Giảng viên đại học vượt hàng trăm km đi coi thi THPT quốc gia
Hàng trăm giảng viên Hà Nội đã sẵn sàng cho bốn ngày ăn, ở tại những điểm vùng sâu như Mường Nhé (Điện Biên) hay Hoàng Su Phì (Hà Giang).
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, anh Chu Văn Tuấn, Bí thư Đoàn trường Đại học Điện lực, cho hay toàn trường có 170 cán bộ, giảng viên chia thành ba đoàn lên Hà Giang trong ba ngày. Hôm nay, cán bộ làm phó trưởng điểm thi đã xuất phát. Ngày mai, cán bộ làm nhiệm vụ ở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh lên đường. Đến sáng 23/6, ba ôtô đưa các cán bộ coi thi lên, đảm bảo chiều 23/6 sẽ có mặt ở điểm thi theo thời gian quy định.
Việc ăn ở của giảng viên, nhà trường đã phối hợp với Hà Giang thuê nhà trọ, nhà nghỉ gần địa điểm thi. Trước đó ngày 19/6, Đại học Điện lực đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ tham gia kỳ thi. Nhà trường lên kế hoạch sau khi kết thúc kỳ thi vào ngày 27/6, cán bộ, giảng viên sẽ thực hiện chương trình từ thiện tại xã Tân Lập, huyện Bắc Quang nhằm giúp đỡ học sinh khó khăn với kinh phí hơn 100 triệu đồng do chính cán bộ, giảng viên của trường quyên góp.
Cán bộ coi thi THPT quốc gia năm 2018. Ảnh: Giang Huy
|
Ông Phùng Gia Thế, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (Vĩnh Phúc), cho biết trường có 185 cán bộ, giảng viên tham gia công tác thanh tra, coi thi, giám sát và chấm thi tại 13 điểm thi của Sơn La. 5h ngày 22/6, một xe đi huyện Sốp Cộp - nơi cách Vĩnh Phúc hơn 400 km, sẽ xuất phát trước. Các xe ở các điểm thi còn lại sẽ đi vào 6h ngày 23/6.
Để chuẩn bị cho kỳ thi, nhà trường đã lên Sơn La khảo sát ba lần ở một số điểm thi, địa điểm chấm thi. Với điểm vùng xa, nhà trường và tỉnh bố trí cho giảng viên ngủ tại trường thay vì thuê nhà nghỉ, khách sạn.
"Nếu phải đi 6-7 km để có khách sạn cho tiện nghi thì trường chọn phương án cho thầy cô ở tại trường để đảm bảo an toàn và gần địa điểm thi nhất có thể. Chúng tôi quán triệt giảng viên chia sẻ với bà con chứ không có bất cứ yêu cầu gì thái quá", ông Thế nói và cho biết ngoài kinh phí do Sơn La chi trả, trường hỗ trợ lo xe cộ đi lại và lo từng bữa ăn cho cán bộ, giảng viên.
Theo ông Thế, dù Sơn La là một trong ba tỉnh xảy ra gian lận thi cử trong năm 2018, cán bộ của Đại học Sư phạm Hà Nội 2 không bị tâm lý nặng nề. Trường đã tổ chức tập huấn nhiều lần để phổ biến cán bộ nghiêm túc, làm đúng quy chế.
Không chỉ làm nhiệm vụ coi thi, Đại học Sư phạm Hà Nội 2 còn chủ trì chấm thi trắc nghiệm cho Sơn La. Dù trường đã quen với cách thức chấm thi trắc nghiệm và từng hỗ trợ Tuyên Quang vào năm 2015, ông Thế cho rằng khi được giao chủ trì, trách nhiệm của trường sẽ khác, đặc biệt là ở tỉnh từng xảy ra gian lận.
Lịch thi THPT quốc gia 2019. Đồ họa: Việt Chung
|
Tỉnh Điện Biên chỉ có một trường là Đại học Thủy lợi phối hợp coi thi và chủ trì khâu chấm trắc nghiệm. Ông Nguyễn Trung Việt, Phó hiệu trưởng Đại học Thủy lợi, cho biết toàn tỉnh chỉ có 17 điểm thi, nhưng có nhiều điểm rất khó khăn. "Quãng đường từ Hà Nội lên thành phố Điện Biên hơn 450 km, điểm xa nhất ở Mường Nhé cách thành phố 205 km nữa. Có điểm chỉ cách thành phố khoảng 100 km nhưng do đường xấu, việc đi lại mất 8-9 tiếng", ông Việt nói.
Do đang mùa mưa bão, sạt lở có thể xảy ra, chất lượng nước cũng thấp, vắt, muỗi nhiều, nên Đại học Thủy lợi phải chuẩn bị tinh thần cho cán bộ, giảng viên. Những điểm thi ở vùng khó khăn, nhà trường không bố trí cán bộ nữ.
Trong 350 cán bộ, giảng viên sẽ về Điện Biên làm công tác thi, một đoàn đã xuất phát sáng 21/6 để đảm bảo cho công tác thanh tra theo kế hoạch của Bộ. Số còn lại sẽ lên Điện Biên vào sáng 22/6. Quãng đường xa, một số xe sẽ nghỉ lại Sơn La một đêm trước khi vào điểm thi. Một số ở những điểm thi đặc biệt khó khăn sẽ phải di chuyển thêm bằng xe máy, ở nhà dân hoặc khu nội trú của các trường.
Ngoài tập huấn chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Thủy lợi còn tổ chức những buổi tập huấn riêng, có cẩm nang, tài liệu ghi lại trường hợp thường gặp, điểm cần rút kinh nghiệm qua các kỳ thi trước. "Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Các cán bộ được tuyển đi phải thực hiện nghiêm túc, an toàn, giữ hình ảnh của trường và của ngành giáo dục", ông Việt nói.
Giảng viên của các đại học ở Hà Nội cũng đã sẵn sàng lên đường đi tỉnh. Đại học Bách khoa Hà Nội có khoảng 870 cán bộ, giảng viên làm công tác thi ở Thanh Hóa, sẽ xuất phát vào sáng 22 và 23/6. Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tập huấn kỹ càng cho các giảng viên làm nhiệm vụ coi thi ở tỉnh này.
Ngày 25-27/6, hơn 887.000 thí sinh cả nước sẽ tham dự kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Số đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên là hơn 653.000. Thí sinh sẽ thi 5 bài, gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ, hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Trừ Văn thi tự luận, các môn con lại thi trắc nghiệm.
Về công tác coi thi, các đại học sẽ phối hợp với địa phương. Mỗi phòng thi sẽ có một cán bộ coi thi là giáo viên THPT địa phương, một người là giảng viên đại học. 2019 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các trường đại học chủ trì khâu chấm thi trắc nghiệm. Đây được coi là một trong những giải pháp mới nhằm chống gian lận thi cử.
Nguồn: vnexpress.net
Không có nhận xét nào