Việt Nam bỏ lơ Trung Quốc, độc lập phát triển công nghệ 5G
Khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung ngày một leo thang, cạnh tranh công nghệ giữa hai nước vẫn chưa đến hồi kết thì Việt Nam cũng mạnh dạn lựa chọn hướng đi cho riêng mình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem trình diễn các giải pháp viễn thông và CNTT mà Viettel tự nghiên cứu phát triển.
Chúng ta vẫn nghe nói nhiều về cụm từ “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, “công nghiệp 4.0 và Internet vạn vật”, đó là khát vọng của nhiều dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, điện thoại thông minh (smartphone) đã trở thành một sản phẩm công nghệ thay thế thiết yếu của con người với hàng chục thương hiệu lớn nhỏ như iPhone, SamSung, LG, Sony, Vivo và có cả Bphone, Vsmart,… Đi kèm theo đó là công nghệ 2G, 3G, 4G, 5G của Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Thụy Điển, Trung Quốc và gần đây ta nghe nói nhiều về 6G của Mỹ.
Trong xu thế bùng nổ công nghệ thì Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc mà trông vào. Mới đây, Viettel đã chính thức công bố hoàn thành thử nghiệm một trạm phát sóng 5G tại Hà Nội với tốc độ 600 đến 700Mbps ngang bằng với tốc độ mạng 5G của Verizon (Mỹ). Điều đáng chú ý là đây là tập đoàn công nghệ đầu tiên của Việt Nam tuyên bố tự phát triển các công nghệ cốt lõi cho mạng 5G, trong đó bao gồm cả chip và thiết bị 5G. Trong khi, các nhà mạng di động tại một số quốc gia trong khu vực như Philippines, Thái Lan tiếp tục sử dụng thiết bị của Huawei cho mạng 5G, bất chấp mọi tranh cãi và cáo buộc liên quan đến rủi ro bảo mật thì Việt Nam lại chủ động nghiên cứu độc lập, không phụ thuộc vào thiết bị hay linh kiện của Huawei. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng việc Việt Nam tự phát triển công nghệ 5G, điển hình Viettel là doanh nghiệp đi đầu sẽ thúc đẩy các công ty hay các hãng xưởng trong nước mạnh dạn phát triển công nghệ của riêng mình: “Qua đó sẽ giúp Việt Nam đạt được tham vọng thay đổi công nghệ của riêng mình cũng như nâng cấp quá trình công nghiệp hóa của mình lên một bước cao hơn”.
Lắp đặt trạm 5G của Viettel tại Hà Nội.
Mạng công nghệ 5G được xem là chìa khóa để chúng ta đi vào thế giới vạn vật được kết nối Internet. Nếu như mạng công nghệ 2G, 3G, 4G kết nối 7 tỷ người thì 5G sẽ kết nối hàng ngàn tỷ thiết bị, robot và cả phương tiện tự động thông qua trí tuệ nhân tạo góp phần thay đổi cơ bản cuộc sống con người. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: “5G sẽ tạo ra những thay đổi lớn, đó là tăng dung lượng và tốc độ cho thông tin băng rộng; thay đổi căn bản nhiều ngành công nghiệp, giao thông, y tế, nông nghiệp, thành phố thông minh”. Khi đó các nhà máy sản xuất tự động hoàn toàn, các ca phẫu thuật xuyên quốc gia hay một robot phục vụ bữa sáng cho bạn. Một ngôi nhà thông minh trang bị công nghệ 5G có thể giao tiếp với các cảm biến để cập nhật trạng thái tức thời mà không cần đến băng thông cực lớn hoặc để nhận tín hiệu từ khoảng cách xa. Những thứ trước đây chỉ có thể nằm trong trí tưởng tượng thì giờ đây sẽ dễ dàng thực hiện được thông qua thế hệ mạng vô tuyến mới.
Có thể thấy, sức hấp dẫn của 5G là vô cùng lớn. Với mỗi quốc gia, việc phát triển công nghệ 5G không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, lợi ích thương mại và sự tiện lợi cho người dùng mà còn mang ý nghĩa cách mạng hóa công nghệ an ninh và quân sự. Nghĩ xem, khi một đội biệt kích thâm nhập vào lãnh thổ của đối phương, mỗi người mang một thiết bị cỡ bằng chiếc đồng hồ đeo tay nhưng nó có thể cung cấp cho họ đầy đủ thông tin về mục tiêu, kế hoạch tác chiến, liên lạc và tình hình thực tế vị trí tác chiến của các thành viên. Điều đáng nói, đây không phải là các vị trí được định vị thông qua hệ thống vệ tinh, bởi trong nhiều điều kiện tác chiến như trong rừng rậm nhiệt đới, các tín hiệu vệ tinh hoạt động không ổn định. Tất cả là sự kết nối và chia sẻ giữa các thiết bị này với nhau thông qua 5G. Mạng Internet và 5G trong trường hợp này giúp mở rộng, đánh giá và phân tích sâu hơn các tình huống trên chiến trường.
Hơn nữa, công nghệ 5G còn trở thành công cụ để các thế lực thù địch, thành phần khủng bố lợi dụng vào nhiều cuộc tấn công mạng nhắm vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu của đất nước. Ví dụ cuộc tấn công vào hệ thống làm thủ tục tại sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất ở nước ta vào năm 2016. Thế nên, quyết định không sử dụng thiết bị 5G của Huawei là rất khôn ngoan bởi công nghệ 5G còn mang ý nghĩa chiến lược đối với an ninh quốc gia, như cái xương sống thông tin liên lạc nhiều ngành công nghệ khác nhau cũng như các liên lạc an ninh quốc phòng.
Hiểu rõ tầm quan trọng chiến lược của công nghệ nói chung và mạng công nghệ 5G nói riêng đối với việc phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc gia nên ngay từ đầu Việt Nam đã rất chú trọng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ vào đời sống. Ngay trong chuyến thăm và làm việc ở Châu Âu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Giám đốc điều hành Tập đoàn Ericsson đã chứng kiến lễ ký kết “Thỏa thuận hợp tác Đổi mới sáng tạo Công nghiệp 4.0 và Internet vạn vật” giữa Ericsson và VNPT. Thỏa thuận này sẽ hỗ trợ tầm nhìn về ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo như những sáng kiến Chính phủ điện tử nhằm phát triển kinh tế xã hội mới của Việt Nam. Cụ thể với doanh nghiệp, thỏa thuận này sẽ hỗ trợ cho khát vọng của Tập đoàn VNPT trong việc thúc đẩy những sáng kiến liên quan thành phố thông minh và Công nghiệp 4.0 trong nước. Đồng thời, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số cao cấp dựa trên nền tảng công nghệ 5G cho người dùng, doanh nghiệp và cả cơ quan nhà nước. Đó là lý do vì sao Việt Nam có những bước đi táo bạo trong việc phát triển công nghệ 5G.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem trình diễn các giải pháp viễn thông và CNTT mà Viettel tự nghiên cứu phát triển.
Có thể nói, sự thành công của Viettel trong việc thử nghiệm thành công trạm phát sóng 5G đã khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tạo và vươn lên tầm cao cho các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ khác trong nước. Tuy Việt Nam không phải là nước đi đầu trong việc phát triển công nghệ, cụ thể là công nghệ 5G, mặc dù chúng ta bắt đầu chậm hơn các nước khác nhưng tin rằng với tư duy, mục tiêu và hướng đi rõ ràng, nước ta sẽ cho ra đời những sản phẩm công nghệ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu sử dụng và sống thụ hưởng của người dân, bảo vệ an ninh quốc gia chặt chẽ và tạo được tiếng vang trong cộng đồng ITC quốc tế.
Nguồn: internet
Không có nhận xét nào