Tăng cường tuyên truyền, cảnh giác các chiêu trò lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội
Những năm gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa rất nhiều vụ việc về các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng internet, mạng viễn thông, như: Lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn trúng thưởng tới các số điện thoại; giả danh người nước ngoài nhắn tin làm quen và gửi quà tặng về Việt Nam; giả danh cơ quan thực thi pháp luật gọi điện yêu cầu người dân nộp tiền vào tài khoản để kiểm tra, sau đó chiếm đoạt; chiếm đoạt quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội để lừa đảo; lừa đảo qua hoạt động trao đổi, mua bán hàng qua mạng... và các thủ đoạn lừa đảo của các loại tội phạm. Thế nhưng, đến nay vẫn có người nhẹ dạ, cả tin để rồi bị lừa.
Điển hình như anh A., ở huyện Tĩnh Gia bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền 63,2 triệu đồng. Khi nhận được thông báo qua facebook, anh A. đã làm theo hướng dẫn của các đối tượng, sau đó các đối tượng yêu cầu anh nộp 3,5 triệu đồng phí hồ sơ để được nhận phần thưởng gồm 1 xe máy SH trị giá 97 triệu đồng và 200 triệu đồng tiền mặt. Vì tin lời các đối tượng, anh A. đã nộp tiền thì tiếp tục được các đối tượng yêu cầu phải nộp 29,7 triệu đồng tiền thuế VAT. Tuy nhiên, sau khi nộp số tiền trên vào tài khoản, anh A. tiếp tục được yêu cầu nộp thêm 30 triệu đồng nữa để lấy mã code 6 số, vì sau khi có mã này thì mới nhận được phần thưởng. Nghĩ rằng đã đến bước cuối để được nhận phần thưởng trị giá gần 300 triệu đồng, anh A. đã nộp tiền theo yêu cầu của các đối tượng. Tuy nhiên, phần thưởng không thấy đâu, anh A. còn bị các đối tượng trên chặn mọi liên lạc. Biết mình bị lừa, anh A. đã làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng.
Từ thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo qua mạng như trên, tháng 8-2019, Công an huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 2 đối tượng Nguyễn Đức Thiên An (sinh năm 1999) và Ngô Xuân Đạt (sinh năm 2001), đều ở xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Kết quả điều tra ban đầu của Công an huyện Tĩnh Gia, thông qua mạng xã hội facebook, An đã mua hàng trăm tài khoản mạng xã hội facebook với giá 10.000 đồng/1 tài khoản, sau đó đổi tên hiển thị của các tài khoản này thành tên messenger Việt Nam, rồi soạn sẵn tin nhắn trúng thưởng và nhờ Đạt gửi đến các tài khoản có tên trong danh sách bạn bè. Nếu có người liên lạc lại, An sẽ hướng dẫn họ đăng nhập vào đường link của trang web hopquamxh và làm theo chỉ dẫn để nhận thưởng. Bằng thủ đoạn trên, An và Đạt đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người trên khắp cả nước với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng.
Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa cũng vừa điều tra làm rõ và bắt giữ 5 đối tượng gồm: Võ Văn Tuấn Kiệt (sinh năm 1996), Trần Quang (sinh năm 1992), Trương Đức Huy (sinh năm 1999), Huỳnh Văn Lâm (sinh năm 1997), đều ở tỉnh Quảng Nam và Nguyễn Văn Thanh (sinh năm 1999) ở TP Đà Nẵng về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan Cảnh sát điều tra, Võ Văn Tuấn Kiệt đã cùng với các đối tượng trên mua các trang web “Sukien26.com”, “Quatang152.com”, “monquavn25.com” và soạn thư trúng thưởng với nội dung: Xin chúc mừng tài khoản facebook của bạn đã may mắn nhận được giải nhất từ tuần lễ tri ân khách hàng năm 2019 trên trang web “Sukien26.com”, kèm mã số trúng thưởng và giải thưởng gồm 1 xe máy Honda SH 150i Việt Nam, 1 phiếu quà tặng tiền mặt trị giá 250 triệu đồng và 1 phiếu đổ xăng miễn phí trị giá 5 triệu đồng.
Sau đó các đối tượng này mua hàng trăm tài khoản mạng xã hội facebook với giá 10.000 đồng/1 tài khoản và đổi tên hiển thị của các tài khoản này thành tên Messenger Việt Nam rồi gửi tin nhắn trúng thưởng soạn sẵn đến các tài khoản có tên trong danh sách bạn bè. Nếu có người liên lạc lại, bọn chúng sẽ hướng dẫn họ đăng nhập vào đường link của trang web và làm theo chỉ dẫn để nhận thưởng. Với thủ đoạn trên, Võ Văn Tuấn Kiệt và các đối tượng trên đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người trên khắp cả nước với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Theo cơ quan chức năng, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng vẫn là những “chiêu, trò” không mới. Để tạo niềm tin, các đối tượng thường chủ động gọi điện thoại, nhắn tin làm quen với các nạn nhân là phụ nữ trẻ ít hiểu biết, người cao tuổi, người về hưu, người dân tộc thiểu số... Chỉ cần ai nhẹ dạ, cả tin chuyển tiền vào các tài khoản định sẵn, các đối tượng lập tức rút sạch và cắt liên lạc. Để nâng cao cảnh giác cho người dân, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo. Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân lơ là với các thông tin cảnh báo trên hoặc quá cả tin vào những “chiếc bánh vẽ” của các đối tượng lừa đảo để rồi bị “sập bẫy”.
Trao đổi về vấn đề này, Luật gia Hà Sỹ Thắng, Hội Luật gia Thanh Hóa cho biết: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) bổ sung 5 tội danh mới về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông góp phần rất lớn vào việc đấu tranh, xử lý loại tội phạm này. Tuy nhiên, tội phạm liên quan đến công nghệ thông tin, mạng viễn thông có xu hướng gia tăng.
Thiết nghĩ, để nâng cao cảnh giác cho người dân, ngoài công tác tuyên truyền như lâu nay đó là thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, nên chăng công an các xã, phường, thị trấn phối hợp với công chức văn hóa, tư pháp và các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền về các thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội, các hình thức và mức xử phạt theo quy định của pháp luật trong các cuộc họp hội, đoàn; tăng cường thời lượng tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của các thôn. Ngoài ra, đơn vị viễn thông cũng nên gửi tin nhắn cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo qua tin nhắn, qua mạng xã hội đến các thuê bao điện thoại để người dân biết.
Nguồn: baothanhhoa.vn
Không có nhận xét nào