Ý nghĩa chiến lược của EVFTA đối với EU
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) đã được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua ngày 12-2.
Việc có thể tự do tham gia vào một thị trường lớn và thống nhất như Liên minh châu Âu (EU) là cơ hội hiếm có của Việt Nam – nền kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên, đối với EU, việc ký được hiệp định “tiêu chuẩn cao” này với Việt Nam cũng là một thành tựu không nhỏ bởi EVFTA cũng có ý nghĩa chiến lược quan trọng trên 3 phương diện.
Ý nghĩa chiến lược quan trọng trên 3 phương diện
Thứ nhất, EVFTA sẽ giúp EU mở rộng thị trường tại ASEAN. Mặc dù quy mô kinh tế của Việt Nam còn nhỏ, nhưng rất năng động. Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân những năm gần đây đạt khoảng 7%, thương mại song phương với EU đã tăng từ hơn 11 tỷ euro năm 2009 lên 50 tỷ euro vào năm 2018.
Theo dự kiến, sau khi EVFTA có hiệu lực vào đầu năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU sẽ tăng 20% trong năm 2020. Và nếu hiệp định này được thực hiện suôn sẻ và hỗ trợ cho nền kinh tế Việt Nam phát triển, nó sẽ có tác dụng điển hình đối với các nước ASEAN khác. ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU, sau Mỹ và Trung Quốc, nên EU luôn kỳ vọng đạt được Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với ASEAN.
Thành công của các cuộc đàm phán song phương sẽ trở thành “hòn đá tảng” cho hiệp định EU-ASEAN. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia ASEAN thứ hai đạt được thỏa thuận với EU sau Singapore. Bên cạnh đó, với hơn 95 triệu dân, Việt Nam cũng là thị trường có sức thu hút lớn, sau khi EVIPA có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp EU sẽ quan tâm đầu tư tại đây, không chỉ ở thị trường địa phương, mà còn bao phủ khu vực sông Mekong.
Thứ hai, EVFTA giúp EU giành được lợi thế dẫn đầu trong cạnh tranh về quy tắc quốc tế. Là một tập thể gồm các nước phát triển, EU và các nước đang phát triển có nhiều sự khác biệt về tiêu chuẩn trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, khí hậu, quyền lao động, mua sắm chính phủ, y tế, thuốc men và quyền sở hữu trí tuệ... EU luôn cố gắng phổ biến các quy tắc của mình ra bên ngoài, nhưng hầu hết các nước đang phát triển khó có thể chấp nhận.
Tuy nhiên, là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đã chấp nhận gần như hoàn toàn các “quy tắc quốc tế” này, đây là chiến thắng quan trọng đối với EU, giúp EU có thể “tự tin hơn” trong thúc đẩy các quy tắc này trên trường quốc tế.
Chẳng hạn về quyền lao động, cả hai bên sẽ chấp nhận các nguyên tắc cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế, bao gồm những lao động có thể tự do tham gia công đoàn. Về phương diện mua sắm chính phủ, các doanh nghiệp EU sẽ có cơ hội như các doanh nghiệp địa phương. Trong lĩnh vực như ôtô, dược phẩm, Việt Nam công nhận các tiêu chuẩn an toàn của EU...
Thứ ba, EVFTA sẽ giúp EU tăng thêm sức nặng trong cuộc chơi với các nước lớn. Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của EU, nhưng sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, hai bên đã liên tục mâu thuẫn với nhau.
Quan hệ Mỹ-EU đối mặt với những thách thức nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến II. Chủ nghĩa đa phương của EU và chính sách “"Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump tồn tại sự khác biệt lớn. Về vấn đề kinh tế và thương mại, hai bên liên tục mâu thuẫn trong các vấn đề thuế quan đối với thép và nhôm, nông sản, chính sách trợ cấp cho Boeing và Airbus.
Trong tình hình này, nếu EU có thể đạt được tiến bộ quan trọng trong đàm phán với các nền kinh tế khác thì sẽ nắm quyền chủ động hơn trong cuộc chơi với Mỹ. Về quan hệ với Trung Quốc, mặc dù sự hợp tác chung giữa hai bên diễn ra thuận lợi, nhưng EU vẫn luôn phàn nàn về các vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu chuẩn lao động, mua sắm chính phủ và trợ cấp chính phủ.
Do kỳ vọng của hai bên vẫn có sự khác biệt lớn, nên các cuộc đàm phán thương mại tự do vẫn chưa được đưa vào chương trình nghị sự. Đối với EU, việc có thể ký được thỏa thuận “tiêu chuẩn cao” với Việt Nam là một thành tựu lớn, thậm chí có thể coi là một tham chiếu vào đàm phán với Trung Quốc trong tương lai.
Tóm lại, tuy quy mô kinh tế của Việt Nam tương đối nhỏ, nhưng việc đạt được thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam là một thắng lợi quan trọng của EU trong việc thúc đẩy chiến lược tự do thương mại, đồng thời cũng có ý nghĩa chiến lược nhất định đối với khối này.
EVFTA mang ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với EU. |
Mở ra tiềm năng thị trường rất lớn cho các doanh nghiệp châu Âu
Đó là nhận định mà Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng liên bang Đức Peter Altmaier đưa ra sau khi hai Hiệp định trên được EP thông qua. Ông nhấn mạnh Việt Nam là thị trường đạt mức tăng trưởng cao với tiềm năng thị trường rất lớn cho các sản phẩm và dịch vụ của châu Âu.
Theo ông, hai Hiệp định EVFTA và EVIPA đảm bảo cho các sản phẩm của châu Âu tiếp cận Việt Nam - thị trường ngày càng trở nên quan trọng hơn. Bộ trưởng Peter Altmaier cũng gọi việc EP thông qua hai thỏa thuận với Việt Nam là “tín hiệu quan trọng cho thương mại tự do cũng như chống lại chủ nghĩa bảo hộ”.
Trong khi đó, các hiệp hội công nghiệp, ngoại thương của Đức hoan nghênh việc EP thông qua các thỏa thuận thương mại với Việt Nam. Giám đốc Hiệp hội Công nghiệp liên bang Đức (BDI) Joachim Lang cho rằng ngành công nghiệp Đức đã thở phào với việc các thỏa thuận được thông qua bởi điều này sẽ giúp đẩy mạnh các trao đổi kinh tế với Việt Nam, đồng thời ông cũng kêu gọi nhanh chóng để hiệp định có hiệu lực.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Bán buôn, Ngoại thương và Dịch vụ liên bang Đức (BGA) Holger Bingmann coi đây là cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp châu Âu. Theo ông Bingmann, đây là hiệp định thương mại tham vọng nhất mà EU đàm phán với một nước đang phát triển và thỏa thuận này sẽ góp phần vào tăng cường quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp hai bên.
Theo số liệu của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK), trong năm 2018, xuất khẩu của Đức vào Việt Nam đạt 4,1 tỷ euro, tăng 18% so với năm trước đó. Chiều ngược lại, Việt Nam đã xuất sang Đức số hàng hóa trị giá 9,8 tỷ euro, tăng 1,4%.
Trong khi đó, ngay sau khi EP thông qua hai hiệp định với Việt Nam, các hãng tin, tờ báo lớn, kênh truyền hình và đài phát thanh của Đức đều đưa tin về sự kiện này. Kênh truyền hình ZDF đưa tin, với việc được đa số nghị sĩ ở Strasbourg (Pháp) ủng hộ, EP đã bật đèn xanh cho EVFTA và như vậy rào cản cuối cùng đối với thỏa thuận này đã được dỡ bỏ, theo đó sẽ giúp xóa bỏ hàng rào thuế quan giữa hai bên.
Trong khi đó, nhân sự kiện trên, báo Tấm gương hàng ngày (Tagesspiegel) đã có bài viết mô tả sự phát triển bùng nổ về kinh tế-xã hội ở Việt Nam. Bài báo dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) để chứng minh cho điều này. Theo đó, trong giai đoạn từ 2002-2018, đã có 45 triệu người Việt Nam thoát nghèo.
Theo các nhà kiểm toán PwC, trong năm 2017, Việt Nam là nền kinh tế quốc dân đạt tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Bên cạnh đó, quốc gia Đông Nam Á cũng có tiềm năng to lớn khi có tới 70% trong tổng số khoảng 96 triệu dân dưới 35 tuổi. Đây là những tiềm năng mà EU muốn khai thác.
Theo truyền thông Đức, với việc EP thông qua EVFTA, rào cản thực sự cuối cùng đối với hiệp định thương mại này đã được xóa bỏ, mở ra những cơ hội thị trường to lớn cho các doanh nghiệp Đức và châu Âu. Trên lý thuyết, Hội đồng Liên minh châu Âu và Quốc hội Việt Nam cần phê chuẩn để hiệp định chính thức có hiệu lực, khác với EVIPA vẫn cần sự phê chuẩn của nghị viện tất cả các nước thành viên EU.
Thấy gì từ EVFTA được ký kết? | VTV24
Nguồn: cand.com.vn
Không có nhận xét nào