MKRdezign

TIN MỚI

Nạn mạo danh “phóng sự truyền hình” trục lợi người bệnh

Mặc dù các clip quảng cáo này chưa từng được phát trên bất kỳ kênh sóng nào của các đài truyền hình, song chúng vẫn được ngụy tạo như một chương trình chính thống rồi xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội và nhiều website để quảng cáo thuốc đông y gia truyền, sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh, chữa bệnh…


Fanpage của “lương y” Trần Giang Nam nhan nhản các clip được dựng như chương trình thời sự chính thống.

Nhan nhản clip mạo danh
Thời gian gần đây trên mạng xã hội và một số website liên tục xuất hiện các đoạn clip ngắn đóng mác phóng sự, hoặc chương trình truyền hình với đặc điểm chung là cách ăn nói và trang phục của người dẫn chương trình; phông nền hoặc logo nhận diện đều được bê nguyên hoặc thiết kế na ná những kênh truyền hình nổi tiếng của các đài truyền hình lớn.
Thường xuyên bị mạo danh nhất có lẽ là chương trình Thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) với mục đích chính là cố tình tạo ra sự nhầm lẫn cho người xem. Và thực tế là đã có rất nhiều người quyết định bốc máy lên đặt hàng vì đinh ninh rằng sản phẩm đã được quảng cáo trên TV (nhất lại là VTV) thì mặc nhiên là sản phẩm tốt, chất lượng...
Có thể nhận thấy cách thức giả mạo này được tập trung phổ biến ở nhóm đối tượng bán các loại sản phẩm liên quan đến sức khỏe như thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đông y gia truyền… với một vài tên tuổi nổi bật có thể kể tới như: Sản phẩm chữa bệnh sinh lý ở nam giới của “lương y” Trần Giang Nam, sản phẩm chữa dạ dày của “lương y” Văn Trọng Khuyến hay sản phẩm đặc trị chữa xương khớp Ông Bồng…
Cụ thể, theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, tại địa chỉ Facebook có tên “Bác Sĩ Trần Giang Nam”, chỉ sau 5 ngày đăng tải phóng sự được gắn mác trương trình Thời sự 24h (với thiết kế phần logo ở thanh bar gần giống chương trình Chuyển động 24h của VTV1), dài hơn 4 phút nhận được hàng nghìn lượt like, hàng trăm bình luận và chia sẻ.
Không ít người sau khi xem đã tin tưởng vào bài thuốc “thần kỳ” này vì đã được chương trình Thời sự 24h kiểm chứng. Nhiều người đã giới thiệu cho người thân, bạn bè đến mua mà không hề biết rằng phóng sự này không phải do êkíp của đài truyền hình thực hiện và cũng chưa từng được phát trên bất kỳ kênh sóng nào của Đài Truyền hình Việt Nam.
Ngụy tạo cả nhân vật để lừa?
PV đã liên hệ trực tiếp với các nhân vật xuất hiện trong đoạn video phóng sự được cho là các bà vợ của bệnh nhân từng khám chữa thành công bằng sản phẩm Ngọc Dương của lương y Trần Giang Nam. Tuy nhiên, thông qua hai số điện thoại được chia sẻ công khai trong phóng sự, thì người nhấc máy đều là nam giới, cùng một giọng, đều tự xưng là chồng và không biết vợ mình khi nào mới về. Những người phụ nữ xuất hiện trong video này đều ở độ tuổi trung niên, nhưng giọng của người chồng còn rất trẻ và ấp úng. Khi PV hỏi về bài thuốc mà vợ chồng họ sử dụng hiệu quả nhanh không, người đàn ông không nhớ là thuốc gì, chữa gì.

Ảnh cắt từ 1 clip được dàn dựng như thật để bán thuốc của “lương y” Trần Giang Nam.

Điều khó hiểu hơn nữa là ngay sau thời điểm 2 cuộc điện thoại trên được thực hiện, chúng tôi bỗng nhận được cuộc gọi từ số thuê bao tự xưng từ phòng khám gia truyền của bác sĩ Trần Giang Nam để bắt bệnh qua điện thoại, tư vấn bán thuốc cường dương cho PV.
Các trang page mạng xã hội vệ tinh của vị bác sĩ này cũng hoạt động rầm rộ bằng mánh khóe tương tự. Cụ thể, tại địa chỉ Facebook có tên “Bác sĩ Trần Giang Nam - Chủ tịch hội Đông Y Ứng Hòa Hà Nội”, đoạn video ghi hình hoạt động trao tặng giải thưởng tại chương trình Truyền thông thương hiệu tiêu biểu hội nhập Châu Á - Thái Bình Dương có dấu hiệu lồng ghép âm thanh hòng ngụy tạo giải thưởng…
Theo Luật sư Phạm Văn Bình - Công ty Luật Bảo Ngọc (Hà Nội), theo điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, mọi hành vi sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại mà không được sự đồng ý của người đó là vi phạm pháp luật.
Theo luật sư Bình, tại khoản 8 điều 8 Luật Quảng cáo 2012 cũng quy định rõ, quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý (trừ trường hợp được pháp luật cho phép) là một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo, có thể bị phạt tiền tới 30 triệu đồng. Nếu đối tượng tiếp tục tái phạm, thì mức phạt có thể tăng tới 100 triệu đồng và cải tạo không giam giữ trong vòng 3 năm.
“Hình thức quảng cáo trá hình, lợi dụng uy tín nhà đài của các đối tượng xấu không còn mới mẻ, tuy nhiên không dễ kiểm soát bởi chúng được dàn dựng hết sức tinh vi, nếu không mạnh, xử lý dứt điểm sẽ để lại những hậu quả khó lường cho xã hội” - vị luật sư nêu quan điểm.
VTV đã nhiều lần cảnh báo
Theo đại diện VTV, lợi dụng uy tín của Đài Truyền hình Việt Nam, hàng nghìn thang thuốc đã được bán cho người bệnh mà chưa hề được bất cứ cơ quan y tế nào kiểm chứng xem thực sự có hiệu quả hay không. Do đó, nếu phát hiện những trang mạng xã hội đăng tải các clip giả mạo, khán giả hãy báo cáo ngay trang này có nội dung không phù hợp, vi phạm pháp luật để nhà cung cấp sẽ khóa trang ngay lập tức để cùng VTV thực hiện nghiêm túc luật bản quyền, sở hữu trí tuệ.
Nguồn: laodong.vn

Không có nhận xét nào