Huy động toàn dân phòng chống, không để dịch bệnh lây lan
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, chiều 4/2, tại Hà Nội.
Virus Corona ở Việt Nam đã ở thế hệ thứ hai
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch nCoV cho biết, hiện nay phương pháp xét nghiệm dịch bệnh đã tốt hơn nhưng vẫn chưa có thuốc đặc trị cho virus Corona.
“Tôi vừa gặp đại diện WHO 2 tiếng trước, họ cho biết thuốc đặc trị chưa có”, Phó Thủ tướng nói. Tuy nhiên Phó Thủ tướng đánh giá Việt Nam cho đến thời điểm này kiểm soát dịch tốt.
Về thông tin khi nào dịch lên đến đỉnh điểm thì có nhiều nghiên cứu khác nhau. Có người dự đoán 2 tuần nữa sẽ là đỉnh điểm, nhưng cũng có người cho rằng 1 đến 1,5 tháng nữa nên ta phải chuẩn bị thật tốt.
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. |
Phó Thủ tướng cho rằng, mình đang làm tốt nhưng không chủ quan. “Vừa qua Thủ tướng thành lập Ban Chỉ đạo rất kịp thời, “chống dịch như chống giặc”. Hiện chúng tôi đã họp và chỉ đạo hết sức cụ thể. Ngành Y tế kết hợp Quân y và Y tế Công an chuẩn bị hết sức sẵn sàng các phương án”, Phó Thủ tướng cho hay.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đây là dịch bệnh dễ lây, khó phòng, biện pháp quan trọng nhất hiện nay là cách ly. Hiện nay có 3 vòng cách ly là cách ly tuyệt đối người bệnh, nghi nhiễm bệnh; vòng hai là cách ly 14 ngày những trường hợp người nhập cảnh Việt Nam đến từ các vùng dịch của Trung Quốc; những người tiếp xúc xung quanh thì cách ly hạn chế.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, việc cách ly đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là các địa phương. Cách ly tốt thì mới phòng chống dịch hiệu quả. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nhận định, dịch ở Việt Nam đã ở “thế hệ thứ 2”, tức là có bệnh nhân F2 - lây bệnh từ người Trung Quốc tại Việt Nam (thế hệ 1 là người mang bệnh từ Trung Quốc sang).
Đặc biệt, bệnh nhân dương tính mới nhất ở Vĩnh Phúc không sống cùng bệnh nhân mà dịp Tết có tụ họp cùng nhau và lây bệnh. Do đó cho thấy đã có sự lây lan trong cộng đồng. Còn về trang thiết bị, thuốc men thì ngành y tế đã sẵn sàng...
Toàn cảnh cuộc họp. |
Phát biểu tại cuộc họp, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, trong tình hình đặc biệt phải có những giải pháp đặc biệt, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và cấp uỷ, chính quyền vào cuộc.
Trong đó một biện pháp hết sức quan trọng là đảm bảo tuyên truyền đến tất cả người dân một cách chính xác, kịp thời để xây dựng ý thức tự phòng tránh.
Dẫn chứng một số trường hợp cụ thể, đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự phòng tránh dịch bệnh bằng các kiến thức khoa học và cập nhật các thông tin chính thức từ các cơ quan chức năng. Đặc biệt, cần hết sức cảnh giác, thận trọng với những thông tin sai lệch, không chính xác, gây nhiễu loạn trên mạng xã hội.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an sẽ có biện pháp để rà soát, kiểm soát, không để nguồn dịch xâm nhập từ ngoài vào Việt Nam...
Không chủ quan nhưng cũng không bi quan, hoang mang
Phát biểu kết luận, Thủ tướng cho rằng, chúng ta đã chỉ đạo quyết liệt, chủ động, đồng bộ. Các tổ chức quốc tế như WHO hay UNICEF đánh giá Việt Nam đã chủ động và hoan nghênh các giải pháp chúng ta đưa ra.
Các bộ, ngành, địa phương đã hoạt động và hưởng ứng tích cực các chỉ thị của Trung ương về chống dịch. Việc chỉ đạo thông suốt, hiệu quả, chúng ta đã chữa khỏi 4 ca nhiễm bệnh. Chúng ta cũng đã phát huy vai trò chủ tịch ASEAN và quan hệ với Trung Quốc.
“Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao hệ thống chính trị cũng như ban chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương. Diễn biến dịch lây lan phức tạp, khó lường nên tuyệt đối không chủ quan, nhưng cũng không bi quan, hoang mang từ tuyên truyền đến cách làm”, Thủ tướng nói, đề nghị tích cực ứng phó, chủ động trên tất cả các mặt trận từ ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế…
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn. |
Thủ tướng khẳng định, chúng ta chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân nhưng đồng thời cần chủ động giữ nhịp độ phát triển ở một số ngành như: hàng không, du lịch, chứng khoán, nông sản. Cần tái cơ cấu sớm các ngành kinh tế, có các đối sách, giải pháp để giảm thiểu các tác động về kinh tế của dịch.
Thủ tướng đề nghị các cấp các ngành thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng, Thường trực Ban Bí Thư và Trung ương. Trong đó các Bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh huy động hệ thống chính trị, huy động toàn dân phòng ngừa, phòng chống mới hiệu quả.
“Tinh thần là không để dịch bệnh lây lan, coi việc chống dịch như chống giặc, các bộ ngành địa phương đều phải có thường trực theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nêu nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế rà soát lại kịch bản, phương án ứng phó đã được giao, nhưng không gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ liên quan cần có phương án chủ động hơn, phân tích, tính toán, rà soát, điều chỉnh để xử lý các kịch bản tăng trưởng mới theo ngành, lĩnh vực hàng quý và cả năm 2020.
Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly y tế đối với công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc và những người từ Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam trong 14 ngày. Sàng lọc và điều trị theo tinh thần “4 tại chỗ”; hạn chế tối đa lây chéo, kiểm tra phương tiện, trang bị, vật tư, thuốc để phục vụ phòng chống dịch.
Xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, đưa tin thất thiệt
Bộ Ngoại giao chủ động có văn bản trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng của Trung Quốc về các chủ trương, biện pháp phòng chống dịch bệnh của Việt Nam. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ Quốc phòng, Công an tạo điều kiện thuận lợi để công dân Trung Quốc về nước. Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các bộ, các tỉnh có cửa khẩu với Trung Quốc quản lý nghiêm ngặt việc xuất nhập cảnh, đi lại ở cửa khẩu. Chỉ đạo bộ đội biên phòng kiểm soát chặt chẽ đường mòn, lối mở.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra việc thực hiện dừng hẳn các lễ hội chưa khai mạc và giảm quy mô các lễ hội tại địa phương; phối hợp với các tỉnh đã công bố dịch triệt để thực hiện việc dừng tất cả các lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể việc cho học sinh nghỉ học, việc dọn vệ sinh tất cả các trường học, hướng dẫn học sinh khi đi học trở lại thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo việc không để người Việt Nam di chuyển đến vùng có dịch của Trung Quốc, tạo điều kiện để đưa người Trung Quốc ra khỏi Việt Nam. Phối hợp chặt chẽ với Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao Y tế để đón người Việt Nam từ Trung Quốc về nước một cách chặt chẽ và cách ly. Có phương án xử lý phù hợp trong việc chống dịch đối với hoạt động vận tải đường sắt với Trung Quốc tương tự như với đường bộ, hàng không.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương theo nhiệm vụ, chức năng được giao kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá khẩu trang, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch, đưa tin thất thiệt về dịch bệnh, kể cả khởi tố, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
“Các bộ: Công an, Công thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, UBND các địa phương phải làm tốt việc này, kể cả việc tuyên truyền, nêu các tấm gương người tốt việc tốt trong phòng chống dịch”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia, Ban chỉ đạo các địa phương các tỉnh nghiêm túc thực hiện giải pháp phòng chống dịch đặc biệt tại các khu công cộng, tăng cường khử trùng các nơi tập trung đông người như các trường học, nhà ga, chợ, chung cư cao tầng. Thủ tướng Chính phủ cũng khuyến nghị hạn chế các cuộc họp, hội nghị đông người, trừ trường hợp cần thiết để tạm thời phòng chống dịch...
Nguồn: cand.com.vn
Không có nhận xét nào