'Chính phủ điện tử là một giải pháp ngăn dịch nCoV'
HÀ NỘINhiều cơ quan, trường học ứng dụng Chính phủ điện tử trong giao dịch, hạn chế tiếp xúc trực tiếp là một giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ quan điểm trên tại hội nghị trực tuyến của Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, ngày 12/2.
Ông cho rằng, Chính phủ điện tử không phải làm một lúc là xong mà chia thành nhiều giai đoạn và phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc. "Yếu tố con người, thể chế phải được đặt lên hàng đầu, sau đó mới đến công nghệ", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP
|
Dẫn công bố của Tổ chức Minh bạch quốc tế năm 2019, Việt Nam đứng thứ 96/180 (tăng 21 bậc so với năm trước), Thủ tướng cho hay Chính phủ điện tử có đóng góp quan trọng, bởi "nếu tiếp tục làm thủ công, tiếp xúc trực tiếp giữa người làm thủ tục và giải quyết thủ tục thì có thể xảy ra tham nhũng vặt".
Đến nay, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia. Việt Nam lần đầu tiên liên thông thủ tục cấp giấy khai sinh ở cấp xã và thẻ bảo hiểm y tế cấp huyện. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thứ hạng chưa cao về xây dựng Chính phủ điện tử so với các nước trong khu vực và thế giới.
Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân của thực trạng trên là cơ sở dữ liệu cá nhân chưa được bảo vệ; một số khâu làm chưa đồng bộ; nhiều nơi còn "án binh bất động".
Vì vậy, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các cơ quan hoàn thiện hành lang pháp lý cho Chính phủ điện tử; trong năm 2020 phải ban hành các nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu; định danh và xác thực điện tử; thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Thủ tướng nhấn mạnh 3 mục tiêu là tất cả các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu; nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh phải được kết nối vào nền tảng dữ liệu quốc gia; các bộ, ngành, tỉnh có trung tâm giám sát điều hành an toàn, an ninh mạng.
"Dù là cảnh sát giao thông hay tổng cục trưởng, vụ trưởng, người đứng đầu nói chung đều phải am hiểu và triển khai Chính phủ điện tử", Thủ tướng nói và nhấn mạnh "không để tình trạng chúng ta ứng dụng công nghệ thông tin mà bộ máy lại phình ra, thủ tục phức tạp hơn".
Bộ Thông tin Truyền thông, Kế hoạch Đầu tư, Tài Chính được giao đề xuất chuyển một phần từ Quỹ viễn thông công ích cho các dự án nền tảng dùng chung của Chính phủ điện tử; báo cáo để Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội trong quý 1/2020.
Đồng thời, Bộ Thông tin Truyền thông nghiên cứu đề xuất xây dựng Trung tâm giám sát quốc gia về Chính phủ điện tử để giám sát hạ tầng mạng, an toàn, an ninh mạng và các dịch vụ khác; xây dựng ứng dụng để người dân có thể truy cập được mọi dịch vụ trên điện thoại.
Tại hội nghị, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tích cực tham gia xây dựng Chính phủ điện tử để giúp đất nước và có kinh nghiệm đi ra thế giới.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, bản chất của Chính phủ điện tử là ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sự điều hành của bộ máy sao cho minh bạch, hiệu quả hơn và huy động người dân tham gia vào quản trị xã hội.
Ông đề nghị, trước tiên cần đẩy nhanh việc hoàn thiện, ban hành các văn bản pháp lý công nhận giá trị của hồ sơ điện tử, chữ ký số, hoá đơn điện tử, thanh toán điện tử...
"Tất cả cơ sở dữ liệu của các bộ không phải là của riêng bộ đó mà là của Chính phủ. Thủ tướng có quyền điều hành và phân quyền cho các bộ khác. Các tỉnh cũng phải theo mô hình đó. Làm như vậy mới liên thông được. Đây là việc rất quan trọng, nếu không tất cả cứ nói mà cuối cùng không liên thông được", Phó thủ tướng nói.
Từ khi khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia vào tháng 12/2019 đến nay, đã có hơn 47.000 tài khoản đăng ký; hơn 13,7 triệu lượt truy cập; hơn 945.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái. Đã có 9/22 Bộ và 63 thành phố kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Từ tháng 3/2019 đến nay, đã có 1,26 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia.
Nguồn: vnexpress.net
Không có nhận xét nào