Chỉ biết đặt điều mà chẳng chịu nhìn thẳng nói thật về ngành Công an
Cứ dăm ba bữa lại có một bài viết về Công an, phần lớn chứa thông tin tiêu cực, đặc biệt khi có những sự việc, hình ảnh chưa rõ đúng sai thì một số kẻ đã ăn theo thông tin và lên án ngành này thậm tệ. Mới đây, một tài khoản FB mang tên Đỗ Văn Ngà đã đăng tải bài đăng cho rằng “cứ 16 người dân thì có một công an”; “hàng triệu công an là hàng triệu đảng viên đang đứng ngoài vòng pháp luật, kể cả khi tham nhũng”, “công an làm vì thưởng”, “công an là lực lượng đe dọa nhân dân”. Sự thật thì…
Chẳng rõ Đỗ Văn Ngà lấy nguồn tin ở đâu mà lu loa với cộng đồng mạng xác suất làm công an lớn như vậy. Theo cách tính của ông ta, với khoảng 99 triệu người dân Việt hiện nay thì số lượng công an sẽ lên đến hơn 6 triệu người. Một con số nhìn vào đã thấy rất vô lý và hoang đường. Vì sao ư? Thử làm phép tính đơn giản so sánh với lực lượng quân đội hùng hậu của nước ta hiện nay, mỗi năm các binh đoàn, trung đoàn, sư đoàn tuyển thêm hàng trăm, hàng ngàn người chưa kể có gần 1,5 triệu người nhập ngũ phục vụ quân sự, ấy vậy mà theo Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng, lực lượng thường trực (bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương) của Quân đội nhân dân Việt Nam mới chỉ có khoảng 450.000 người. Vậy thì ngành Công an với số lượng tuyển sinh ngày càng eo hẹp, thậm chí có trường không còn tuyển sinh, có đơn vị không nhận đi lính nghĩa vụ thì lấy đâu ra con số hơn 6 triệu người đây?
Nói đâu xa ngay tại gia đình tôi, cả hai dòng họ nội ngoại, người phục vụ cho quân đội thì có vì hồi xưa chiến tranh mà, “đàn ông ra trận, đàn bà làm hậu phương tiếp tế lương thực, thực phẩm” cũng là lẽ thường tình; Chỉ có duy nhất ông anh họ làm công an, thậm chí ông ấy cũng phấn đấu trầy trật hơn 2 năm trời đi lính nghĩa vụ mới được cho đi học trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II. Vậy thì lấy đâu ra xác suất cứ 16 người thì một người làm công an như Đỗ Văn Ngà nói?
Ở đời, sao mà ghét mấy kẻ đã thiếu hiểu biết mà cứ tỏ ra mình có cả bầu trời tri thức. Chưa hết, Đỗ Văn Ngà này còn hùng hồn phán “hàng triệu công an là hàng triệu đảng viên đứng ngoài vòng kiểm soát của pháp luật”. Xin thưa, là công an hay bất kỳ một cá nhân nào thì trước pháp luật cũng chỉ là một người công dân bình thường, làm sai đều phải chịu trách nhiệm. Thậm chí, trong công cuộc phòng chống tham nhũng từ trước đến này đều “không có vùng cấm”, ngay cả Ủy viên Bộ Chính trị, thứ trưởng Bộ Công an cùng các tướng làm sai cũng phải lĩnh án bình thường đấy thôi. Báo chí đưa tin ầm ầm, vậy thì ai là người đứng ngoài vòng pháp luật đây Đỗ Văn Ngà?
Bất cứ một ngành nào cũng sẽ có những “con sâu làm rầu nồi canh”, những hành động lệch lạc của một số bộ phận đó đã gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh người chiến sĩ công an trong lòng dân. Thế nhưng, “nghề nào nghiệp đó”, chúng ta khó có thể đòi hỏi sự tuyệt đối trong bất cứ môi trường nào, nếu là một người công tâm thì không thể dựa vào đó mà phủ nhận tất cả sự cố gắng của các chiến sỹ khác hay mục tiêu chung của ngành Công an.
Nghe ông anh họ kể lại, đằng sau mỗi chiến công triệt phá đường dây ma túy hàng trăm hàng ngàn tấn, đó là những anh em suốt ngày ngụy trang nằm cống nằm rừng, mật phục thâm nhập vào hang ổ của tội phạm nguy hiểm để nắm bắt thông tin, thu thập bằng chứng. Ăn được đồng lương từ ngân sách đâu có dễ, bất cứ lúc nào cũng phải thủ sẵn tâm thế chiến đấu với tội phạm, lao vào khống chế tên ngáo đá chém người trong khi các nam thanh niên khác trố mắt đứng nhìn hoặc ăn hôi vài cú đạp vào mặt nghi phạm lẫn mặt công an. Có khi truy đuổi khống chế kẻ ăn cắp mà phải hứng chịu gạch đá của dư luận từ ngày này sang ngày nọ. Vẫn còn đó hình ảnh người chiến sỹ công an cùng nhân dân vượt lũ; hình ảnh anh công an bị thương nhưng vẫn đau đáu nhìn về hướng đồng đội đang xử lý đám cháy lớn ở chung cư Carina hay các anh chiến sỹ không mặc đồ bảo hộ nhưng vẫn nhanh nhẹn, can đảm chữa cháy ở Sapa. Đã có biết bao nhiêu người hy sinh bữa cơm gia đình, những ngày Tết sum họp để ở lại trực hiện trường, làm án thâu đêm suốt sáng để tìm ra hung thủ trong các vụ án giết người liên hoàn, trả lại bình yên cho vùng quê đó. Không thể kể hết tên các chiến sỹ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ hoặc gặp phải rủi ro như vụ 8 cán bộ, chiến sĩ công an tỉnh Hưng Yên bị phơi nhiễm HIV do bị thương và dính máu khi bắt đối tượng tàng trữ, mua bán ma túy trái phép.
Bao nhiêu lát cắt cơ bản nhất có thể hình dung sự nguy hiểm và trách nhiệm nặng nề mà những chiến sĩ công an đang phải gánh vác. Ấy vậy mà, miệng lưỡi một số người cay độc như Đỗ Văn Ngà lại cho rằng “họ chỉ làm vì thưởng”. Nói thật, chẳng một ông công an nào lao vào nguy hiểm với tâm thế mong nhận thưởng hay chấp nhận hy sinh để nhận bằng Tổ quốc ghi công cả. Nói trên miệng hai từ “hy sinh” có vẻ như rất đơn giản, nhẹ tựa lông hồng nhưng được bao nhiêu người can đảm chấp nhận hy sinh? Theo tâm lý bình thường của con người, ai đó sinh ra được cha mẹ nuôi nấng trưởng thành, đi học làm việc cũng muốn cống hiến cho nghề cho xã hội và cũng phải sống cho bản thân và gia đình nữa. Ai mà muốn hy sinh, bỏ lại người thân và bao nhiêu ước mơ và công việc đang dang dở chứ? Tinh thần chấp nhận rủi ro và hy sinh vì nhiệm vụ đâu có dễ như việc Đỗ Văn Ngà ngồi chửi đổng cho vui tai vui miệng mà không đặt bản thân mình vào hoàn cảnh của người khác.
Dù vẫn còn mặt tiêu cực nhưng không thể phủ nhận vai trò của những chiến sỹ Công an nhân dân nói riêng và ngành Công an nói chung trong xã hội này. Nói vui nhưng thật, tội phạm vẫn còn sợ “cớm”, một ngày còn công an thì chúng phải dè chừng với hành vi phạm tội của mình. Chúng ta có chịu được cảnh cướp giật, người giao tiếp với người bằng nắm đấm và con dao hay không? Nhìn lại tất thảy những hành động, khoảnh khắc chiến đấu biết nói ở trên mà Đỗ Văn Ngà cho rằng “Công an là lực lượng đe dọa nhân dân” thì phải xem lại mục đích của ông ta thôi.
Trong kinh doanh nước mắm, một thông tin bẩn rằng nước truyền thống bị nhiễm asen do Tập đoàn Masan đưa ra có thể đưa các doanh nghiệp truyền thống đứng bên bờ vực thẳm hoặc thiệt hại hàng tỷ đồng. Tiền mất có thể kiếm lại được nhưng uy tín thương hiệu mất rồi có vực dậy được không? Cũng như việc Đỗ Văn Ngà đặt điều vu khống ngành Công an, nó không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của ngành Công an mà còn giảm đi lòng nhiệt huyết sống chết với nghề của các chiến sỹ. Ngành công an vẫn còn những nhiễu nhương, những cá nhân sai phạm nên thay vì nhìn thẳng thì hãy nhìn khách quan, công tâm.
Không có nhận xét nào