MKRdezign

TIN MỚI

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Cần, Kiệm, liêm, chính, chí công vô tư

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác giáo dục đạo đức có ý nghĩa rộng lớn, sâu xa nhưng lại hết sức gần gũi, thiết thực gắn liền với đời sống, việc làm và hành động của mỗi người chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Cần, kiệm, liêm, chính là nội dung cốt lõi của giá trị đạo đức cách mạng, đặc biệt đối với mỗi cán bộ, đảng viên.
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính
Thiếu một mùa thì không thành trời
Thiếu một phương thì không thành đất.
Thiếu một đức thì không thành người”

Trong di sản Hồ Chí Minh, Người đã nêu tấm gương sáng ngời trước nhân dân Việt Nam về đạo đức mới. Người đã tỏ rõ một nghị lực phi thường và sống với phương châm “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không hề chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”.
Trước lúc đi xa, Bác đã dặn dò các cán bộ rằng “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Với tinh thần đó, Người sống một cuộc sống thanh cao và giản dị. Từ đó sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức sáng ngời của Người sống mãi trong lòng kính yêu vô hạn của nhân dân Việt Nam.
1. CẦN
Tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai…
Tục ngữ ta có câu: Nước Chảy Mãi, Đá Cũng Mòn. Kiến Tha Lâu Cũng Đầy Tổ.
Nghĩa là Cần thì việc gì, dù khó khăn mấy, cũng làm được .
Dao siêng mài thì sắc bén. Ruộng siêng làm cỏ thì lúa tốt. Điều đó rất dễ hiểu.
Siêng học thì mau biết.
Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến.
Siêng làm thì nhất định thành công. Siêng hoạt động thì sức khỏe.
Chữ Cần chẳng những có nghĩa hẹp, như: Tay siêng làm thì hàm siêng nhai. Nó lại có nghĩa rộng là mọi người đều phải Cần, cả nước đều phải Cần.
Người siêng năng thì mau tiến bộ.
Cả nhà siêng năng thì chắc ấm no.
Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh.
Cả nước siêng năng thì nước mạnh giầu .
Muốn cho chữ Cần có nhiều kết quả hơn, thì phải có kế hoạch cho mọi công việc. Nghĩa là phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng…
Cần không phải là làm xổi. Nếu làm cố chết cố sống trong một ngày, một tuần hay một tháng, đến nỗi sinh ốm đau, phải bỏ việc. Như vậy không phải là Cần.
Cần là luôn luôn cố gắng, luôn luôn chăm chỉ, cả năm cả đời. Nhưng không làm quá trớn. Phải biết nuôi dưỡng tinh thần và Lực Lượng của mình, để làm việc cho lâu dài.
Lười Biếng là kẻ địch của chữ Cần.
Vì vậy, lười biếng cũng là Kẻ Địch Của Dân Tộc.
Một người lười biếng, có thể ảnh hưởng tai hại đến công việc của hàng nghìn hàng vạn người khác…
… Nếu có một người, một địa phương hoặc một ngành mà lười biếng, thì khác nào toàn chuyến xe chạy, mà một bánh xe trật ra ngoài đường ray. Họ sẽ làm chậm trễ cả chuyến xe.
Vì vậy, người lười biếng là có tội lỗi với đồng bào, với Tổ quốc…

2. KIỆM
Kiệm là thế nào?
Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi.
Cần với Kiệm, phải đi đôi với nhau như hai chân của con người.
Cần mà không Kiệm, ” thì làm chừng nào xào chừng ấy “. Cũng như một cái thùng không có đáy; nước đổ vào chừng nào, chảy hết ra chừng ấy, không lại hoàn không.
Kiệm mà không Cần, thì không tăng thêm, không phát triển được. Mà vật gì không tiến tức phải thoái. Cũng như cái thùng chỉ đựng một ít nước, không tiếp tục đổ thêm vào, lâu ngày chắc nước đó sẽ hao bớt dần, cho đến khi khô kiệt.
…Tiết Kiệm không phải là bủn xỉn.
Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là Kiệm.
Việc đáng tiêu mà không tiêu, là bủn xỉn, chứ không phải là Kiệm.
Tiết kiệm phải kiên quyết Không Xa Xỉ.
Việc đáng làm trong 1 giờ , mà kéo dài 2, 3 giờ là xa xỉ.
Hao phí vật liệu là xa xỉ.
Ăn sang mặc đẹp trong lúc đồng bào đang thiếu cơm, thiếu áo, là xa xỉ…
Vì vậy xa xỉ là có tội với Tổ quốc, với đồng bào.

3. LIÊM
Liêm là trong sạch, không tham lam.
Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, những người làm quan không đục khoét dân, thì gọi là Liêm, chữ Liêm ấy chỉ có nghĩa hẹp.
Cũng như ngày xưa TRUNG là trung với Vua. HIẾU là hiếu với cha mẹ mình thôi.
Ngày nay, nước ta là Dân chủ Cộng hòa, chữ Liêm có nghĩa rộng hơn; là mọi người đều phải Liêm. Cũng như Trung là trung với Tổ quốc; Hiếu là hiếu với nhân dân; ta thương cha mẹ ta, mà còn phải thương cha mẹ người, phải làm cho mọi người đều biết thương cha mẹ.
Chữ Liêm phải đi đôi với chữ Kiệm. Cũng như chữ Kiệm phải đi đôi với chữ Cần.
Có Kiệm mới Liêm được. Vì Xa Xỉ Mà Sinh Tham Lam…
4. CHÍNH
Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà.
Cần, Kiệm, Liêm, là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có nhành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn.
Trên quả đất, có hàng muôn triệu người. Song số người ấy có thể chia làm hai hạng: người Thiện và người Ác.
Trong xã hội, tuy có trăm công, nghìn việc. Song những công việc ấy có thể chia làm hai thứ: việc Chính và việc Tà.
Làm việc Chính, là người Thiện.
Làm việc Tà, là người Ác. Siêng năng (cần), tần tiện (kiệm), trong sạch (liêm), Chính là Thiện.
Lười biếng, xa xỉ, tham lam, là tà, là ác…
5. CHÍ CÔNG – VÔ TƯ
Chí công là rất mực công bằng, công tâm;
Vô tư là không được có lòng riêng, thiên tư, thiên vị “tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán”,
đem lòng chí công, vô tư đối với người, với việc.
“Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”, 
“lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.
Muốn “chí công vô tư” phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân.
Đây là chuẩn mực của người lãnh đạo, người “giữ cán cân công lý”,
không được vì lòng riêng mà chà đạp lên pháp luật.
Cần, kiệm, liêm, chính có quan hệ chặt chẽ với nhau, với chí công vô tư. Cần, kiệm, liêm, chính dẫn đến chí công vô tư. Ngược lại, đã chí công vô tư thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính.
Tư tưởng và tấm gương đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là những giá trị đạo đức cao đẹp của thời đại. Cán bộ, đảng viên là cầu nối giữa Đảng với quần chúng, là người đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng đến với quần chúng. Để trở thành một người cán bộ, đảng viên tốt trong cơ quan, đơn vị; người công dân tốt trong xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên cần hiểu sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải làm cho đông đảo quần chúng hiểu đúng, tổ chức cho quần chúng thực hiện đúng và hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng./.
Nguồn: Tài liệu tham khảo: (Cần Kiệm Liêm Chính, tháng 6 /1949, sđd, t5, tr 632 – 443 ).

Không có nhận xét nào