển. Tuy nhiên, người sử dụng kit phải là cán bộ y tế, dùng trong phòng thí nghiệm, có thiết bị PCR, Real-time RT-PCR (xét nghiệm kháng nguyên), được tập huấn kỹ thuật sử dụng.
Việt Nam hiện có 30 cơ sở có thể xét nghiệm nCoV, trong đó có ba đơn vị xét nghiệm đạt chuẩn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận gồm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Hà Nội, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang. Các đơn vị này đã chuyển giao công nghệ, tập huấn chuyên môn cho 22 phòng xét nghiệm đủ máy móc và nhân lực theo tiêu chuẩn của WHO.
Kit Việt Nam sản xuất có độ tương thích với các loại máy PCR hiện có trong nước nên các nhà khoa học đang đề nghị Bộ Y tế cấp phép thêm số phòng thí nghiệm được tham gia xét nghiệm, giúp đẩy nhanh việc chẩn đoán bệnh nhân Covid-19.
Nguồn: vnexpress.net
Không có nhận xét nào